Chuyên gia Trung Quốc khẳng định việc trừng phạt không hiệu quả

Theo các chuyên gia Trung Quốc, việc các nước trên thế giới áp đặt các biện pháp trừng phạt đối với các công ty công nghệ cao của Trung Quốc sẽ không thể ngăn Trung Quốc phát triển lĩnh vực công nghệ.
Chuyên gia Trung Quốc khẳng định việc trừng phạt không hiệu quả ảnh 1Một cửa hàng của Huawei ở Thượng Hải. (Nguồn: AFP/TTXVN)

Theo trang mạng globaltimes.cn, các chuyên gia Trung Quốc khẳng định việc các nước trên thế giới áp đặt các biện pháp trừng phạt đối với các công ty công nghệ cao của Trung Quốc sẽ không thể ngăn Trung Quốc phát triển lĩnh vực công nghệ của nước này.

Cụ thể, một số quốc gia đã có động thái chống lại các công ty công nghệ của Trung Quốc thời gian gần đây, đặc biệt các nhà sản xuất thiết bị viễn thông như Huawei và ZTE.

Theo một báo cáo do nhật báo Yomiuri của Nhật Bản công bố hôm 7/12, Nhật Bản nhiều khả năng sẽ ban hành lệnh cấm giao dịch thu mua các sản phẩm viễn thông từ 2 công ty Trung Quốc này do lo ngại rò rỉ thông tin tình báo và tấn công mạng.

Sau đó, đại sứ quán Trung Quốc tại Nhật Bản đã đưa ra một tuyên bố, kêu gọi Nhật Bản xem xét việc đầu tư của các công ty Trung Quốc như Huawei và ZTE dựa trên góc độ tích cực và để cung cấp một môi trường kinh doanh công bằng.

Tuyên bố cũng nhấn mạnh không có bằng chứng cho thấy các sản phẩm của Huawei và ZTE gây ra bất kỳ rủi ro an ninh nào, và rằng 2 công ty đã đóng góp đáng kể cho nền kinh tế Nhật Bản bằng việc nhập khẩu một lượng sản phẩm lớn từ Nhật Bản cũng như thuê nhiều nhân công của nước này.

Fu Liang, một chuyên gia ngành công nghiệp viễn thông có trụ sở tại Bắc Kinh, chia sẻ với báo Global Times rằng lệnh cấm của Nhật Bản có thể được coi là một động thái “chọn phe” giữa Mỹ và Trung Quốc, trong bối cảnh Mỹ đang gây sức ép đối với một số đồng minh chính trị để kìm hãm các công ty viễn thông Trung Quốc.


[Tiếp nối chính phủ, 3 nhà mạng lớn của Nhật Bản tẩy chay Huawei và ZTE]

Fu Liang nói: “Có những tiếng nói ở Mỹ phản đối các hành động của chính quyền (Tổng thống Mỹ Donald) Trump nhằm chống lại lĩnh vực công nghệ cao của Trung Quốc, song sự thông đồng của các quốc gia như Canada và Nhật Bản có thể giúp chính quyền Mỹ chịu được áp lực như vậy."

Gần đây, Canada đã bắt giữ Phó Chủ tịch kiêm Giám đốc Tài chính Huawei Mạnh Vãn Chu theo yêu cầu của Mỹ. Theo các phương tiện truyền thông, Australia cũng đã cấm Huawei xây dựng mạng viễn thông 5G tại nước này hồi đầu năm 2018.

Theo tuyên bố của Nhà Trắng ngày 1/12, Mỹ và Trung Quốc đang thực hiện thỏa thuận đình chiến trong 90 ngày liên quan đến tranh chấp thương mại. Hai nước đã đồng ý sẽ đàm phán một số vấn đề bao gồm việc chuyển giao công nghệ và xâm nhập không gian mạng.

Tuy nhiên, giới chuyên gia Trung Quốc cho rằng việc các nước áp đặt biện pháp trừng phạt sẽ không thể ngăn Trung Quốc phát triển các ngành công nghệ cao, đặc biệt là khi Trung Quốc hiện có khả năng sản xuất các sản phẩm với công nghệ của riêng mình.

Liu Dingding, một chuyên gia công nghệ tại Bắc Kinh, nhấn mạnh rằng trên thực tế việc các quốc gia như Mỹ hành động chống lại Huawei chỉ cho thấy các công ty viễn thông Trung Quốc đã đạt được một bước đột phá, và hiện đang được coi là mối đe dọa cạnh tranh.

Liu nói: “Bộ vi xử lý Unicorn 980 của Huawei không hề thua kém bộ vi xử lý của các công ty nước ngoài, điều đó cho thấy Trung Quốc hoàn toàn có thể độc lập trong việc sản xuất các bộ vi xử lý công nghệ cao và không cần dựa vào các nhà sản xuất ở nước ngoài như Qualcomm nữa.”

Liu cho biết những công nghệ cốt lõi như vậy không chỉ có thể thúc đẩy sự mở rộng nhanh chóng của lĩnh vực internet và viễn thông của Trung Quốc, mà còn giúp Trung Quốc cung cấp linh kiện cho các khách hàng nước ngoài.

Các chuyên gia cũng cho rằng mặc dù các biện pháp trừng phạt có thể gây tổn hại cho các công ty Trung Quốc ở một mức độ nhất định, song không thể khiến các công ty này sụp đổ. Chẳng hạn, Huawei có một mạng lưới toàn cầu đa dạng và sâu rộng.

Liu nói: “Huawei không thể thâm nhập thị trường Mỹ, nhưng công ty này sẽ được các thị trường châu Âu chấp nhận bởi tính cạnh tranh về công nghệ của mình”./.

(Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục