Chuyên gia đề xuất tăng mạnh thuế thuốc lá nhằm đạt mục tiêu Chiến lược Quốc gia

Các chuyên gia cho rằng hai phương án tại Dự thảo Luật Thuế tiêu thụ đặc biệt (sửa đổi) là bước đi đúng hướng, thậm chí có ý kiến đề xuất cần phải có thêm những giải pháp mạnh mẽ hơn nữa.

Hiện nay, giá và thuế thuốc lá ở Việt Nam đang thuộc hàng thấp nhất trong khu vực ASEAN. (Ảnh: Vietnam+)
Hiện nay, giá và thuế thuốc lá ở Việt Nam đang thuộc hàng thấp nhất trong khu vực ASEAN. (Ảnh: Vietnam+)

Các chuyên gia y tế và kinh tế đã đề xuất tăng mạnh thuế thuốc lá với vai trò là biện pháp quan trọng để giảm tỷ lệ hút thuốc, góp phần bảo vệ sức khỏe cộng đồng và đạt mục tiêu Chiến lược Quốc gia đến năm 2030.

Ý kiến trên được nêu ra tại Việt Nam trong tọa đàm “Phương án thuế tiêu thụ đặc biệt hướng tới mục tiêu Chiến lược quốc gia về phòng chống tác hại của thuốc lá đến năm 2030” do Truyền hình Quốc hội tổ chức, ngày 18/10.

Bước đi đúng hướng

Dự thảo Luật Thuế tiêu thụ đặc biệt (sửa đổi) dự kiến được trình Quốc hội cho ý kiến lần đầu tại Kỳ họp thứ 8, khai mạc vào ngày 21/10/2024. Trong đó, ban soạn thảo đề nghị tăng thuế suất với mặt hàng thuốc lá để góp phần điều tiết tiêu dùng và thực hiện cam kết quốc tế.

Cụ thể, mặt hàng thuốc lá sẽ giữ nguyên thuế suất 75% và bổ sung mức thuế tuyệt đối theo lộ trình từng năm trong giai đoạn từ 2026-2030 với 2 phương án.

Phương án 1 sẽ bổ sung 2.000 đồng/bao thuốc ở năm đầu tiên và tăng tịnh tiến 2.000 đồng/bao trong các năm kế tiếp để đạt mức 10.000 đồng vào năm 2030.

Phương án 2 áp dụng mức tăng 5.000 đồng/bao ngay từ năm 2026 và tăng tịnh tiến 1.000 đồng/bao trong 3 năm kế tiếp và 2.000 đồng/bao năm 2030 để đạt mức 10.000 đồng/bao năm 2030.

CQH_3630.jpg
Bà Angela Pratt, Trưởng đại diện, Tổ chức Y tế Thế giới tại Việt Nam, cho rằng tăng thuế và giá thuốc lá chính là biện pháp nhanh và hiệu quả nhất để giảm tỷ lệ hút thuốc. (Ảnh: Vietnam+)

Tại tọa đàm, các nhận định nhìn chung cho rằng hai phương án này là bước đi đúng hướng, thậm chí có ý kiến đề xuất để đạt được mục tiêu giảm tỷ lệ hút thuốc (Chiến lược quốc gia về phòng chống tác hại của thuốc lá đến năm 2030) cần phải có thêm những giải pháp mạnh mẽ hơn nữa.

Nhấn mạnh một trong những lý do khiến tỷ lệ hút thuốc lá cao ở nam giới Việt Nam (tới trên 40%) là do giá thuốc lá cực kỳ rẻ và thuế rất thấp, bà Angela Pratt, Trưởng đại diện, Tổ chức Y tế Thế giới tại Việt Nam (WHO), khuyến cáo thời gian qua, thu nhập của người dân tăng lên nhưng giá thuốc lá không theo kịp, ngày càng rẻ và dễ mua hơn. Hiện nay, giá và thuế thuốc lá ở Việt Nam đang thuộc hàng thấp nhất trong khu vực ASEAN.

“Trong khi, xu hướng quốc tế là hướng tới mức thuế thuốc lá ngày càng cao hơn. Cụ thể, khoảng 60 quốc gia trên thế giới (với tổng dân số hơn 1,6 tỷ người) đang áp thuế từ 70% trở lên trong giá bán lẻ. Điều này phù hợp hoặc rất gần với thông lệ tốt nhất được WHO khuyến nghị là thuế chiếm ít nhất 75% giá bán lẻ,” bà Angela Pratt dẫn chứng.

Theo đại diện WHO, tăng thuế và giá thuốc lá chính là biện pháp nhanh và hiệu quả nhất để giảm tỷ lệ hút thuốc. Đây cũng là biện pháp được đề xuất trong Công ước khung của WHO về kiểm soát thuốc lá, một hiệp ước quốc tế về kiểm soát thuốc lá mà Việt Nam đã phê chuẩn năm 2004.

Chiến lược đặt mục tiêu đến năm 2025, giảm tỷ lệ sử dụng thuốc lá trong nhóm nam từ 15 tuổi trở lên xuống dưới 39%; nhóm nữ từ 15 tuổi trở lên xuống dưới 1,4%. Đến năm 2030, giảm tỷ lệ sử dụng thuốc lá trong nhóm nam từ 15 tuổi trở lên xuống dưới 36 %; nhóm nữ từ 15 tuổi trở lên xuống dưới 1%.

Cải thiện sức khỏe-Tăng thu ngân sách

Bà Angela Pratt nhấn mạnh thêm việc tăng thuế thuốc lá ngoài ngăn ngừa bệnh tật và cải thiện sức khỏe đồng thời tạo thêm nguồn thu ngân sách để dành cho các ưu tiên của Chính phủ. Và các phương án thuế thuốc lá được công bố của Bộ Tài chính là những bước đi đúng hướng, nhưng chúng ta cần tăng thuế cao hơn nữa để đạt được các mục tiêu giảm hút thuốc của quốc gia và bảo vệ sự phát triển kinh tế của đất nước trong dài hạn.

Bà Angela Pratt chỉ ra mức việc áp thuế tuyệt đối với lộ trình để đạt 15.000 đồng mỗi gói vào năm 2030, cộng với mức thuế theo tỷ lệ hiện hành, sẽ giảm tỷ lệ hút thuốc của nam giới xuống còn 35,8% (vào năm 2030) đạt mục tiêu quốc gia đề ra. Điều này cũng sẽ làm tăng đáng kể nguồn thu thuế hàng năm, và mang lại thêm 29.300 tỷ đồng cho ngân sách mỗi năm vào năm 2030, so với năm 2020.

Hơn thế nữa, việc giảm tỷ lệ hút thuốc xuống mức như trên sẽ giúp giảm chi phí kinh tế đáng kể do tỷ lệ sử dụng thuốc lá gây ra. Hiện tại ước tính mỗi năm thuốc lá gây ra tổn thất lên tới khoảng 108 nghìn tỷ đồng hoặc 1,14% GDP hàng năm. Đây là những chi phí mà lẽ ra có thể tránh được. Các tổn thất này nếu không được ngăn ngừa, sẽ gây thiệt hại cho sự thịnh vượng hiện tại và tương lai của Việt Nam.

Về điểm này, bà Angela Pratt lưu ý những người trẻ tuổi nhạy cảm nhất với việc tăng giá. Tăng thuế thuốc lá có thể ngăn họ bắt đầu hút thuốc, và việc này giống như tiêm vắc-xin để bảo vệ họ suốt đời- bởi vì mọi người ít có khả năng bắt đầu sử dụng thuốc lá khi họ đã trưởng thành.

DSC_7311.jpg
Giá thuốc lá tăng 10% sẽ giảm tiêu thụ khoảng 4% ở các nước thu nhập cao, 5% ở các nước thu nhập thấp hoặc trung bình. (Ảnh: Vietnam+)

Gióng lên “hồi chuông” báo động Việt Nam đang nằm trong mười quốc gia có số người sử dụng thuốc lá cao nhất thế giới. Bà Lê Thị Thu, chuyên gia của Tổ chức Chiến dịch vì trẻ em không thuốc lá tại Việt Nam, cho rằng đánh thuế thuốc lá là biện pháp hiệu quả nhất trong gói chính sách của Tổ chức Y tế Thế giới. Cụ thể, giá thuốc lá tăng 10% sẽ giảm tiêu thụ khoảng 4% ở các nước thu nhập cao, 5% ở các nước thu nhập thấp hoặc trung bình, theo đó khoảng một nửa hiệu quả là giảm lượng thuốc hút và một nửa kia là bỏ/không bắt đầu hút thuốc. Thậm chí, hiệu quả lâu dài có thể lớn hơn. Đặc biệt, thanh niên và người nghèo là đối tượng đáp ứng tốt nhất đối với chính sách thay đổi về giá (ước tính giá tăng 10% giảm tiêu thụ 10%).

Trên cơ sở đó, bà Thu khuyến nghị cần chú trọng giải pháp tăng thuế thuốc lá theo hướng áp thuế hỗn hợp, trong đó mức thuế tăng để đạt khuyến cáo 75% giá bán lẻ và tăng thường xuyên để theo kịp với mức tăng lạm phát và tăng thu nhập.

Về mối lo ngại về buôn lậu thuốc lá rào cản đối với chính sách thuế, ông Nguyễn Ngọc Anh, Giám đốc Trung tâm Nghiên cứu Chính sách và Phát triển (DEPOCEN), cho hay hoạt động buôn lậu thuốc lá đã có sự suy giảm đáng kể. Hơn nữa, thuốc lá lậu có giá cao hơn so với thuốc lá hợp pháp và gần như tất cả thuốc lá lậu đều được tìm thấy ở các tỉnh phía Nam (gần biên giới Campuchia) và rất ít thuốc lá lậu được tìm thấy ở các tỉnh khu vực phía Trung và phía Bắc.

Cho rằng giá thuốc lá tại Việt Nam đang “rẻ đi” rất nhiều, ông Nguyễn Ngọc Anh dẫn chứng phải bỏ ra 31% thu nhập bình quân năm để mua 100 bao thuốc lá (năm 1994) và con số này là 5,2% (năm 2017).

Chỉ ra những con số thương tâm, ông Nguyễn Tuấn Lâm, cán bộ của Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) tại Việt Nam cho thấy thực trạng sử dụng thuốc lá hiện nay và nguy cơ không đạt được mục tiêu của Chiến lược cũng như các tác hại khi sử dụng nó. Ông đau xót chia sẻ thế giới mỗi năm chứng kiến 8 triệu ca tử vong vì thuốc lá. Con số này ở Việt Nam là hơn 100.000 ca, trong đó 84.500 ca do hút thuốc chủ động và 18.800 ca do hút thuốc thụ động.

Do đó đồng tình với những quan điểm nêu trên, ông Lâm cho rằng khi giá thuốc lá tăng, chi tiêu của mọi người sẽ được chuyển sang các sản phẩm khác. Thêm vào đó, việc tăng nguồn thu cho ngân sách Chính phủ nhờ tăng thuế thuốc lá có thể được đầu tư trở lại vào các lĩnh vực khác để tăng sản lượng của nền kinh tế./.

(Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục