Thứ trưởng Bộ Ngoại giao Đoàn Xuân Hưng vẫn không quên khoảnh khắc một mình đứng giữa sa mạc Tunisia khi người lao động cuối cùng đã lên máy bay về nước. Thậm chí, gần một tuần sau đó, khi bình tâm ngồi kể lại những câu chuyện ở miền đất dữ, ông vẫn chẳng thể tin, chiến dịch lại diễn ra nhanh chóng đến thế. “Những lúc khó khăn nhất lại chính là lúc tình người được thể hiện đẹp đẽ nhất,” Thứ trưởng Hưng chiêm nghiệm.
Xúc động tình cảm quốc tế
Ngày khăn gói lên đường, đoàn công tác không dám hẹn ngày chính xác sẽ giải cứu xong hơn 1 vạn người Việt mắc kẹt ở Libya. Thậm chí, khi kế hoạch đã diễn ra suôn sẻ, cả đoàn vẫn chẳng thể có một giấc ngủ cho ra ngủ. Tin tức về số người bị mắc kẹt ở biên giới cứ liên tục báo về. Đấy là chưa kể việc lo ăn, lo ở cho gần ngàn người giữa sa mạc Tunisia cũng chẳng dễ dàng gì.
Những ngày khó khăn ấy, Thứ trưởng Hưng kể, nếu không có sự giúp sức của bạn bè quốc tế thì không chắc chiến dịch diễn ra suôn sẻ đến thế. Những người bạn nước ngoài không nề hà vất vả, lăn xả giúp đỡ người Việt hồi hương, Thứ trưởng Hưng bảo ông sẽ không bao giờ quên.
Ông vẫn nhớ hình ảnh cô nhân viên làm tại sân bay Tunisia. Những ngày chạy loạn, sân bay Tunisia có tới hàng ngàn người vây kín. Chưa bao giờ những nhân viên ở đây phải làm việc vất vả đến thế. Thứ trưởng Hưng đã chứng kiến cảnh người phụ nữ nhỏ bé gào khản cả tiếng để làm thủ tục cho đám đông người nhốn nháo. Thế nhưng, điều làm ông xúc động nhất là nụ cười chưa bao giờ tắt trên khuôn mặt cô nhân viên người Tunisia. Đặc biệt với người Việt Nam, người phụ nữ nọ chẳng nề hà bất cứ “phiền toái” nào.
“Dù bận thế nào nhưng bất kỳ lúc nào đoàn Việt Nam cần gì đều được cô vui vẻ giúp đỡ. Bất kỳ cuộc điện thoại nào của chúng tôi cũng được trả lời rất tận tình, chính những người phụ nữ rất bình thường ấy đã thể hiện nét đẹp của cả một dân tộc” - ông Hưng xúc động.
Thứ trưởng Hưng cũng nhớ cả những nhân viên của tổ chức Tổ chức Di cư Thế giới (IOM) hay những người bạn nơi đất nước xa lạ Tunisia. Lương thực cả đoàn mang đi chẳng nhiều, trong khi số lượng người Việt tại đây lại rất lớn. Vì thế, chuyện ăn ở của hơn nghìn lao động nhờ không ít vào những người bạn quốc tế.
“Những người bạn ấy hàng ngày chẳng quản khó đều mang bánh mỳ, sữa cho hàng ngàn lao động cắm trại giữa sa mạc Tunisia,” ông Hưng nhớ lại.
Một câu chuyện đáng nhớ khác mà Thứ trưởng Hưng bảo cũng sẽ giữ mãi trong lòng là trường hợp một nữ sinh người Chăm sang Libya du học. Theo nhóm người chạy loạn từ Tripoli về sa mạc Tunisia, chưa kịp nghỉ ngơi, cô bé vội chạy tới khẩn khoản nhờ thứ trưởng giúp đỡ 19 người bạn Campuchia vẫn bị kẹt lại ở Libya.
Thứ trưởng Hưng nghe thế liền đồng ý ngay. Ông biết Campuchia không có đại sứ quán tại Libya nên rất khó để những du học sinh này về nước một sớm một chiều, thậm chí, nguy cơ bị kẹt lại tại miền đất loạn lạc là rất lớn.
Thứ trưởng Hưng liền điện thoại ngay cho Đại sứ quán thuê xe chở hết số học sinh đó ra biên giới. Khi các em được đưa ra đến nơi, ông cũng chỉ đạo ngay anh em trong đoàn công tác đưa các em lến chuyến bay sớm nhất về Việt Nam, đồng thời báo cho sứ quán Campuchia tại Việt Nam kèm danh sách đầy đủ.
Những câu chuyện chưa bao giờ được kể
Ngồi lặng lại sau câu chuyện về cuộc giải cứu người Việt Nam ra khỏi chảo lửa Libya, Thứ trưởng Đoàn Xuân Hưng bảo, mọi người vẫn chỉ biết đến tin hôm nay có bao nhiêu người từ đất bạn trở về, chứ không mấy người biết đến những chuyện “bếp núc” phía sau.
Ngay trước thời điểm xuất phát, bên cạnh việc chọn địa điểm đặt đại bản doanh, một vấn đề khó khăn không kém là làm thế nào cấp được giấy thông hành cho những trường hợp đã mất visa. Trong khi, toàn bộ liên lạc với đại sứ quán Việt Nam tại Libya đã bị cắt đứt.
“Đây là một vấn đề sống còn, vì nếu không cấp lại được giấy thông hành, anh em sẽ không thể qua được biên giới và về nước an toàn,” Thứ trưởng Hưng quả quyết.
Cuối cùng quyết định để Cục phó Cục lãnh sự mang thêm 2.000 tờ giấy thông hành, đóng dấu ngay tại Cục để nếu cần thiết sẽ cấp ngay tại chỗ cho người Việt Nam là quyết định sáng suốt khiến lao động Việt Nam không gặp nhiều khó khăn khi làm các thủ tục về nước.
Cho đến sáng ngày 9/3, khi toàn bộ thành viên trong đoàn công tác đã trở về tới Việt Nam với niềm tin toàn bộ công dân nước mình đã được đưa về nước thì bất ngờ Thứ trưởng Đoàn Xuân Hưng nhận được thông báo hiện vẫn còn 292 người bị kẹt lại giữa sa mạc của Algeria trong nhiều ngày. Nhóm lao động này đang hết sức tuyệt vọng và hoảng sợ.
“Ngay trong ngày, Thủ tướng gọi điện cho tôi, yêu cầu phải tìm mọi cách để đưa số công dân này về nước càng nhanh càng tốt. Tôi tính, điều máy bay sang đó đưa anh em về thì dễ, nhưng cái khó là chưa nắm được địa hình cụ thể tại nước bạn có đủ điều kiện để máy bay 777 của mình hạ cánh không,” ông Hưng nhớ lại.
Để đảm bảo chắc chắn, Thứ trưởng Hưng gọi điện cho phía bạn nhờ vận chuyển 292 người Việt Nam sang một địa điểm đủ điều kiện hạ cánh cách đó 1.800 km. Nhưng gay nhất, thời điểm này lại rơi đúng vào hai ngày nghỉ lễ của đạo Hồi, toàn bộ các dịch vụ chuyên chở tại đất nước châu Phi dừng hoạt động trong hai ngày. Đại sứ Việt Nam báo về, dù có gửi công hàm khẩn vào ngay lúc này cũng không ai đọc.
Trong khi, gần 300 lao động Việt Nam vẫn đang mòn mỏi giữa sa mạc rộng lớn ngóng từng ngày để được về Tổ quốc. Tình thế mỗi lúc một nguy cấp hơn. Nghĩ mãi, cuối cùng vị tổng chỉ huy trưởng chiến dịch yêu cầu đại sứ vẫn tiếp tục gửi công hàm và báo lại ngay khi thực hiện xong nhiệm vụ.
Trưa ngày 10/3, tin từ Algieria báo, công hàm đã được chuyển. Thứ trưởng Bộ Ngoại Giao lập tức mời đại sứ đặc mệnh toàn quyền Algieria đến làm việc. Trước đó, ông cũng đã xin ý kiến để thảo một bức thư của Thủ tướng gửi nước bạn với nội dung cảm ơn phía bạn đã cưu mang, giúp đỡ trong suốt thời gian diễn ra chiến dịch và đề nghị phía bạn giúp đỡ nốt 292 trường hợp còn bị kẹt lại.
Vào lúc 11 giờ 30 phút cùng ngày, đại sứ Algieria được đề nghị hỗ trợ Việt Nam bằng cách liên lạc về nước thông báo việc tiếp nhận thư và công hàm khẩn. Trong khi đó, chế độ liên lạc giữa văn phòng đại sứ tại Algieria với Thứ trưởng Hưng vẫn liên tục được giữ.
Nhờ những động thái quyết liệt ấy, ngay trong chiều 10/3, phía bạn đã đồng ý chuyển gần 300 lao động Việt Nam về địa điểm cách sân bay 800 km.
Vừa trút bỏ được một gánh nặng khổng lồ, chuyến giải cứu cuối cùng lại vấp ngay vào một cản trở mới: Máy bay của hãng hàng không quốc gia chưa thể xin được phép bay qua một loạt quốc gia để tới đất nước châu Phi xa xôi nọ.
“Lúc này đã về đêm, nhưng tôi không sao ngủ được. Khó nhất là xin lệnh bay qua không phận Tunisia và Ấn Độ. Phía hàng không thì liên tục thông báo nếu trong nửa tiếng đồng hồ nữa không xin được lệnh thì chuyến bay sẽ không thể cất cánh,” ông kể.
Ngay trong đêm ấy, ông lại phải tiếp tục liên hệ qua trụ sở phái đoàn Liên Hiệp Quốc và đại sứ quán tại khắp các quốc gia để “thông thế bế tắc” cho ngày giải cứu cuối cùng sắp tới.
Rất may, nhờ những nỗ lực ấy, đến 5 giờ sáng ngày 11/3, phía hàng không Việt Nam thông báo đã có lệnh bay. Vào 8 giờ, chuyến 777 cuối cùng của chiến dịch rời Nội Bài sang đón những người con còn sót về đất mẹ.
Giờ kể lại cuộc hành trình kéo dài 1 tuần tại một xứ sở đầy cát trắng, ô liu xa lạ ấy, ông cười như chưa có chuyện gì to tát. Ông bảo, những ngày ấy, điều ước mong lớn nhất là đưa toàn bộ anh em về nước. Những vất vả không đáng là gì so với niềm vui cả vạn con người trong ngày đoàn tụ./.
Xúc động tình cảm quốc tế
Ngày khăn gói lên đường, đoàn công tác không dám hẹn ngày chính xác sẽ giải cứu xong hơn 1 vạn người Việt mắc kẹt ở Libya. Thậm chí, khi kế hoạch đã diễn ra suôn sẻ, cả đoàn vẫn chẳng thể có một giấc ngủ cho ra ngủ. Tin tức về số người bị mắc kẹt ở biên giới cứ liên tục báo về. Đấy là chưa kể việc lo ăn, lo ở cho gần ngàn người giữa sa mạc Tunisia cũng chẳng dễ dàng gì.
Những ngày khó khăn ấy, Thứ trưởng Hưng kể, nếu không có sự giúp sức của bạn bè quốc tế thì không chắc chiến dịch diễn ra suôn sẻ đến thế. Những người bạn nước ngoài không nề hà vất vả, lăn xả giúp đỡ người Việt hồi hương, Thứ trưởng Hưng bảo ông sẽ không bao giờ quên.
Ông vẫn nhớ hình ảnh cô nhân viên làm tại sân bay Tunisia. Những ngày chạy loạn, sân bay Tunisia có tới hàng ngàn người vây kín. Chưa bao giờ những nhân viên ở đây phải làm việc vất vả đến thế. Thứ trưởng Hưng đã chứng kiến cảnh người phụ nữ nhỏ bé gào khản cả tiếng để làm thủ tục cho đám đông người nhốn nháo. Thế nhưng, điều làm ông xúc động nhất là nụ cười chưa bao giờ tắt trên khuôn mặt cô nhân viên người Tunisia. Đặc biệt với người Việt Nam, người phụ nữ nọ chẳng nề hà bất cứ “phiền toái” nào.
“Dù bận thế nào nhưng bất kỳ lúc nào đoàn Việt Nam cần gì đều được cô vui vẻ giúp đỡ. Bất kỳ cuộc điện thoại nào của chúng tôi cũng được trả lời rất tận tình, chính những người phụ nữ rất bình thường ấy đã thể hiện nét đẹp của cả một dân tộc” - ông Hưng xúc động.
Thứ trưởng Hưng cũng nhớ cả những nhân viên của tổ chức Tổ chức Di cư Thế giới (IOM) hay những người bạn nơi đất nước xa lạ Tunisia. Lương thực cả đoàn mang đi chẳng nhiều, trong khi số lượng người Việt tại đây lại rất lớn. Vì thế, chuyện ăn ở của hơn nghìn lao động nhờ không ít vào những người bạn quốc tế.
“Những người bạn ấy hàng ngày chẳng quản khó đều mang bánh mỳ, sữa cho hàng ngàn lao động cắm trại giữa sa mạc Tunisia,” ông Hưng nhớ lại.
Một câu chuyện đáng nhớ khác mà Thứ trưởng Hưng bảo cũng sẽ giữ mãi trong lòng là trường hợp một nữ sinh người Chăm sang Libya du học. Theo nhóm người chạy loạn từ Tripoli về sa mạc Tunisia, chưa kịp nghỉ ngơi, cô bé vội chạy tới khẩn khoản nhờ thứ trưởng giúp đỡ 19 người bạn Campuchia vẫn bị kẹt lại ở Libya.
Thứ trưởng Hưng nghe thế liền đồng ý ngay. Ông biết Campuchia không có đại sứ quán tại Libya nên rất khó để những du học sinh này về nước một sớm một chiều, thậm chí, nguy cơ bị kẹt lại tại miền đất loạn lạc là rất lớn.
Thứ trưởng Hưng liền điện thoại ngay cho Đại sứ quán thuê xe chở hết số học sinh đó ra biên giới. Khi các em được đưa ra đến nơi, ông cũng chỉ đạo ngay anh em trong đoàn công tác đưa các em lến chuyến bay sớm nhất về Việt Nam, đồng thời báo cho sứ quán Campuchia tại Việt Nam kèm danh sách đầy đủ.
Những câu chuyện chưa bao giờ được kể
Ngồi lặng lại sau câu chuyện về cuộc giải cứu người Việt Nam ra khỏi chảo lửa Libya, Thứ trưởng Đoàn Xuân Hưng bảo, mọi người vẫn chỉ biết đến tin hôm nay có bao nhiêu người từ đất bạn trở về, chứ không mấy người biết đến những chuyện “bếp núc” phía sau.
Ngay trước thời điểm xuất phát, bên cạnh việc chọn địa điểm đặt đại bản doanh, một vấn đề khó khăn không kém là làm thế nào cấp được giấy thông hành cho những trường hợp đã mất visa. Trong khi, toàn bộ liên lạc với đại sứ quán Việt Nam tại Libya đã bị cắt đứt.
“Đây là một vấn đề sống còn, vì nếu không cấp lại được giấy thông hành, anh em sẽ không thể qua được biên giới và về nước an toàn,” Thứ trưởng Hưng quả quyết.
Cuối cùng quyết định để Cục phó Cục lãnh sự mang thêm 2.000 tờ giấy thông hành, đóng dấu ngay tại Cục để nếu cần thiết sẽ cấp ngay tại chỗ cho người Việt Nam là quyết định sáng suốt khiến lao động Việt Nam không gặp nhiều khó khăn khi làm các thủ tục về nước.
Cho đến sáng ngày 9/3, khi toàn bộ thành viên trong đoàn công tác đã trở về tới Việt Nam với niềm tin toàn bộ công dân nước mình đã được đưa về nước thì bất ngờ Thứ trưởng Đoàn Xuân Hưng nhận được thông báo hiện vẫn còn 292 người bị kẹt lại giữa sa mạc của Algeria trong nhiều ngày. Nhóm lao động này đang hết sức tuyệt vọng và hoảng sợ.
“Ngay trong ngày, Thủ tướng gọi điện cho tôi, yêu cầu phải tìm mọi cách để đưa số công dân này về nước càng nhanh càng tốt. Tôi tính, điều máy bay sang đó đưa anh em về thì dễ, nhưng cái khó là chưa nắm được địa hình cụ thể tại nước bạn có đủ điều kiện để máy bay 777 của mình hạ cánh không,” ông Hưng nhớ lại.
Để đảm bảo chắc chắn, Thứ trưởng Hưng gọi điện cho phía bạn nhờ vận chuyển 292 người Việt Nam sang một địa điểm đủ điều kiện hạ cánh cách đó 1.800 km. Nhưng gay nhất, thời điểm này lại rơi đúng vào hai ngày nghỉ lễ của đạo Hồi, toàn bộ các dịch vụ chuyên chở tại đất nước châu Phi dừng hoạt động trong hai ngày. Đại sứ Việt Nam báo về, dù có gửi công hàm khẩn vào ngay lúc này cũng không ai đọc.
Trong khi, gần 300 lao động Việt Nam vẫn đang mòn mỏi giữa sa mạc rộng lớn ngóng từng ngày để được về Tổ quốc. Tình thế mỗi lúc một nguy cấp hơn. Nghĩ mãi, cuối cùng vị tổng chỉ huy trưởng chiến dịch yêu cầu đại sứ vẫn tiếp tục gửi công hàm và báo lại ngay khi thực hiện xong nhiệm vụ.
Trưa ngày 10/3, tin từ Algieria báo, công hàm đã được chuyển. Thứ trưởng Bộ Ngoại Giao lập tức mời đại sứ đặc mệnh toàn quyền Algieria đến làm việc. Trước đó, ông cũng đã xin ý kiến để thảo một bức thư của Thủ tướng gửi nước bạn với nội dung cảm ơn phía bạn đã cưu mang, giúp đỡ trong suốt thời gian diễn ra chiến dịch và đề nghị phía bạn giúp đỡ nốt 292 trường hợp còn bị kẹt lại.
Vào lúc 11 giờ 30 phút cùng ngày, đại sứ Algieria được đề nghị hỗ trợ Việt Nam bằng cách liên lạc về nước thông báo việc tiếp nhận thư và công hàm khẩn. Trong khi đó, chế độ liên lạc giữa văn phòng đại sứ tại Algieria với Thứ trưởng Hưng vẫn liên tục được giữ.
Nhờ những động thái quyết liệt ấy, ngay trong chiều 10/3, phía bạn đã đồng ý chuyển gần 300 lao động Việt Nam về địa điểm cách sân bay 800 km.
Vừa trút bỏ được một gánh nặng khổng lồ, chuyến giải cứu cuối cùng lại vấp ngay vào một cản trở mới: Máy bay của hãng hàng không quốc gia chưa thể xin được phép bay qua một loạt quốc gia để tới đất nước châu Phi xa xôi nọ.
“Lúc này đã về đêm, nhưng tôi không sao ngủ được. Khó nhất là xin lệnh bay qua không phận Tunisia và Ấn Độ. Phía hàng không thì liên tục thông báo nếu trong nửa tiếng đồng hồ nữa không xin được lệnh thì chuyến bay sẽ không thể cất cánh,” ông kể.
Ngay trong đêm ấy, ông lại phải tiếp tục liên hệ qua trụ sở phái đoàn Liên Hiệp Quốc và đại sứ quán tại khắp các quốc gia để “thông thế bế tắc” cho ngày giải cứu cuối cùng sắp tới.
Rất may, nhờ những nỗ lực ấy, đến 5 giờ sáng ngày 11/3, phía hàng không Việt Nam thông báo đã có lệnh bay. Vào 8 giờ, chuyến 777 cuối cùng của chiến dịch rời Nội Bài sang đón những người con còn sót về đất mẹ.
Giờ kể lại cuộc hành trình kéo dài 1 tuần tại một xứ sở đầy cát trắng, ô liu xa lạ ấy, ông cười như chưa có chuyện gì to tát. Ông bảo, những ngày ấy, điều ước mong lớn nhất là đưa toàn bộ anh em về nước. Những vất vả không đáng là gì so với niềm vui cả vạn con người trong ngày đoàn tụ./.
Xuân Dũng - Sơn Bách (Vietnam+)