Theo Bloomberg, Ấn Độ, Indonesia, Malaysia và Việt Nam có thể đã thoát khỏi tầm ngắm của Tổng thống Donald Trump, nhưng cũng có thể ông sẽ cân nhắc lại và đưa những nước này trở thành mục tiêu tiếp theo trong cuộc chiến thương mại.
Mỹ có thâm hụt thương mại với tất cả các quốc gia này, và trong một số trường hợp, thâm hụt là khá lớn.
Việc ông Trump rút tên Mỹ khỏi Hiệp định Đối tác xuyên Thái Bình Dương (TPP) giữa 12 quốc gia, những chỉ trích của ông với các chính sách thương mại của Nhật Bản, Trung Quốc và Hàn Quốc, và sự thúc đẩy của đảng Cộng hòa về cải cách thuế có thể sẽ làm tăng thuế đánh vào hàng hóa nhập khẩu từ các nước khác... đang gây thêm những quan ngại rằng chủ nghĩa bảo hộ sẽ làm ảnh hưởng đến tốc độ tăng trưởng.
Những quốc gia mà Mỹ bị thâm hụt thương mại có thể rất dễ bị tấn công.
Peter Navarro, người đứng đầu Hội đồng Thương mại Quốc gia của ông Trump và ứng viên Bộ trưởng Thương mại Wilbur Ross năm ngoái đã viết một báo cáo xác định các khoảng trống thương mại của Mỹ như một lý do cho hiện tượng mà họ mô tả là "lao đầu vào tăng trưởng chậm."
"Gần như mọi quốc gia ở châu Á đều xuất khẩu từ nhiều đến rất nhiều hàng hóa tới Mỹ," Deborah Elms, giám đốc điều hành Trung tâm Thương mại châu Á, một công ty tư vấn có trụ sở ở Singapore cho biết. "Thâm hụt thương mại là một vấn đề. Bất cứ lúc nào, một Donald Trump giận dữ cũng có thể nhảy ra hoặc ném một dòng tweet vào mặt bạn. Các quốc gia khác đã nhận thức được vấn đề này chưa? Có lẽ là chưa."
Dưới đây là tóm tắt về các thỏa thuận thương mại của Mỹ với các đối tác chính ở châu Á, xếp theo mức độ thặng dư thương mại từ thấp đến cao.
Trung Quốc
Hoạt động thương mại được quản lý bởi các quy tắc của Tổ chức Thương mại Thế giới (WTO).
Trung Quốc là mục tiêu chính của ông Trump trong quá trình tranh cử. Mặc dù đã đe dọa làm mọi thứ từ áp thuế trừng phạt tới gọi Trung Quốc là "kẻ thao túng tiền tệ," Tổng thống Trump vẫn chưa có hành động nào chống lại thị trường xuất khẩu lớn thứ ba của Mỹ.
Có lẽ ông không bỏ ngoài tai lời cảnh báo của Chủ tịch Tập Cận Bình rằng một cuộc chiến tranh thương mại sẽ làm cả hai bên tổn thương.
Nhật Bản
Hoạt động thương mại được quản lý bởi các quy tắc của WTO.
Thủ tướng Shinzo Abe là nhà lãnh đạo tích cực nhất tại châu Á đương đầu với những đe dọa của ông Trump, với 2 lần đến Mỹ để gặp mặt kể từ khi ông đắc cử tổng thống. Mới đây ông Abe đã hội kiến Tổng thống Trump tại Washington hôm 10/2 và hai bên đã bắt đầu các cuộc đàm phán mới về thương mại và đầu tư. Ông Abe sau đó đã tới Florida chơi golf cùng ông Trump.
Ông Trump đã tỏ thái độ phật ý về việc ôtô Mỹ thiếu khả năng tiếp cận thị trường Nhật Bản. Trong khi đó, ông Abe lại cho rằng các công ty Mỹ chưa cố gắng hết sức.
Việt Nam
Hoạt động thương mại được quản lý bởi các quy tắc của WTO và Hiệp định khung về đầu tư.
Chính phủ Việt Nam đang rất kỳ vọng vào việc thông qua TPP để chính thức hóa các quan hệ thương mại với Mỹ.
Thặng dư thương mại chiếm khoảng 15% nền kinh tế Việt Nam, chủ yếu nhờ các mặt hàng dệt may và đồ nội thất. Giá trị xuất khẩu sang Mỹ đã tăng gấp đôi kể từ năm 2010, do ngày càng có nhiều công ty Trung Quốc chuyển hướng sang Việt Nam vì giá nhân công rẻ.
Hàn Quốc
Hoạt động thương mại được quản lý bởi Hiệp định thương mại tự do Hàn Quốc-Mỹ hay Korus, từ năm 2012.
Ông Trump gọi hiệp định này là "sát thủ việc làm" và James Kim, Chủ tịch Phòng thương mại Mỹ tại Hàn Quốc cho biết Seoul đã né được thỏa thuận với các hàng rào phi thuế quan.
Theo Hội đồng chính sách ôtô Mỹ, hơn 80% cán cân thương mại với Hàn Quốc trong năm 2016 là ở khu vực sản xuất ôtô.
Tuần trước, Bộ trưởng thương mại Hàn Quốc Joo Hyung-hwan cho biết ông sẽ tìm cách giải thích các lợi ích của Korus với chính quyền của Tổng thống Trump.
Ấn Độ
Hoạt động thương mại được quản lý bởi các quy tắc của WTO và Diễn đàn Chính sách Thương mại từ năm 2005.
Thương mại đã phát triển mạnh kể từ đó, tăng từ 29 tỷ USD lên 65 tỷ USD vào năm 2015.
Ấn Độ có thặng dư rất lớn nhờ xuất khẩu các dịch vụ công nghệ thông tin, hàng dệt may và đá quý.
Mặc dù vậy, mối quan hệ giữa ông Trump và Thủ tướng Narendra Modi khá tốt đẹp. Ông Modi là nhà lãnh đạo thứ năm trên thế giới mà ông Trump điện đàm sau khi nhậm chức, và theo nội dung cuộc trò chuyện của hai bên được Nhà Trắng công bố, các vấn đề thương mại với Ấn Độ đã không được nhắc tới.
Malaysia
Hoạt động thương mại được quản lý bởi các quy tắc của WTO.
Các vòng đàm phán FTA đã bắt đầu vào tháng 6/2005, nhưng bị đình chỉ vào năm 2009 do Malaysia phản đối việc Mỹ hỗ trợ Israel trong cuộc chiến tại Gaza. Malaysia sau đó đã tham gia đàm phán TPP.
Theo Bộ trưởng thương mại Malaysia Mustapa Mohamed, quốc gia này hiện đang tập trung vào quan hệ thương mại với 10 nước thành viên Hiệp hội các quốc gia Đông Nam Á.
Thái Lan
Hoạt động thương mại được quản lý bởi các quy tắc của WTO, TIFA từ năm 2002.
Các cuộc đàm phán FTA đã khởi động từ năm 2004 và bị hoãn lại vào năm 2006 do cuộc đảo chính quân sự ở Thái Lan.
Thâm hụt thương mại của Mỹ với Thái Lan được thúc đẩy bởi sản xuất máy móc điện và cao su.
Indonesia
Hoạt động thương mại được quản lý bởi các quy tắc của WTO, TIFA từ năm 1996
Thặng dư thương mại của Indonesia chủ yếu đến từ xuất khẩu hàng dệt may, cao su và giày dép. Trong khi đó, Mỹ xuất khẩu máy bay, đậu tương và máy móc tới Indonesia.
Đại diện hai nước đã gặp nhau hồi tháng 4/2016 để thảo luận các vấn đề thương mại, bao gồm các hướng cải thiện bảo vệ sở hữu trí tuệ ở Indonesia, và các đề xuất hợp tác về các vấn đề như đánh bắt không theo quy định.
Philippines
Hoạt động thương mại được quản lý bởi các quy tắc của WTO, TIFA từ năm 1989.
Theo công ty tín dụng Credit Suisse Group AG, Philippines có nguy cơ dễ bị rơi vào tầm ngắm của một đề xuất "thuế biên giới" vì giá trị xuất khẩu phụ thuộc lớn vào hàng điện tử và tư liệu sản xuất có thể dễ dàng bị các nhà sản xuất tại Mỹ thay thế.
Tổng thống Rodrigo Duterte đã ưu tiên các chuyến công du vòng quay châu Á để tận dụng các cơ hội thương mại và đầu tư trong khu vực, bao gồm cả với Trung Quốc.
Singapore
Hoạt động thương mại được quản lý bởi FTA từ năm 2004.
Singapore có thể tuyên bố thâm hụt thương mại với Mỹ với vị thế là một trung tâm tài chính bao gồm các ngân hàng lớn, các công ty tư vấn, công ty luật và kế toán cung cấp các dịch vụ đa dạng.
Công ty tư nhân hàng không Singapore đã lên kế hoạch bỏ ra 13,8 tỷ USD để mua máy bay từ hãng Boeing, và đơn hàng này sẽ chiếm khoảng một phần tư tổng giá trị thương mại hai chiều năm 2015.
Thủ tướng Lý Hiển Long là một người nhiệt thành ủng hộ TPP. Năm ngoái ông đã nói rằng việc phê chuẩn hiệp định này là một "phép thử" cho uy tín của Mỹ tại châu Á.
Hong Kong
Mối quan tâm ngay lúc này của Hong Kong là hiệp định thương mại với ASEAN, với các vòng đàm phán đã khởi động từ năm ngoái.
Là một trung tâm tài chính khác, Hong Kong có thâm hụt thương mại với Mỹ lớn nhất trong số các quốc gia và vùng lãnh thổ châu Á.
Theo Văn phòng Đại diện thương mại Mỹ, doanh số bán hàng hóa dịch vụ của các chi nhánh thuộc sở hữu của Mỹ tại Hong Kong là 33,8 tỷ USD năm 2013./.