Korea Times đưa tin, các chuyên gia về vấn đề Triều Tiên cho rằng cách tiếp cận chỉ dùng các biện pháp trừng phạt sẽ không giải quyết vấn đề chương trình hạt nhân của Triều Tiên, thay vào đó, cần áp dụng cùng lúc cả biện pháp gây sức ép và đối thoại.
Chuyên gia cao cấp của Trung tâm Phân tích Hải quân (Mỹ), ông Ken Gause nhận định một chiến lược cân bằng giữa gây sức ép và ràng buộc có thể dẫn tới sự thúc đẩy.
Trong một bài phỏng vấn với tờ Korea Times, ông Gause cho rằng: “Nếu Bình Nhưỡng nhận ra việc tiếp tục hướng tới một chương trình hạt nhân sẽ đe dọa những lợi ích cốt lõi của nhà lãnh đạo Kim Jong-un, và có một cam kết thay thế hấp dẫn, qua đó giải quyết các lợi ích của Triều Tiên, việc đóng băng chương trình này sẽ khả thi.”
[Mỹ và Trung Quốc nhất trí thực thi các biện pháp trừng phạt Triều Tiên]
Cũng đồng tình với nhận định trên, học giả Frank Aum, vốn từng là cựu cố vấn cấp cao về Triều Tiên của Bộ Quốc phòng Mỹ, cho biết các lệnh trừng phạt và cam kết không loại trừ lẫn nhau, nhưng việc nối lại đàm phán không nên yêu cầu bất cứ điều kiện tiên quyết nào.
Ông Aum cũng nói rằng các cuộc trao đổi phi chính phủ có thể không đưa Triều Tiên tới bàn đàm phán.
Ngoài ra, cả ông Gause và ông Aum đều cho rằng lập trường cứng rắn của Tổng thống Mỹ Donald Trump sẽ không giúp giải quyết vấn đề này, đồng thời nhận xét điều này chỉ làm tăng tốc chương trình hạt nhân của Bình Nhưỡng.
Liên quan đến vai trò của Trung Quốc trong việc giải quyết vấn đề Triều Tiên, hai chuyên gia này đều không cho rằng Bắc Kinh sẽ có vai trò chủ động hơn./.