Theo mạng tin thediplomat, ảnh hưởng từ cuộc tuần tra chung gần đây của 4 máy bay ném bom có khả năng mang vũ khí hạt nhân đối với sự ổn định chiến lược của khu vực Đông Á không nên bị đánh giá thấp.
Đó là nhận định của ông Franz-Stefan Gady trong bài bình luận mới đây đăng trên mạng tin The Diplomat.
Dưới đây là nội dung chi tiết:
Ngày 23/7, lần đầu tiên Lực lượng Không quân của Quân Giải phóng Nhân dân Trung Quốc (PLAAF) và Lực lượng Không quân Nga cùng nhau tiến hành một cuộc tuần tra chung bằng máy bay tầm xa ở khu vực Ấn Độ Dương-Thái Bình Dương, với sự tham gia của 2 máy bay H-6K của Trung Quốc và hai máy bay Tu-95MS của Nga - cả 4 đều là những máy bay tầm xa có khả năng mang vũ khí hạt nhân.
Theo Bộ Quốc phòng Nga (MoD), mục đích của nhiệm vụ vừa qua là nhằm "tăng cường sự ổn định toàn cầu," tuy nhiên vẫn còn 3 lý do khác giải thích tại sao các cuộc tuần tra chung bằng máy bay ném bom chiến lược lại có tầm quan trọng địa chính trị.
Đầu tiên, các cuộc tuần tra này - ở một mức độ nào đó - nhằm gửi đi một tín hiệu tới Mỹ và các nước đồng minh của Mỹ rằng mặc dù Nga và Trung Quốc không có hợp tác quân sự trực tiếp, hai cường quốc này đang tiến tới một sự hội tụ chính trị về các vấn đề hạt nhân nhất định để đối phó với chính sách vũ khí hạt nhân ngày càng quyết đoán của Mỹ và các thỏa thuận kiểm soát vũ khí đang dần bị phá bỏ.
Một tháng trước, trong một tuyên bố chung, Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình và Tổng thống Nga Vladimir Putin đã nhấn mạnh rằng "bất kể nỗ lực nào nhằm phá hủy hệ thống các thỏa thuận hiện nay về kiểm soát vũ khí, giải trừ quân bị và không phổ biến (vũ khí hạt nhân và vũ khí hủy diệt hàng loạt) là không thể chấp nhận được."
Vũ khí hạt nhân cũng có thể là lý do khiến lực lượng không quân của Nga và Trung Quốc lựa chọn thực hiện cuộc tuần tra ở khu vực phụ cận của bán đảo Triều Tiên.
Trung Quốc và Nga đã nhiều lần bày tỏ quan ngại về việc Mỹ triển khai các hệ thống Phòng thủ tên lửa tầm cao giai đoạn cuối (THAAD), vốn bao gồm các radar tầm xa, ở bán đảo Triều Tiên.
Bắc Kinh và Moskva đã gọi việc triển khai hệ thống này hành động "liều lĩnh" và chắc chắn sẽ hủy hoại "thế cân bằng chiến lược" ở khu vực.
Trung Quốc đặc biệt bày tỏ lo ngại về việc triển khai THAAD bởi nó có thể đe dọa tới năng lực đánh trả lần hai của nước này (nghĩa là khả năng đánh trả bằng hạt nhân khi bị một nước tấn công bằng vũ khí hạt nhân).
Cuộc tuần tra của 4 máy bay ném bom có khả năng mang vũ khí hạt nhân của Nga và Trung Quốc ngoài khơi bán đảo Triều Tiên thể hiện một cách mạnh mẽ sự tức giận của hai nước này đối với nguyên trạng hiện nay khi các hệ thống phòng thủ tên lửa của Mỹ được triển khai tại khu vực.
Bên cạnh đó, Tổng thống Mỹ Donald Trump đã bày tỏ sự quan tâm tới việc theo đuổi một hiệp ước kiểm soát vũ khí hạt nhân mới, mà theo đó sẽ không chỉ giới hạn kho vũ khí hạt nhân của Nga và Mỹ, mà còn cả Trung Quốc - quốc gia có chính sách không sử dụng vũ khí hạt nhân trước.
Mặc dù Trung Quốc đã thể hiện không quan tâm tới việc đàm phán một thỏa thuận như vậy, song mối quan hệ Trung-Nga ngày càng sâu sắc về các vấn đề hạt nhân vẫn có thể củng cố lập trường của cả hai bên trong các cuộc đàm phán tương lai với Mỹ về vấn đề kiểm soát vũ khí.
Một mặt trận Trung-Nga thống nhất có thể sẽ khiến việc ép hai quốc gia này phải nhượng bộ về vấn đề các tên lửa hành trình và tên lửa đạn đạo tầm trung đặt trên mặt đất trở nên khó khăn hơn, cho dù trên thực tế gần như không thể có bất kỳ cuộc đàm phán nghiêm túc nào về vấn đề này trong thời điểm hiện nay.
Điều đáng chú ý là khía cạnh hạt nhân cũng là điều khiến cho cuộc tuần tra trên không vừa qua khác với các cuộc tập trận hải quân chung Nga-Trung trước đây, mà vốn cho tới nay vẫn chưa bao giờ có sự tham gia của bất kỳ tàu ngầm mang tên lửa đạn đạo nào.
Thứ hai, các cuộc tuần tra chung vừa qua đã cho thấy rất rõ một mức mới trong hợp tác kỹ thuật trên không giữa Nga và Trung Quốc, đồng thời thể hiện khả năng quân sự ngày càng tăng của cả hai cường quốc.
Mặc dù nhiệm vụ tuần tra chung vừa qua giữa Nga và Trung Quốc không cần tới khả năng hành động theo kiểu của Tổ chức Hiệp ước Bắc Đại Tây Dương (NATO), song nó cho thấy khả năng hai quốc gia này sẽ hợp tác chặt chẽ hơn trong tương lai.
Mục đích của cuộc tuần tra chung vừa qua là "nâng cao khả năng phối hợp hành động," theo tuyên bố của một phát ngôn viên Bộ Quốc phòng Trung Quốc.
Như nhà phân tích quốc phòng Dmitry Stefanovich đã chỉ ra nếu hai lực lượng không quân đạt tới trình độ phối hợp hành động mà có thể cho phép phát triển khả năng cùng tiếp nhiên liệu trên không, thì ảnh hưởng của nó đối với thế cân bằng chiến lược của khu vực sẽ rất đáng kể.
Thứ ba, mục đích lớn hơn của cuộc tuần tra bằng máy bay ném bom chiến lược của Nga và Trung Quốc là thể hiện mối quan hệ quân sự ngày càng lớn giữa hai nước này.
Sách Trắng quốc phòng mới của Trung Quốc tuyên bố rằng "quan hệ quân sự giữa Trung Quốc và Nga tiếp tục phát triển ở mức cao, làm đa dạng thêm mối quan hệ đối tác chiến lược toàn diện Trung-Nga cho một kỷ nguyên mới và đóng một vai trò quan trọng trong việc duy trì sự ổn định chiến lược toàn cầu."
Trong khía cạnh này, điều đặc biệt đáng chú ý đó là trong cuộc tập trận quy mô lớn của Nga hồi năm ngoái, các lực lượng trên bộ của Trung Quốc lần đầu tiên đã tham gia ở cấp lữ đoàn.
Theo một thông báo của chính phủ Nga được đưa ra đầu tuần này, Nga và Trung Quốc hiện đang đàm phán về một thỏa thuận hợp tác quân sự mới.
Điều thú vị là các tuyên bố báo chí về cuộc tuần tra chung bằng các máy bay ném bom của cả Bộ Quốc phòng Nga và Trung Quốc đều đề cập tới "kế hoạch hợp tác quân sự 2019" Nga-Trung.
Hiện chưa rõ nó thể hiện điều gì vì cho tới nay không có kế hoạch nào như vậy được công bố công khai, và những điều khoản cụ thể của kế hoạch này vẫn không ai biết.
Tuy nhiên, chỉ cần sự tồn tại của một kế hoạch như vậy đã thể hiện mức độ hợp tác không thể biết giữa hai nước.
Mặc dù vậy, bất chấp mối quan hệ đối tác quân sự ngày càng lớn, Nga và Trung Quốc vẫn không phải là hai đồng minh. Trung Quốc muốn "các quan hệ đối tác, không phải các quan hệ đồng minh," như một phát ngôn viên của Bộ Ngoại giao Trung Quốc đã nhấn mạnh hôm 23/7 vừa qua.
Trung Quốc và Nga không cam kết phòng thủ tập thể và không có một hiệp ước an ninh chính thức mà trong đó quy định nước này phải bảo vệ nước kia trong trường hợp xảy ra chiến tranh. Hai nước vẫn coi nhau là một mối đe dọa an ninh, mặc dù mối đe dọa này rất nhỏ.
Quan hệ quân sự Trung-Nga sẽ không phát triển thành một liên minh quân sự lâu dài và có tính gắn kết chặt chẽ như NATO.
Thay vào đó, Trung Quốc và Nga nhiều khả năng sẽ phát triển một liên minh quân sự kiểu thế kỷ 19 như hiệp ước "Entente Cordiale" - hiệp ước đồng minh hữu nghị giữa Anh và Pháp, có nghĩa rằng hai bên chủ yếu vẫn là những chủ thể độc lập mà không có một cấu trúc chỉ huy chung, phối hợp tác chiến không theo thể thức có sẵn, nhưng về tổng thể là một chiến lược chiến tranh chung./.