CIEM: Triển vọng kinh tế nhìn từ khả năng kiểm soát dịch COVID-19

CIEM đưa ra hai kịch bản: Dịch bệnh được kiểm soát vào tháng 10, với dự báo tăng trưởng kinh tế cả năm đạt 5,9% và dịch bệnh được khống chế sớm trong tháng Tám, khả năng tăng trưởng có thể đạt 6,2%.
(Ảnh minh họa. Nguồn: TTXVN)
(Ảnh minh họa. Nguồn: TTXVN)

Ông Nguyễn Anh Dương, Viện Nghiên cứu quản lý kinh tế vĩ mô (CIEM) nhận định triển vọng kinh tế Việt Nam trong sáu tháng cuối năm có thể chịu ảnh hưởng của các yếu tố về khả năng kiểm soát dịch, tiến độ giải ngân đầu tư công, bảo đảm ổn định kinh tế vĩ mô, hỗ trợ kinh tế số-chuyển đổi số, khả năng tận dụng cơ hội từ các hiệp định thương mại tự do (FTA) mới và bảo đảm cơ hội cho lao động nữ.

Trên cơ sở đó, nhóm nghiên cứu của CIEM dự báo hai kịch bản về nền kinh tế Việt Nam trong năm 2021.

Kiên trì “mục tiêu kép”

Phát biểu tại hội thảo “Kinh tế Việt Nam 6 tháng đầu năm 2021: Cải cách để phục hồi tăng trưởng bền vững” ngày 15/7 do CIEM tổ chức với sự hỗ trợ của Chương trình Australia hỗ trợ cải cách kinh tế Việt Nam (Aus4Reform), ông Nguyễn Anh Dương-Trưởng Ban nghiên cứu tổng hợp (CIEM) nhấn mạnh với kịch bản thứ nhất, khi dịch bệnh ở Việt Nam được kiểm soát vào tháng 10 sẽ tạo điều kiện nối lại hoạt động sản xuất-kinh tế ở mức bình thường và tăng trưởng kinh tế cả năm có thể đạt 5,9%, xuất khẩu cả năm tăng 16,4%, thặng dư thương mại ở mức 4,2 tỷ USD, lạm phát bình quân năm đạt 2,6%.

Kịch bản thứ hai giữ nguyên hầu hết các giả thiết như trong kịch bản đầu. Song với diễn biến khả quan hơn, dịch bệnh có thể khống chế sớm trong tháng Tám và giả thiết tốc độ tăng GDP của thế giới, tín dụng và giải ngân đầu tư từ nguồn ngân sách Nhà nước ở mức cao, tăng trưởng kinh tế cả năm có thể đạt 6,2%, xuất khẩu cả năm tăng 18,3%, Thặng dư thương mại ở mức 5,4 tỷ USD và lạm phát bình quân là 2,8%.

[Doanh nghiệp ghi nhận cải cách thủ tục hành chính về xuất nhập khẩu]

Phân tích về bối cảnh chung của nền kinh tế, tiến sỹ Trần Thị Hồng Minh, Viện trưởng CIEM cho rằng bối cảnh kinh tế trong sáu tháng đầu năm không dễ dàng hơn so với năm 2020. Ngay từ đầu năm, Việt Nam trải qua hai đợt bùng phát dịch COVID-19, nghiêm trọng nhất là đợt dịch từ cuối tháng Tư, với những diễn biến khá phức tạp, lan rộng ra nhiều tỉnh, thành phố trên cả nước.

Thời điểm hiện tại, số ca mắc COVID-19 vẫn tăng cao hàng ngày, với nhiều yếu tố quan ngại. Đáng lo ngại, đợt dịch này đã lan đến các khu công nghiệp, các trung tâm kinh tế lớn và gây ra nhiều khó khăn, thách thức lớn đối với nền kinh tế.

"Trước những diễn biến và tình huống trên, Chính phủ mới đã nhanh chóng bắt tay vào điều hành phát triển kinh tế-xã hội, kiên trì thực hiện “mục tiêu kép.” Bên cạnh đó, Chính phủ cũng lắng nghe, cân nhắc những đề xuất trong tình hình mới, như cho phép các nhà máy trong khu công nghiệp thực hiện hoạt động sản xuất trong điều kiện bảo đảm phòng chống dịch, cho phép doanh nghiệp chủ động nhập vaccine," bà Minh cho hay.

CIEM: Triển vọng kinh tế nhìn từ khả năng kiểm soát dịch COVID-19 ảnh 1(Ảnh minh họa/Nguồn: TTXVN)

Theo bà Minh, Chính phủ vẫn ưu tiên bảo đảm ổn định kinh tế vĩ mô và ổn định xã hội và để hiện thực hóa những ưu tiên này, kiểm soát lạm phát có ý nghĩa đặc biệt quan trọng.

"Với diễn biến của đợt dịch này, Chính phủ tiếp tục thực hiện các biện pháp hỗ trợ doanh nghiệp và người lao động, trên tinh thần đơn giản hóa điều kiện tiếp cận để các nhóm này trụ vững qua thời kỳ khó khăn," bà Minh nhấn mạnh.

Nền tảng phát triển kinh tế về cuối năm

Đánh giá những yếu tố nền tảng hỗ trợ tăng trưởng kinh tế trong nửa cuối chặng đường của năm. Bà Minh chỉ ra điểm sáng mà rất ít được đề cập tới, đó là việc định hình tư duy cải cách thể chế kinh tế.

Theo bà Minh, ngay trong bối cảnh khó khăn, Chính phủ cần tiếp tục đề ra nhiều giải pháp, nhiệm vụ cải cách nhằm thúc đẩy đổi mới sáng tạo, phát triển kinh tế số, thúc đẩy thực hiện hiệu quả các FTA mới và mô hình phát triển kinh tế bền vững.

Người đứng đầu CIEM dẫn chứng tại vòng lấy ý kiến cuối cùng trước khi Chính phủ ban hành Nghị quyết 50/NQ-CP ngày 20/5/2021 về Chương trình hành động thực hiện Nghị quyết Đại hội Đảng XIII, Bộ Kế hoạch và Đầu tư vẫn nhận được những đề xuất bổ sung nhiệm vụ mới có tính chiến lược, cấp thiết, dài hạn về phát triển hạ tầng pháp lý và kỹ thuật cho nền kinh tế.

“Sự quyết liệt với cải cách của Việt Nam cũng được cộng đồng quốc tế ghi nhận và đánh giá cao,” bà Minh nói.

CIEM: Triển vọng kinh tế nhìn từ khả năng kiểm soát dịch COVID-19 ảnh 2(Nguồn: CIEM)

Phân tích các chỉ số kinh tế vĩ mô, ông Dương cho rằng với tốc độ tăng GDP trong sáu tháng đạt 5,64% (quý 1 tăng 4,65% và quý 2 tăng 6,61%,) đà phục hồi tăng trưởng vẫn hiện hữu. Kinh tế Việt Nam đã có quý đầu tiên mở rộng trong chu kỳ tăng trưởng và tiếp tục nằm trong nhóm duy trì được tốc độ tăng trưởng ở mức cao ở khu vực châu Á. Tuy nhiên, việc hiện thực hóa mục tiêu tăng trưởng cả năm 2021 ở mức 6,5% là thách thức rất lớn.

Thúc đẩy cải cách đầy đủ

Những yếu tố thách thức được ông Dương chỉ ra đó là cộng đồng doanh nghiệp gặp nhiều khó khăn do chịu ảnh hưởng trực tiếp từ dịch COVID-19. Trong số đó, không ít doanh nghiệp đã phải chủ động cân nhắc điều chỉnh hướng sản xuất, kinh doanh. Bên cạnh đó, hoạt động giải ngân đầu tư công tương đối chậm, đến 30/6, cả nước mới đạt 133.890 tỷ đồng, tương đương 29% kế hoạch giao. Về xuất-nhập khẩu trong sáu tháng, xuất khẩu đạt 158,3 tỷ USD, tăng 29% song nhập khẩu hàng hóa đạt 159,3 tỷ USD, tăng 36,3% so với cùng kỳ. Như vậy, thâm hụt thương mại ở mức 1,0 tỷ USD.

Tăng trưởng GDP tiềm năng suy giảm quý thứ 14 liên tiếp:

CIEM: Triển vọng kinh tế nhìn từ khả năng kiểm soát dịch COVID-19 ảnh 3(Nguồn: CIEM)

Theo ông Dương, hoạt động thương mại của Việt Nam có thể gặp một số thách thức, như đà phục hồi tăng trưởng có sự chênh lệch giữa các nhóm đối tác. Bên cạnh đó, các thị trường có thể gia tăng các cam kết và yêu cầu kỹ thuật liên quan (quy định xuất xứ, tiêu chuẩn mới về lao động, môi trường, phòng chống dịch bệnh…). Thêm vào đó, đối tác Mỹ vẫn tiếp tục theo dõi thâm hụt thương mại song phương với Việt Nam.

Mặt khác, Việt Nam có thể đối mặc với những quy định, chế tài liên quan (bảo hộ dữ liệu, khác biệt về chính sách thuế…) trong các hoạt động thương mại điện tử xuyên biên giới. Trong khi đó, các cơ chế bảo vệ quyền lợi doanh nghiệp của Việt Nam mới đang trong giai đoạn thử nghiệm.

Trước tình hình mới, nhóm nghiên cứu của CIEM khuyến nghị cần có những góc nhìn mới, theo đó tư duy nâng cao mức độ độc lập, tự chủ của nền kinh tế cần được đặt ra nhiều hơn trong bối cảnh khó khăn (như cạnh tranh chiến lược Mỹ-Trung, đại dịch COVID-19....). Việt Nam cần có những giải pháp sớm giải quyết bài toán về thâm hụt thương mại với các đối tác trong Hiệp định Đối tác Kinh tế Toàn diện Khu vực (RCEP) đồng thời giảm sự phụ thuộc của xuất khẩu vào khu vực FDI.

Theo CIEM, Việt Nam cần tránh tư duy về độc lập-tự chủ của nền kinh tế theo hướng chỉ tập trung vào “phòng thủ,” cụ thể là nâng cao sức chống chịu với những cú sốc kinh tế thay vì tránh các cú sốc. Theo đó, hoạt động cải cách thể chế cần chủ động chuẩn bị theo thông lệ quốc tế tốt kết hợp với các thông lệ mới phù hợp, như việc cải cách không chỉ là “cắt giảm” quy định như trước đây.

Bên cạnh đó, Việt Nam cũng cần chủ động tìm kiếm các động lực từ những khu vực/đối tác có thể phục hồi sớm nhất sau COVID-19 đồng thời thúc đẩy phát triển kinh tế tư nhân trong mối liên kết với khu vực FDI.

“Việt Nam vẫn cần thúc đẩy các cải cách đủ sâu rộng để phục hồi tăng trưởng một cách bền vững với ba ưu tiên quan trọng. Thứ nhất, bảo đảm có sự song hành giữa chính sách kinh tế vĩ mô và cải cách kinh tế vi mô, hướng tới phục hồi xanh và phục hồi bền vững. Thứ hai, thúc đẩy phục hồi kinh doanh và nâng cao năng lực nội tại, mức độ tự chủ của nền kinh tế gắn với thực hiện hiệu quả tiến trình hội nhập kinh tế quốc tế. Thứ ba, thúc đẩy đổi mới sáng tạo, phát triển khoa học công nghệ hướng tới kinh tế số và trang bị kỹ năng mới để cải thiện năng suất,” lãnh đạo CIEM nhấn mạnh./.

(Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục