Giới chuyên gia kinh tế cảnh báo chính sách "chối bỏ" các thỏa thuận thương mại đa phương tại khu vực châu Á-Thái Bình Dương của Tổng thống Mỹ Donald Trump để chuyển sang các thỏa thuận song phương là hướng đi "nhiều khả năng sẽ thất bại."
Theo nghiên cứu công bố ngày 16/2 của Viện Kinh tế quốc tế Peterson, lập luận của Tổng thống Trump rằng nước Mỹ phải "nhượng bộ" quá nhiều trong Hiệp định đối tác xuyên Thái Bình Dương (TPP) là không đúng với thực tế.
Chủ nhiệm công trình nghiên cứu của mình, chuyên gia Jeffrey Schott, cho rằng trong khi TPP vẫn có thể được sửa đổi thì các thỏa thuận thương mại song phương sẽ khó có khả năng mang lại những điều kiện thuận lợi như hiệp định giữa 12 quốc gia thành viên.
Các thỏa thuận đa phương như TPP mang lại lợi ích gấp đôi so với các thỏa thuận thương mại song phương, bởi bên cạnh các điều khoản thúc đẩy thương mại ký với mỗi thị trường và cơ chế đầu tư thuận lợi hơn, các quy tắc về sở hữu trí tuệ của hiệp định sẽ giúp tiếp cận dễ dàng hơn các thị trường như Nhật Bản, Việt Nam.
Bên cạnh đó, ông Schott cùng nhiều chuyên gia kinh tế quốc tế khác cũng cảnh báo về những nguy cơ mà nước Mỹ sẽ phải đối mặt nếu rút khỏi khu vực châu Á.
Ông Il SaKong, cựu Bộ trưởng Tài chính Hàn Quốc và người đứng đầu Viện Kinh tế toàn cầu tại Seoul, cho rằng điều này sẽ tạo điều kiện để Trung Quốc nhanh chóng gia tăng ảnh hưởng trong khu vực.
Trong khi đó, ông C. Fred Bergsten, thành viên sáng lập của Viện Peterson và cựu quan chức Bộ Tài chính Mỹ, nhấn mạnh Washington "không thể vắng mặt ở châu Á."
Ông Schott đề xuất Chính quyền Tổng thống Trump tiếp tục theo đuổi chính sách thương mại đa phương, xây dựng một thỏa thuận thương mại thậm chí có quy mô lớn hơn TPP, trong đó cải thiện một số điều khoản còn khiếm khuyết, như quy tắc về thao túng tiền tệ và bổ sung các đối tác như Hàn Quốc và Colombia do các nước này vốn đã sẵn có thỏa thuận song phương với Mỹ.
Theo nghiên cứu của Viện Peterson tính toán đến năm 2030, TPP có thể mang lại lợi nhuận cho nền kinh tế Mỹ lên tới 100 tỷ USD./.