Chuyển đổi số tài liệu lưu trữ: Công nghệ và nguồn lực đã sẵn sàng

Các chuyên gia đều thống nhất quan điểm cần phải mở các dịch vụ trực tuyến về tra cứu thông tin dữ liệu song cũng đặt ra vấn đề bảo mật và chọn lọc thông tin để đăng tải trên mạng.
Chuyển đổi số tài liệu lưu trữ: Công nghệ và nguồn lực đã sẵn sàng ảnh 1Triển lãm tài liệu lưu trữ về Hồ Gươm do Trung tâm Lưu trữ quốc gia I thực hiện dưới dạng 3D. (Ảnh chụp màn hình)

Ngày 19-11 tại Hà Nội, Trung tâm Lưu trữ Quốc gia I (Cục Văn thư và Lưu trữ Nhà nước) tổ chức tọa đàm “Chuyển đổi số trong lưu trữ: Không còn khoảng cách.”

Tại tọa đàm, các chuyên gia ngành di sản, thư viện và lưu trữ đã bàn về các nội dung: Xu thế của chuyển đổi số trong lưu trữ, đặc biệt trong hoạt động giới thiệu tài liệu đến công chúng; những cơ hội và thách thức của chuyển đổi số ngành lưu trữ; chia sẻ kinh nghiệm của các đơn vị, cá nhân; đưa ra giải pháp trong thời gian tới…

[Triển lãm tư liệu cho thấy hình ảnh khác lạ của Hồ Gươm thế kỷ 19]

Ông Đặng Thanh Tùng, Cục trưởng Cục Văn thư và Lưu trữ Nhà nước (Bộ Nội vụ) cho biết: “Chúng ta vẫn thường hiểu lưu trữ là một ngành rất trầm lắng, được ít người biết đến. Để chuyển đổi số trong ngành lưu trữ thì trước hết chúng ta cần phải chuyển đổi về nhận thức của các cán bộ, nhân viên. Trong thời đại công nghệ số, tài liệu của ngành lưu trữ cần phải được phục vụ đến đông đảo công chúng trong nước và quốc tế.”

Tại tọa đàm, các chuyên gia đều thống nhất quan điểm cần phải mở các dịch vụ trực tuyến về tra cứu, tìm kiếm, sao chép, biên dịch thông tin dữ liệu.

Chuyển đổi số tài liệu lưu trữ: Công nghệ và nguồn lực đã sẵn sàng ảnh 2Nhà sử học Dương Trung Quốc phát biểu tại tọa đàm. (Ảnh: Minh Thu/Vietnam+)

Theo nhà sử học Dương Trung Quốc, thay vì đến các trung tâm lưu trữ tìm kiếm dữ liệu, thì thông qua công nghệ, người dân từ mọi miền đất nước có thể dễ dàng tiếp cận thông tin. Ông cho rằng với công nghệ và nguồn nhân lực như hiện nay thì hoàn toàn có thể đáp ứng được nhu cầu người dùng.

Nhất trí với quan điểm đó song Cục trưởng Đặng Thanh Tùng đặt vấn đề về tính an ninh, an toàn của tài liệu khi đưa lên mạng bởi khi việc kiểm soát, bảo quản thông tin trên môi trường số rất khác với thông tin thể hiện trên các vật liệu như gỗ, giấy…

Mặt khác, ông Đặng Thanh Tùng cho rằng cho rằng chuyển đổi số, số hóa tài liệu không phải là đưa toàn bộ tài liệu bằng giấy lên không gian mạng.

“Tài liệu lưu trữ không chỉ mang tính văn hóa, lịch sử mà còn lưu giữ bí mật quốc gia. Do đó, chúng ta cần chọn lọc những tài liệu nào có thể truyền thông, tra cứu rộng rãi. Thêm vào đó, nguồn lực của cơ quan lưu trữ cũng có hạn, nên cũng cần ưu tiên những gì mà công chúng quan tâm,” ông Tùng nói.

Đồng tình với ý kiến trên, tiến sỹ Vũ Đức Liêm, giảng viên Đại học Sư phạm Hà Nội, chia sẻ góc nhìn của một người giáo dục lịch sử: “Theo tôi, cơ quan lưu trữ phải xác định rõ mục tiêu của chuyển đổi số là gì, để phục vụ công chúng hay phục vụ học giả bởi nhu cầu của hai đối tượng này rất khác nhau. Công chúng quan tâm đến lịch sử xã hội, còn nhà nghiên cứu quan tâm đến cách vận hành thể chế, thông tin, lịch sử tư liệu.”

Lấy châu bản triều Nguyễn làm ví dụ cụ thể, ông Liêm cho rằng công chúng muốn biết bối cảnh lịch sử của văn bản đó, thậm chí cả cách mà sử quan thời Nguyễn đóng giấy, mài mực như thế nào…

“Người dân quan tâm đến quá khứ sống động của văn bản, vai trò của văn bản trong xã hội như một phần trong bức tranh lớn của lịch sử,” ông nói.

Tiến sỹ Liêm cho rằng việc tiếp cận với tư liệu lưu trữ sẽ giúp giờ học sử trở nên sinh động và hiệu quả hơn. Từ việc giới thiệu tài liệu lưu trữ online sẽ khơi gợi sự tò mò, đam mê khám phá để giới trẻ tìm đến với những tài liệu gốc, để có thể tự mình “chạm” vào lịch sử./.

(Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục