Chuyện về những người gác đèn hải đăng ở Trường Sa

Trong hành trình lần này, chúng tôi đã may mắn đến được 3 trên tổng số 9 ngọn hải đăng trên quần đảo Trường Sa. Đó là các trạm Trường Sa Lớn, hải đăng Đa Lát và hải đăng An Bang.
Chuyện về những người gác đèn hải đăng ở Trường Sa ảnh 1Đoàn công tác trao quà cho cán bộ nhà đèn đảo Đá Lát. (Ảnh: Tiến Đạt/Vietnam+)

Trong hành trình theo đoàn công tác của Bộ Quốc phòng do Trung tướng Nguyễn Phương Nam, Ủy viên Trung ương Đảng, Phó Tổng tham mưu trưởng Quân đội Nhân dân Việt Nam dẫn đầu thăm kiểm tra 11 cụm đảo thuộc Nam Trường Sa, chúng tôi đã may mắn đến được 3 trong tổng số 9 ngọn hải đăng trên quần đảo Trường Sa. Đó là các trạm Trường Sa Lớn, hải đăng Đá Lát và hải đăng An Bang.


Hải đăng – mốc chủ quyền trên biển

Cả 9 ngọn hải đăng trên quần đảo Trường Sa hiện do Tổng công ty Bảo đảm an toàn hàng hải miền Nam quản lý. Những ngọn hải đăng không chỉ làm nhiệm vụ định hướng, dẫn luồng cho việc lưu thông hàng hải mà còn là những cột mốc chủ quyền của Tổ quốc ta trên Biển Đông.

Tôi đã có một cuộc trò chuyện khá dài với anh Trịnh Văn Nguyên (quê Hải Phòng), Trạm trưởng Trạm Hải đăng Đá Lát.

Hải đăng Đá Lát nằm cách nơi đóng quân của chiến sỹ ta trên đảo chìm Đá Lát khoảng 300m nhưng khi chúng tôi lên đảo thì thấy các anh em nhà đèn đã có mặt hỗ trợ đón tiếp đoàn công tác. Anh Nguyên cho biết anh ra đảo năm 26 tuổi và đến giờ đã ở Trường Sa 20 năm.

Chuyện về những người gác đèn hải đăng ở Trường Sa ảnh 2Hải đăng Đá Lát - cột mốc chủ quyền hiên ngang giữa biển khơi. (Ảnh: Tiến Đạt/Vietnam+)

Trong suốt thời gian này, anh đã luân chuyển giữa các trạm đèn trên quần đảo Trường Sa. Anh cũng có nhiều cơ hội để vào công tác trong đất liền nhưng "không hiểu sao" vẫn cứ nấn ná ở đây.

Anh Nguyên nói rằng họ không phải là những người lính nhưng đều cảm thấy rằng mình đang làm một công việc có ý nghĩa tại nơi đầu sóng ngọn gió này. Có lẽ chính vì vậy mà đa số những người đã ra đảo công tác rồi đều ở lại lâu không về.

Anh Nguyên cho biết chỉ khi đứng trên những bãi san hô chìm giữa biển sóng mênh mông mới có thể cảm nhận hết sự thiêng liêng của hai chữ “chủ quyền.”

Nghe thì to tát thế nhưng hàng ngày họ quan niệm làm sao để thiết bị vận hành tốt, dẫn hướng an toàn cho tàu bè, giúp được ngư dân trên biển là cảm thấy vui rồi.

Cùng chung suy nghĩ như anh Nguyên, Trạm trưởng hải đăng An Bang – Đoàn Ngọc Tấn (sinh năm 1962) cho biết năm 1994 anh đã có mặt làm nhiệm vụ tại Trạm hải đăng Song Tử Tây. Anh cũng làm việc tại nhiều trạm hải đăng và giờ thì ở An Bang. Trạm hải đăng An Bang xây dựng năm 1995, liền kề với khu vực đóng quân của các chiến sỹ trên đảo An Bang.

Chuyện về những người gác đèn hải đăng ở Trường Sa ảnh 3Anh Đoàn Ngọc Tấn, trưởng trạm Hải đăng An Bang - mặc áo xanh bên phải. (Ảnh: Ngọc Thu/Vietnam+)

Anh Tấn cho biết họ như những người mắc nợ biển, ra biển rồi không thể quay đầu lại. Các trạm hải đăng đều gần hoặc liền kề với chốt đóng quân của bộ đội nên các chiến sỹ đều cảm thấy yên tâm và ấm áp. Không ở đâu tình cảm quân dân thể hiện sâu sắc như tại nơi này.

An Bang được ví như chiếc đồng hồ cát giữa biển, như chiếc thuyền thúng bị sóng vỗ bốn bề nên rất nguy hiểm. Hàng năm, tàu bè ra đảo rất khó khăn, nhiều khi tàu đến gần đảo rồi mà sóng lớn quá vẫn không thể cập xuồng vào đảo. Đây là vùng nước xoáy nên ngư dân cũng ít qua lại vì thế anh em chiến sỹ và nhà đèn luôn sát cánh, chia sẻ cho nhau cả vật chất lẫn tinh thần…

Chuyện về những người gác đèn hải đăng ở Trường Sa ảnh 4Hải đăng An Bang (Ảnh: Ngọc Thu/Vietnam+)

Chia tay những người gác đèn hải đăng, tôi cứ nhớ mãi những khuôn mặt chất phác, hiền từ của các anh Nguyên, anh Tấn, anh Tường... Họ chấp nhận cuộc sống xa gia đình, thiếu thốn cả tình cảm và vật chất một cách nhẹ nhàng. Họ nói về công việc đang làm thật giản dị, chẳng lên gân hô hào. Họ coi đó là một công việc bình thường như bao nghề nghiệp khác, có chăng chỉ là làm việc ở một nơi khó khăn hơn và ít người qua lại hơn. Các anh đều nói ít người hiểu được chúng tôi nhưng nếu đã đến đây rồi, hiểu được ý nghĩa của việc mình đang làm thì không thể rời đi.

Chuyện về những người gác đèn hải đăng ở Trường Sa ảnh 5Hành trình ra với đảo của đoàn công tác (Ảnh: Tiến Đạt/Vietnam+)

Nếu ai đã từng đến Trường Sa chắc chắn sẽ đồng ý rằng có quá nhiều cảm xúc và khó có thể diễn tả hết bằng lời. Đó là cảm xúc khi nhìn thấy lá cờ Tổ quốc đỏ thắm tung bay trên nền trời xanh thẳm nơi đảo Trường Sa Lớn; đó là sự trân trọng, yêu thương, là ước muốn sẻ chia dành cho những người chiến sĩ đang canh giữ biển đảo Tổ quốc; đó là những giọt nước mắt không thể kìm giữ khi chia tay các chiến sỹ nhà giàn… Và trên hết đó là niềm tự hào và ý thức trách nhiệm công dân đối với chủ quyền biển đảo quê hương./.

(Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục