Hành trình 13 năm đi tìm hài cốt liệt sỹ tại Campuchia của Thượng tá Lê Văn Mỹ, chính trị viên Đội quy tập K71 (Bộ Chỉ huy quân sự tỉnh Tây Ninh) là những câu chuyện xúc động về những khó khăn, nguy hiểm mà những người chiến sỹ đội K71 đã phải trải qua để đưa được hài cốt những chiến sỹ đã ngã xuống trên nước bạn trở về quê hương. Trên hành trình tìm kiếm ấy, có cả những niềm may mắn khó lý giải với người chiến sỹ K71. Đội K71 đảm nhận nhiệm vụ quy tập hài cốt liệt sỹ trên địa bàn 5 tỉnh của Campuchia như: Kampong Cham, Siem Reap, Battambang, Oddar Meanchey và Banteay Meanchey. Tham gia Đội quy tập K71 ngay từ ngày đầu thành lập (năm 2000), Thượng tá Lê Văn Mỹ, Chính trị viên Đội quy tập K71 đã có nhiều năm vượt núi, băng rừng, tìm hài cốt liệt sỹ trên đất bạn Campuchia. Thượng tá Lê Văn Mỹ nhớ lại: “Suốt 3 năm qua, dấu chân của chúng tôi đã in trên khắp các nẻo đường của 5 tỉnh, thành phố ở nước bạn Campuchia. Thậm chí, có lẽ người Campuchia cũng không đi lại trên đất nước họ nhiều bằng chúng tôi.” Nguy hiểm rình rập Thượng tá Lê Văn Mỹ kể lại một chuyến đi tìm hài cốt liệt sỹ ở tỉnh Oddar Meanchey. Theo thông tin các cựu chiến sỹ quân tình nguyện Việt Nam cung cấp, đội K71 xác định được tại địa bàn có 2 mộ liệt sỹ. Tuy nhiên, khi làm việc với bà con tại địa phương thì không ai nhận lời đi đẫn đường vì đây là khu vực còn sót lại nhiều bom mìn. Đã xảy ra trường hợp thương tâm khi người dân làng này bị cụt chân vì đi vào khu vực nguy hiểm đó. “Ngay khi đến, thấy nguyên cả huyện toàn người mất chân, người mất tay, mới thấy khu vực này còn nhiều bom mìn rải rác thật nguy hiểm. Người dân ở đây rất nhiệt tình chỉ dẫn nhưng ai cũng khuyên can: ‘Đã có bộ hội hy sinh trong thời chiến ở đây rồi, nay thời bình lại có người bị thương ở đây thì không đáng, không nên đi’,” Thượng tá Lê Văn Mỹ hồi tưởng lại. Nhưng lòng quyết tâm và sự dũng cảm của các chiến sĩ đội K71 đã khiến người dân cảm động, một người dân địa phương dù bị cụt một chân nhưng vẫn tình nguyện dẫn đường. Ông yêu cầu các chiến sỹ cam kết chỉ đi theo một lối mòn cực nhỏ, tuyệt đối không được đi ra ngoài, tất cả mọi việc ăn nghỉ đều chỉ được thực hiện trên lối nhỏ ấy, vì nếu đi ra ngoài sẽ rất nguy hiểm. Trên con đường mòn ấy, các chiến sỹ đội K71 vừa đi vừa dò mìn, gỡ mìn và thật may mắn là 2 hài cốt liệt sỹ đã được tìm thấy, đưa trở về mà không có chiến sỹ nào bị thương.
Thượng tá Lê Văn Mỹ (áo xanh) làm nhiệm vụ trên nước bạn. (Ảnh nhân vật cung cấp)
Không chỉ nguy hiếm, nhiệm vụ quy tập hài cốt liệt sỹ cũng cực khổ không kém thời chiến. Những lần mưa lũ cuốn trôi hết thức ăn, đội phải cử người băng rừng vào làng mua mì tôm về cho cả đội. Cực khổ hơn nữa, khi cả đội đóng quân trong rừng gặp mưa to gió lớn, cả đêm các chiến sỹ phải thức trắng, đứng chụm nhau dưới những tấm bạt căng tạm bợ là chuyện thường xuyên xảy ra, thế nhưng sáng hôm sau, những người chiến sỹ ấy vẫn lên đường tiếp tục làm nhiệm vụ. Một khó khăn khác luôn thường trực với những người đi tìm kiếm, quy tập hài cốt liệt sỹ mà Thượng tá Mỹ kể lại là thường xuyên thiếu nước sinh hoạt. Hết nước, nếu gần dân còn có thể xin hoặc mua được, nếu xa dân chỉ còn cách tắm nước suối, giặt nước suối và ăn uống cũng là nước suối. Đôi khi có khu vực, cả nguồn nước suối cũng khó tìm. “Cũng vì thường xuyên sử dụng nước không sạch mà rất nhiều anh em sau thời gian dài hành quân về đi kiểm tra sức khỏe đều bị sỏi thận,” Thượng tá Lê Văn Mỹ nói. Vất vả, thiếu thốn là thế nhưng Thượng tá Lê Văn Mỹ kể lại những khó khăn với niềm lạc quan và hạnh phúc: “Đó cũng chỉ là những chuyện thường tình trong cuộc đời lính.” Chuyện ông lão bị lợn rừng húc Quá trình tìm kiếm hài cốt liệt sỹ, cũng có những sự gặp gỡ rất tình cờ nhưng đã may mắn giúp các chiến sĩ đội K71 hoàn thành nhiệm vụ. Nói đến may mắn, Thượng tá Lê Văn Mỹ không thể quên được lần quy tập mộ ở tại phum Kantuot, huyện Memot, tỉnh Kampong Cham. Tìm ròng rã nhiều ngày, đào đi đào lại 12 lần, với cả trăm mét khối đất mà vẫn không tìm được hài cốt liệt sỹ bởi địa hình khu vực thay đổi rất nhiều so với mô tả của các cựu chiến binh. Trước ngày rút quân 1 ngày, nước sinh hoạt hết, Thượng tá Lê Văn Mỹ cùng với mấy anh em trong đội, đi bộ hơn 6km để tìm dân để xin nước. Thật tình cờ, các anh thấy một ngôi nhà có cụ ông khoảng 80 tuổi đang nằm bị thương do bị lợn rừng húc. Sau khi chiến sĩ quân y của đội khám, cho ông cụ thuốc điều trị, Thượng tá Lê Văn Mỹ kể chuyện đang tìm hài cốt liệt sỹ tại khu vực này. Nghe xong, ông cụ liền khẳng định biết nơi an táng các liệt sỹ và ông cụ đồng ý để anh em khiêng cụ đi tìm. Tìm kiếm đúng vị trí ông cụ chỉ, đội đã cất bốc được 8 bộ hài cốt liệt sỹ chỉ trong vòng 5 tiếng, đặc biệt tất cả hài cốt đều có họ tên rõ ràng. Không chỉ sự tình cờ có được thông tin chỉ dẫn chính xác, anh Mỹ còn kể về sự may mắn khi suốt 3 năm trời ròng rã vất cả đi tìm kiếm hài cốt liệt sỹ nhưng chưa một lần nào anh Mỹ ốm nặng trong lúc hành quân. Thượng tá Mỹ kể: “Không hiểu sao chúng tôi hành quân rất vất vả nhưng chỉ khi về Việt Nam mới ốm nặng, còn làm nhiệm vụ ở nước bạn thì điều kiện rất khó khăn nhưng vẫn khỏe re.” “Điều kiện làm việc rất vất vả, chưa kể nhiệm vụ thực hiện ở các vùng khó khăn, điều kiện y tế rất kém, nếu ốm nặng là sẽ rất nguy hiểm. Nhưng hầu như các chiến sỹ đều chỉ ốm trong 3 tháng nghỉ ở Việt Nam. Như tôi trong thời gian nghỉ ở nhà tôi bị đau ruột thừa phải mổ, chỉ một tháng sau tôi lại lên đường hành quân, có những khi làm việc cả ngày không được nghỉ nhưng vẫn khỏe mạnh, không làm sao cả,” Thượng tá Lê Văn Mỹ cười nói.
Đội K71 quy tập hài cốt liệt sỹ đưa trở về quê hương. (Ảnh nhân vật cung cấp)
Hành trình xoa dịu nỗi đau Địa bàn tìm kiếm trên đất bạn mà đội K71 được giao là khá rộng và phức tạp, thi hài liệt sỹ lại được chôn cất phân tán trong rừng sâu, nên việc xác định vị trí mộ chính xác để tìm kiếm là cực kỳ khó khăn. Thời gian trôi qua đã lâu, sự bào mòn của thời gian, mưa gió đã khiến vị trí xác định các ngôi mộ bị thay đổi đi rất nhiều so với những sơ đồ mộ chí mà đồng đội đã cung cấp. Cũng có khi các ngôi mộ đó đã bị san phẳng, cuốn trôi. Những nhân chứng, những người trực tiếp chôn cất hay chăm sóc các phần mộ có khi đã quá già hoặc không còn sống… Con số hơn 1.700 hài cốt liệt sỹ mà đội K71 tìm thấy là không hề nhỏ, nhưng rất nhiều hài cốt liệt sỹ vẫn còn nằm lại trên đất bạn mà chưa được tìm thấy. Điều đó khiến nỗi thương đau trong lòng những người thân càng thêm nhức nhối và cũng là nỗi xót xa đối với mỗi người lính đội K71. Thượng tá Lê Văn Mỹ trăn trở: “Những người chiến sỹ ấy đã hy sinh đã mấy chục năm rồi. Đẩy nhanh việc tìm kiếm chừng nào thì mang lại niềm an ủi cho gia đình liệt sỹ sớm chừng đó, và cũng có thêm cơ sở để giám định chính xác hài cốt. Tìm kiếm, quy tập hài cốt liệt sỹ khó khăn là thế, song mỗi lần bàn giao hài cốt, thấy nước mắt, niềm vui của thân nhân liệt sỹ, mọi vất vả trong chúng tôi như tan biến.” Thượng tá Lê Văn Mỹ nhớ lại, quá trình tìm kiếm đội của anh được rất nhiều sự giúp đỡ, đặc biệt là từ những người đồng đội của các liệt sỹ, thậm chí họ dù tuổi đã cao vẫn lên đường cùng các anh đi tìm hài cốt những đồng đội đã hy sinh, có người khi cả đội không tìm được, chuẩn bị rút quân họ khóc rưng rức cả đêm. Còn có những người thân mừng rơi nước mắt, thậm chí ngất đi khi tìm thấy mộ. “Những giọt nước mắt, những nụ cười ấy đã 'truyền lửa' cho chúng tôi. Vì thế, đói khát đấy, hiểm nguy đấy, song chúng tôi vẫn sẽ tìm kiếm, cố gắng cất bốc cho hết số hài cốt quân tình nguyện Việt Nam và chuyên gia hy sinh trong các cuộc chiến tranh ở Campuchia đưa về nước.” Thượng tá Lê Văn Mỹ một lần nữa khẳng định quyết tâm của anh./.
Hồng Kiều (Vietnam+)