Chuyển người bệnh bằng phương tiện "độc nhất vô nhị"

Nhiều bệnh nhân ở vùng sông nước Kiên Giang đã được đưa đi cấp cứu bằng một phương tiện được cho là " độc nhất" là những chiếc vỏ lãi.
Nhiều bệnh nhân ở vùng sông nước Kiên Giang đã được đưa đi cấp cứu bằng một phương tiện được cho là "độc nhất" là những chiếc vỏ lãi (một loại thuyền làm bằng gỗ có gắn máy) của Chi hội từ thiện ấp Tân Đời, xã Vĩnh Tuy, huyện Gò Quao (Kiên Giang).

Nhờ phương tiện này, nhiều người bệnh đã được đưa đến các cơ sở y tế kịp thời.

Vĩnh Tuy là một trong những xã xa nhất của huyện Gò Quao, giao thông đi lại gặp rất nhiều khó khăn, nhất là vào mùa mưa. Vì vậy, việc đưa bệnh nhân đi cấp cứu cũng gặp nhiều trở ngại.

Chưa kể, với một số ca bệnh như nhồi máu cơ tim, tai biến mạch máu não, tai nạn giao thông, nếu chuyển viện bằng xe máy, người bệnh sẽ bị sốc dẫn đến tử vong.

Ông Hồ Văn Hỏi, Phó Chủ tịch Hội Chữ thập Đỏ xã Vĩnh Tuy cho biết xuất phát từ thực tế của địa phương, Hội Chữ thập Đỏ xã Vĩnh Tuy đã vận động các hội viên thành lập tổ vận chuyển người bằng vỏ lãi - một phương tiện đặc thù của vùng sông nước miền Tây.

Năm 2008, sau khi được một số người ủng hộ với số tiền 22 triệu đồng để mua phương tiện, Chi hội từ thiện chuyển bệnh bằng vỏ lãi ra đời tại ấp Tân Đời (gần trung tâm xã).

Lúc mới thành lập, tổ chỉ có 6-7 thành viên tham gia và chủ yếu chịu trách nhiệm giúp những người nghèo không có phương tiện đi lại ở một số ấp xa trung tâm xã, nhưng đến nay mô hình này đã lan rộng ra cả xã Vĩnh Tuy.

Ông Trần Văn Liệt, Chi Hội trưởng Hội từ thiện ấp Tân Đời cho biết, khi mới đi vào hoạt động, tổ vận chuyển gặp không ít khó khăn do kinh phí hạn hẹp, có khi các anh em trong tổ và Hội tự bỏ tiền túi ra đổ xăng để vận chuyển người bệnh.

Về sau, thấy tổ hoạt động nhanh, hiệu quả, nhiều người đã tự nguyện đóng góp kinh phí. Nhiều người dân ở đây đã xin tham gia vào tổ. Nhờ vậy, đến nay số hội viên đã lên trên 100 người.

Để người dân dễ dàng liên lạc khi có ca bệnh cần vận chuyển, Hội từ thiện đã gắn thông báo có ghi số điện thoại ở khắp mọi nơi trên địa bàn. Đa phần, người bệnh được chuyển lên bệnh viện đa khoa huyện Gò Quao (cách xã Vĩnh Tuy 15km) và Vị Thanh , tỉnh Hậu Giang (cách xã 30km).

Do nhu cầu chuyển bệnh ngày càng cao, Hội đã thành lập tổ lái vỏ để đưa hội viên đi học giấy phép lái phương tiện thủy; phân công người túc trực ngày đêm.

Theo nhiều người dân ở đây cho biết, có những trường hợp khi người nhà đưa đến bệnh viện thì bác sỹ cho biết chỉ cần trễ một chút là không thể cứu khỏi. Chính vì thế, thì chiếc vỏ lãi của tổ từ thiện chở những người bệnh đã trở nên quen thuộc và gần gũi với người dân.

Ông Nguyễn Văn Cúc, ngụ ấp Vĩnh Hùng, bộc bạch thấy tổ chuyển bệnh bằng vỏ lãi của Chi hội từ thiện ấp Tân Đời hoạt động hiệu quả, thiết thực và đã cứu nhiều bệnh nhân, nhà sẵn có vỏ máy nên tôi cũng tình nguyện đăng ký số điện thoại để người dân trong ấp biết khi có bệnh thì gọi. Sau khi nhận chuyển bệnh nhân, tôi liền điện thoại cho tổ chuyển bệnh để chuẩn bị sẵn sàng, khi từ trong ấp chuyển ra thì tổ này sẽ tiếp tục chuyển lên tuyến trên.

Anh Trần Văn Đủ, thành viên tổ chuyển bệnh cho biết, có những trường hợp bệnh nặng, khi công suất máy đã mở hết nhưng vẫn cảm thấy còn chậm. Dù sao, chuyển bệnh bằng phương tiện vỏ máy vẫn nhanh hơn xe cứu thương nhiều.

Ông Nguyễn Văn Nghĩa, một người dân xã Vĩnh Tuy cho biết, trước đây gia đình ông có người bệnh mà đường từ nhà ra bệnh viện rất khó, phải qua phà. Thế nhưng, nhờ có tổ chuyển bệnh bằng vỏ lãi nên người thân của ông đã được cứu chữa kịp thời.

Ông Lê Quốc Nam, Chủ tịch Ủy ban Nhân dân xã Vĩnh Tuy cho rằng, mô hình chuyển bệnh bằng vỏ lãi không chỉ đơn thuần là cứu giúp người bệnh, mà còn mang ý nghĩa rất lớn, thể hiện tinh thần tương thân, tương ái của người dân.

Theo ông Hồ Văn Hỏi, Phó Chủ tịch Hội Chữ thập đỏ xã Vĩnh Tuy, từ khi thành lập đến nay, tổ chuyển bệnh bằng phương tiện này đã vận chuyển kịp thời cho gần 200 trường hợp. Nhiều người bệnh, sau khi được vận chuyển đến cơ sở y tế và điều trị khỏi bệnh đã tình nguyện đóng góp hàng tháng vào quỹ để cho tổ chuyển bệnh tiếp tục hoạt động.

Hiện nay, mỗi tháng có gần 100 người tự nguyện đóng góp kinh phí cho tổ, trong đó có ông Sáu Nghệ, Việt kiều Canada, đều đặn mỗi tháng gửi về 100 USD để tổ chuyển bệnh có kinh phí hoạt động tốt hơn./.

Lê Sen (TTXVN)

Tin cùng chuyên mục