Chuyển động trong chính quyền Thủ tướng Nhật Bản Fumio Kishida

Chuyển động trong chính quyền Thủ tướng Nhật Bản F.Kishida

Theo Mainichi Shimbun, tính đến đầu tháng Tư này, tròn 6 tháng kể từ khi Thủ tướng Nhật Bản Fumio Kishida lập Nội các và chính thức thay thế Chính quyền Thủ tướng Suga để lãnh đạo đất nước.
Chuyển động trong chính quyền Thủ tướng Nhật Bản F.Kishida ảnh 1Thủ tướng Nhật Bản Fumio Kishida trong cuộc họp báo tại Tokyo ngày 17/2/2022. (Ảnh: Kyodo/TTXVN)

Theo Mainichi Shimbun ngày 4/4, tính đến đầu tháng Tư này là tròn 6 tháng kể từ khi Thủ tướng Nhật Bản Fumio Kishida thành lập Nội các và chính thức thay thế Chính quyền Thủ tướng Suga Yoshihide để lãnh đạo đất nước.

Về tổng thể, mặc dù chưa thể nói nội bộ đảng Dân chủ Tự do (LDP) cầm quyền đã có được nền tảng quyền lực vững chắc tuyệt đối, nhưng nếu vượt qua được thách thức của bầu cử Thượng viện vào tháng Bảy tới, Chính quyền ông Kishida sẽ có “ba năm vàng” để triển khai những ý tưởng dài hạn đầy tham vọng và khả năng nắm quyền lâu dài tiếp tục được mở rộng.

Sự tham gia chủ động của hai ông Aso và Motegi

Ngày 1/4, Thủ tướng Kishida đã có buổi ăn tối với Phó chủ tịch LDP Taro Aso, Tổng thư ký LDP Toshimitsu Motegi và Chánh Văn phòng Nội các Hirokazu Matsuno để trao đổi các biện pháp ứng phó với giá dầu thô tăng mạnh. Cơ chế trao đổi nhóm 4 người này được duy trì khá thường xuyên kể từ tháng 11/2021 đã nâng cao vai trò quyết sách của LDP. Đây được xem là sự thay đổi đáng kể so với chính sách của chính quyền Abe và Chính quyền Suga trước đó vốn coi trọng tính độc lập của chính phủ. 

Trung tâm của cơ chế này là sự tham gia của phái Kishida (45 thành viên), phái Aso (49 thành viên), phái Motegi (54 thành viên). Phái Kishida và phái Motegi được xem là đều theo truyền thống bảo thủ, trong khi phái Aso cũng có nguồn gốc từ phái Kochikai (còn gọi là phái Kishida).

[Thủ tướng Kishida thúc đẩy tăng trưởng trước khi tái phân phối của cải]

Sự đóng góp của phái Aso và phái Motegi trong quản lý đảng đã tạo nên tính thống nhất củng cố vai trò trung tâm của Thủ tướng Kishida. Trước thời điểm bầu cử Thượng viện, phái Aso và phái Motegi còn tranh thủ được sự chia rẽ trong nội bộ liên minh đối lập để lôi kéo Đảng Dân chủ vì Nhân dân (DPFP).

Ngày 4/3 vừa qua, hội nghị 3 đảng gồm LDP, đảng Công Minh và DPFP đã lần đầu tiên được tổ chức với mục tiêu thảo luận các chính sách ứng phó với giá dầu tăng.

Nội bộ không hoàn toàn thống nhất

Chủ tịch Hội đồng Nghiên cứu chính sách LDP Sanae Takaichi là người thường xuyên thể hiện thái độ không mấy hài lòng với các quyết sách của nhóm Kishida-Aso-Motegi, đặc biệt là mối liên hệ mới được thiết lập giữa LDP, đảng Công minh và DPFP, vốn khiến cho vai trò chủ trì xây dựng quyết sách của Hội đồng này giảm đáng kể. Chính bà Takaichi đã phản đối mạnh mẽ đề xuất hỗ trợ 5.000 yen cho đối tượng người cao tuổi do ảnh hưởng của dịch bệnh COVID-19.

Bên cạnh đó, cũng có một số quan điểm trái chiều từ phái Nikai (43 thành viên), phái Moriyama (7 thành viên), nhóm ủng hộ cựu Thủ tướng Suga và đặc biệt là phái Abe (lớn nhất với 94 thành viên). Do đó, nếu tác động của tình hình Ukraine tiếp tục kéo dài và phức tạp hơn hoặc làn sóng lây nhiễm COVID-19 thứ bảy bùng phát sớm, rất có thể lực lượng hướng tâm của Chính quyền Kishida sẽ đối diện với nguy cơ suy giảm so với thời điểm hiện nay.

Những quyết sách trở nên quyết đoán hơn

Trong một phát biểu trước họp báo ngày 31/3 vừa qua, Chánh Văn phòng Nội các Matsuno nhấn mạnh kể từ khi thành lập đến nay, Chính phủ đã triển khai một loạt chính sách với tinh thần khẩn trương và quyết đoán. Một điểm đáng chú ý là các quyết sách đã bám sát phản ứng của dư luận như kịp thời đóng cửa biên giới để ngăn chặn sự xâm nhập của biến thể Omicron vào tháng 11/2021 khi tâm lý người dân tỏ ra lo lắng; điều chỉnh cách thức hỗ trợ khoản phúc lợi 100.000 yen sau khi chính quyền các địa phương phản ứng gay gắt đối với phương án ban đầu; quyết tâm đăng ký Mỏ vàng Sado trở thành Di sản văn hóa thế giới…

Chuyển động trong chính quyền Thủ tướng Nhật Bản F.Kishida ảnh 2Mỏ vàng Sado của Nhật Bản. (Nguồn: Yonhap)

Chính điều này đã giúp tỷ lệ ủng hộ Chính quyền Kishida không giảm nhiều ở thời điểm hiện tại như đã từng xảy ra đối với chính quyền tiền nhiệm. Sự điều chỉnh từ cách tiếp cận “trên xuống dưới” như thời kỳ Chính quyền ông Kishida thành “dưới lên trên” dường như đã mang lại hiệu quả tích cực, nhất là hạn chế tạo cơ hội để phe đối lập chỉ trích.

Thử thách trước mắt từ tác động của vấn đề Ukraine và ứng phó với dịch bệnh COVID-19

Hệ lụy của vấn đề Ukraine ảnh hưởng đến các chính sách đối nội, đối ngoại của Chính quyền Kishida là không nhỏ. Từ thời điểm Nga thực hiện các hành động quân sự đối với Ukraine, Nhật Bản đã nhanh chóng phối hợp với Nhóm các nước công nghiệp phát triển hàng đầu thế giới (G7) để thực hiện các biện pháp trừng phạt cứng rắn nhằm vào Nga và một số nước đồng minh của Nga. Tuy nhiên, với diễn biến tình hình thế giới đang rất phức tạp, Nhật Bản sẽ phải đối diện với những bước đi khó khăn hơn.

Chính quyền ông Kishida dự kiến sẽ tổ chức Hội nghị thượng đỉnh trực tiếp Nhóm Bộ tứ (Mỹ, Nhật Bản, Ấn Độ, Australia) cũng như hiện thực hóa chuyến thăm Nhật Bản của Tổng thống Biden nhằm củng cố quan hệ đồng minh vào cuối tháng Tư này, đầu tháng Năm tới. Mặc dù vậy, quan hệ Nga-Nhật Bản diễn biến xấu đi đã làm gia tăng tính bất ổn đối với môi trường an ninh xung quanh Nhật Bản. Một thách thức lớn đối với Chính quyền ông Kishida là làm thế nào để tăng cường khả năng phòng thủ, bao gồm sở hữu “năng lực tấn công căn cứ đối phương.”

Về mặt đối nội, các biện pháp phục hồi kinh tế và ứng phó với dịch bệnh COVID-19 đang được dư luận cả nước quan tâm. Ngày 22/3 vừa qua, Chính phủ Nhật Bản đã dỡ bỏ hoàn toàn các biện pháp phòng dịch trọng điểm, chuyển hướng tập trung sang khôi phục nền kinh tế vốn chịu tác động kép từ dịch bệnh COVID-19 và vật giá leo thang do tác động của vấn đề Ukraine.

Như vậy, cho đến khi bầu cử Thượng viện diễn ra, Chính quyền ông Kishida sẽ phải đưa ra lộ trình rất cụ thể của việc hiện thực hóa các chính sách kích thích tăng trưởng kinh tế và sẵn sàng đương đầu với làn sóng lây nhiễm COVID-19 thứ bảy, bao gồm thúc đẩy tiêm vaccine mũi tăng cường vốn đang bị chững lại ở một bộ phận lớn giới trẻ nước này./.

(Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục