Chuyên gia: Ông chủ Nhà Trắng sẽ phạm sai lầm nếu không tham dự EAS

EAS thường niên, một diễn đàn quan trọng cho hợp tác kinh tế, chính trị của 18 thành viên, dự kiến từ 13-14/11, ở Philippines nhưng ông Trump sẽ rời Manila trước khi diễn ra sự kiện này.
Chuyên gia: Ông chủ Nhà Trắng sẽ phạm sai lầm nếu không tham dự EAS ảnh 1Tổng thống Mỹ Donald Trump. (Ảnh: AFP/TTXVN)

CNBC đưa tin, chuyến công du 5 nước châu Á sắp tới của Tổng thống Mỹ Donald Trump được cho là nhằm tăng cường quan hệ với các đồng minh khu vực nhưng những lợi ích đạt được có thể sẽ bị giảm bớt nếu nhà lãnh đạo Mỹ bỏ qua một hội nghị thượng đỉnh then chốt trong chặng dừng chân cuối cùng của chuyến công du chính thức đầu tiên này.

Hội nghị Thượng đỉnh Đông Á (EAS) thường niên, một diễn đàn quan trọng cho hợp tác kinh tế và chính trị giữa 18 quốc gia thành viên, dự kiến diễn ra vào các ngày 13-14/11 tại Philippines.

Ông Trump sẽ ở Manila vào ngày 12/11 nhưng dự kiến sẽ rời đi trước khi diễn ra sự kiện vốn không nằm trong lịch trình do Bộ Ngoại Giao Mỹ thông báo này.

Trong khi đó, dưới thời của cựu Tổng thống Mỹ Barack Obama, EAS đã trở thành một trụ cột trong các quan hệ giữa châu Á-Mỹ.

[Những dấu hiệu về một chiến lược lớn hơn của Mỹ đối với châu Á]

Theo các chuyên gia, chuyến công du châu Á của ông chủ Nhà Trắng là chuyến công du dài nhất tới lục địa này nhưng việc không tham dự EAS vẫn là một vấn đề lớn đối với các lãnh đạo khu vực.

Cựu Đại sứ Mỹ tại Hàn Quốc Thomas Hubbard nhận định: "Quyết định gia nhập EAS của Mỹ đã là một mốc quan trọng trong việc Mỹ can dự vào châu Á và là một truyền thống nên được duy trì.

Tôi hy vọng các nước châu Á sẽ tập trung vào khoảng thời gian dài bất thường mà ông ấy sẽ lưu lại châu Á thay vì một cuộc họp mà ông ấy bỏ qua."

Quyền Giám đốc phụ trách chính sách đối ngoại, quốc phòng và chương trình chiến lược thuộc Trung tâm Nghiên cứu Mỹ có trụ sở tại Sydney Ashley Townshend giải thích: "Nhiều quốc gia châu Á, dù đúng hay sai, sẽ suy xét tới sự tham dự của Tổng thống Mỹ tại EAS như một 'thước đo' cam kết lâu dài của Mỹ đối với khu vực châu Á-Thái Bình Dương và có thể cả kết quả của chính sách tái cân bằng của cựu Tổng thống Obama."

Bên cạnh đó, các chuyên gia nhận định sự vắng mặt của ông chủ Nhà Trắng cuối cùng có thể gây bất lợi đến tầm ảnh hưởng của Mỹ tại châu Á.

Ông Meredith Miller, nguyên Phó Giám đốc Vụ Đông Á và Thái Bình Dương thuộc Bộ Ngoại giao Mỹ, cho rằng quyết định trên của ông Trump sẽ làm tăng những cảm nhận khu vực rằng ông ấy hoài nghi về giá trị của hợp tác đa quốc gia và của một quốc gia Mỹ đang cân nhắc giảm sự can dự tại châu Á.

Chuyên gia Townshend nhận định, sự vắng mặt cũng báo hiệu rằng "ông ấy không còn quan tâm tới những vấn đề liên quan tới các đối tác khu vực của Mỹ."

Cụ thể hơn, ông Trump sẽ mất đi cơ hội tạo ra những thách thức an ninh quyết định những lợi ích của Mỹ bởi EAS thường đưa ra một thông báo đề cập đến những chủ đề gây tranh cãi như Biển Đông và Triều Tiên.

Đồng thời, theo Walter Lohman, Giám đốc Trung tâm Nghiên cứu châu Á thuộc Qũy Heritage, EAS "sẽ giúp định hướng sự nhất trí mà sau đó có thể được áp dụng trong những sắp đặt ngoại giao khác."

Dĩ nhiên, Mỹ sẽ vẫn gửi những đại diện tới tham gia sự kiện này song sự vắng mặt của ông Trump có thể ảnh hưởng tới những cuộc đàm phán và Mỹ sẽ phải chịu "thiệt thòi."

Theo các tin tức truyền thông, có thể ông Trump sẽ chỉ định Ngoại trưởng Rex Tillerson thay ông tham gia hội nghị EAS song sự xuất hiện của cựu Giám đốc điều hành Exxon Mobil chỉ có thể an ủi phần nào các lãnh đạo châu Á đang tìm kiếm sự rõ ràng trong chính sách của Mỹ đối với khu vực./.

(Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục