Cơ hội cuối cùng để thế giới đạt thỏa thuận về ứng phó với đại dịch

Các quốc gia đã soạn thảo một hiệp định quốc tế về phòng ngừa, chuẩn bị và ứng phó với đại dịch, song vẫn chưa thống nhất về các vấn đề quan trọng như công bằng vaccine, giám sát mầm bệnh.

Nhân viên y tế tiêm vaccine ngừa COVID-19 cho người dân tại New York, Mỹ. (Ảnh: AFP/TTXVN)
Nhân viên y tế tiêm vaccine ngừa COVID-19 cho người dân tại New York, Mỹ. (Ảnh: AFP/TTXVN)

Đồng Chủ tịch Cơ quan đàm phán liên chính phủ (INB), ông Roland Driece cho rằng các quốc gia đang thảo luận một thỏa thuận lịch sử về ứng phó với đại dịch trong tương lai cần tận dụng vòng đàm phán sắp tới để xóa bỏ những bất đồng và không được để đàm phán thất bại.

Trong 2 năm qua, các quốc gia thành viên Tổ chức Y tế thế giới (WHO) đã bàn thảo một hiệp ước quốc tế về công tác phòng ngừa, chuẩn bị và ứng phó với đại dịch trong tương lai, song vẫn chưa thống nhất về các vấn đề quan trọng như công bằng vaccine và giám sát mầm bệnh.

Vòng đàm phán cuối đã lỡ mục tiêu hoàn chỉnh nội dung hiệp ước trước ngày 31/3 vừa qua để 194 nước thành viên thông qua tại kỳ họp thường niên năm 2024 của Đại hội đồng Y tế thế giới, dự kiến khai mạc vào ngày 27/5 tới. Thay vào đó, các nước dự kiến tiến hành vòng đàm phán bổ sung từ ngày 29/4-10/5 tới tại trụ sở của WHO ở Geneva (Thụy Sĩ).

Ông Driece hy vọng các nước sẽ tận dụng vòng đàm phán này để thu hẹp bất đồng và tìm kiếm thỏa hiệp.

Quan chức này cho rằng không có lựa chọn nào khác ngoài việc phải đàm phán thành công trong bối cảnh nhiều vấn đề trên thế giới hiện cần giới chính trị quan tâm như xung đột tại Ukraine, Gaza, biến đổi khí hậu. Do đó, ông cho rằng cần có trách nhiệm duy trì trọng tâm và tính cấp bách của vấn đề y tế này.

INB dự kiến soạn dự thảo mới trước ngày 18/4, trong đó tập trung vào những lĩnh vực đã đạt được sự đồng thuận của các nước.

Hiệp ước mới này là ưu tiên hàng đầu của Tổng Giám đốc WHO Tedros Adhanom Ghebreyesus trong nhiệm kỳ 5 năm lần thứ 2 của ông.

Mục tiêu của hiệp ước là ngăn chặn tác động nghiêm trọng của các cuộc khủng hoảng y tế quy mô toàn cầu trong tương lai giống như đại dịch COVID-19, đồng thời nâng cao năng lực ứng phó dịch bệnh của các nước trên thế giới.

Hiện, các nước đang tranh luận về những điểm vướng mắc chính bao gồm khả năng tiếp cận để tiến hành điều tra mầm bệnh mới nổi, giám sát tốt hơn các đợt bùng phát dịch, nguồn tài chính đảm bảo và chuyển giao công nghệ chống đại dịch cho những nước kém phát triển hơn./.

(TTXVN/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục