Cơ hội để nước Anh thiết lập vị thế mới trên trường thế giới

Thủ tướng Anh đang đứng trước cơ hội lớn đầu tiên để trả lời một câu hỏi khiến cộng đồng quốc tế nhiều khi tự hỏi; đó là hậu Brexit, chỉ việc Anh rời EU, nước Anh thực sự sẽ như thế nào?
Cơ hội để nước Anh thiết lập vị thế mới trên trường thế giới ảnh 1Thủ tướng Anh Boris Johnson. (Ảnh: AFP/TTXVN)

Thủ tướng Anh Boris Johnson đang đứng trước cơ hội lớn đầu tiên để trả lời một câu hỏi khiến cộng đồng quốc tế nhiều khi tự hỏi; đó là hậu Brexit, chỉ việc Anh rời Liên minh châu Âu (EU), nước Anh thực sự sẽ như thế nào?

Những người chỉ trích quyết định rời EU của Anh từ lâu đã lo ngại rằng đối với bên ngoài, Brexit được xem như một dự án hướng nội được thực hiện bởi một quốc gia "thù địch" với thế giới bên ngoài.

Do đó, các chính sách do chính phủ ông Johnson ban hành hầu như không thể xoa dịu những lo ngại liên quan đến các cuộc chiến văn hóa về di sản của Anh; những tranh cãi với EU về thỏa thuận thương mại do chính Thủ tướng Johnson ký vào năm ngoái; và cắt giảm viện trợ nước ngoài…

Mặc dù vậy, giờ đây, ông Johnson đứng trước cơ hội vàng thực sự để viết một chương mới trong câu chuyện về sự quay trở lại với cộng đồng quốc tế của nước Anh thời hậu Brexit, với tư cách là quốc gia đấu tranh cho thế giới dân chủ tự do và người bảo vệ các giá trị phương Tây.

Tham vọng đi đầu trong cuộc chiến chống biến đổi khí hậu

Hội nghị thượng đỉnh Nhóm các nước công nghiệp hàng đầu thế giới (G7) diễn ra ở khu vực Cornwall miền Tây Nam nước Anh là cuộc gặp trực tiếp lớn đầu tiên của lãnh đạo các nền kinh tế lớn nhất thế giới kể từ khi đại dịch COVID-19 bắt đầu. Đây cũng là chuyến công du nước ngoài đầu tiên của Tổng thống Mỹ Joe Biden.

Các quan chức Chính phủ Anh không thể vui mừng hơn khi một sự kiện quan trọng như vậy được tổ chức trên đất nước của họ vào đúng thời điểm Xứ sở sương mù cần có vai trò lãnh đạo toàn cầu để dẫn dắt sự phục hồi sau cuộc khủng hoảng quốc tế tồi tệ nhất kể từ Chiến tranh thế giới thứ hai.

Thông điệp trọng tâm trong các ưu tiên chính sách của ông Johnson là không thể rõ ràng hơn; đó là nước Anh sẽ sử dụng vai trò Chủ tịch G7 để chiến đấu và xây dựng lại tốt hơn sau đại dịch COVID-19. Điều này phản ánh một động lực đầy tham vọng và lạc quan của các quốc gia dân chủ và giàu có trong việc xây dựng lại cộng đồng toàn cầu theo cách không bỏ các quốc gia nghèo lại phía sau.

Đội ngũ của ông Johnson dường như không tìm kiếm các chính sách gây chú ý hay các thông báo mơ hồ không thực hiện được. Họ thực sự tin rằng việc tổ chức hội nghị thượng đỉnh vào thời điểm khủng hoảng quốc tế có nghĩa là họ có cơ hội để thay đổi sự đồng thuận chính trị trong việc hoạch định chính sách và để các quốc gia dân chủ lớn đi đầu trong việc giải quyết những thách thức lớn và lâu dài nhất thế giới đang phải đối mặt.

Họ tin rằng thực hiện hành động ngay bây giờ sẽ có nghĩa là các quốc gia này có thể xây dựng lại xã hội theo cách của riêng mình và giảm thiểu các mối đe dọa từ các đối thủ chống lại nền dân chủ như Trung Quốc và Nga.

[Điểm đến toàn cầu trong tham vọng hậu Brexit của nước Anh có thực tế?]

Họ hy vọng xây dựng trên những kết quả đã đạt được của các bộ trưởng tài chính, những người đã nhóm họp tại London trước thềm hội nghị thượng đỉnh và đã nhất trí ủng hộ một mức thuế tối thiểu toàn cầu thấp nhất là 15% đối với các công ty đa quốc gia. Nhóm này cũng đồng ý rằng các công ty lớn nhất nên trả thuế ở nơi tạo ra doanh thu, chứ không chỉ ở nơi có sự hiện diện thực tế.

Trong khi ông Johnson sẽ nói về sự thịnh vượng ngày càng tăng ở tất cả mọi nơi trên toàn cầu và ủng hộ các giá trị dân chủ theo nghĩa khá rộng, thì kế hoạch được cân nhắc kỹ lưỡng nhất trong chương trình nghị sự G7 của ông là về vấn đề mà Thủ tướng nói là “nằm trong tim mình”: Vấn đề biến đổi khí hậu.

Biến đổi khí hậu là vấn đề tác động đến hầu hết mọi ưu tiên chính sách của mọi quốc gia phát triển. Đây cũng là một trong những lĩnh vực mà Anh có thể đảm nhận việc dẫn dắt quốc tế một cách đáng tin cậy.

Ông David Liddington, cựu Phó Thủ tướng Anh, cho biết: “Ông Boris Johnson đã xác định chính xác rằng chính sách khí hậu là một chiến thắng dễ dàng vì tất cả mọi người đều đồng ý rằng cần phải hành động khẩn cấp. Nhưng đó cũng là một bước đi rất thông minh của nước Anh. Chúng ta có thành tích đáng nể về biến đổi khí hậu. Rất nhiều nhà khoa học và nhà nghiên cứu giỏi nhất đang làm việc tại các trường đại học, vì vậy đây cũng là một cơ hội lớn để đổi mới kinh tế trong nước."

Nước Anh cũng sẽ đăng cai tổ chức Hội nghị về Biến đổi Khí hậu của Liên hợp quốc COP26 vào tháng 11 năm nay. Một cố vấn cấp cao của Thủ tướng đã nói với CNN: "G7 là sự khởi đầu của 6 tháng ngoại giao dẫn đến COP26." Họ giải thích rằng ông Johnson coi năm nay là cơ hội để thiết lập "vị trí mới của nước Anh trên thế giới" và dẹp bỏ lo ngại rằng nước này là một quốc gia đang thoái lui.

Đặt chương trình nghị sự về khí hậu của ông Johnson trong bối cảnh quốc tế, vị cố vấn này cho biết ưu tiên hàng đầu là gây áp lực đối với các quốc gia giàu có để hoàn thành mục tiêu của Liên hợp quốc nhằm huy động 100 tỷ USD mỗi năm giải quyết vấn đề biến đổi khí hậu, với thời hạn đặt ra là năm 2020, nhưng đã không thực hiện được.

Biến đổi khí hậu là một vấn đề lớn, ảnh hưởng đến mọi thứ, từ an ninh quốc tế đến sự thịnh vượng về kinh tế, vì vậy đó là lý do tại sao vấn đề này là trọng tâm của chương trình nghị sự của ông Johnson cho G7.

Mặc dù Anh có thành tích đáng tin cậy về biến đổi khí hậu, nhưng bản thân ông Johnson đã bị chỉ trích vì các chính sách và hành động trái ngược với những tuyên bố hùng hồn. Ông Johnson và chính phủ của mình đã bị chỉ trích khi ban đầu không can dự vào kế hoạch xây dựng mỏ than sâu đầu tiên ở Anh trong vòng 30 năm, sau đó chỉ đổi ý và yêu cầu điều tra công khai sau khi bị gây áp lực.

Trong khi đó, cơ quan giám sát Quốc hội They Work For You cho rằng với tư cách là một thành viên của Quốc hội, ông Johnson "thường bỏ phiếu chống lại các biện pháp ngăn chặn biến đổi khí hậu" trong giai đoạn từ năm 2004 đến năm 2020.

Phát triển hơn nữa các mối quan hệ thương mại sẵn có

Trong khi đó, theo tờ Nikkei Asia, việc kim ngạch xuất khẩu của Vương quốc Anh sang EU giảm mạnh sau khi Anh rời khỏi EU đang góp phần đẩy nhanh các cuộc tranh luận trong nội bộ nước này về việc có nên tham gia Hiệp định Đối tác Toàn diện và Tiến bộ xuyên Thái Bình Dương (CPTPP).

Cơ hội để nước Anh thiết lập vị thế mới trên trường thế giới ảnh 2Ảnh minh họa. (Nguồn: THX/TTXVN)

Ngày 1/6 vừa qua, cơ quan ra quyết định hàng đầu của CPTPP đã đồng ý chính thức bắt đầu xem xét liệu Vương quốc Anh có đáp ứng các yêu cầu để gia nhập hiệp hiệp định thương mại tự do gồm 11 thành viên này hay không. Có thể thấy, Chính phủ của Thủ tướng Johnson đã không lãng phí thời gian để công khai những lợi thế của CPTPP.

Bộ trưởng Thương mại Quốc tế Anh Liz Truss nói: “Chúng ta sẽ có tất cả các lợi ích khi tham gia một khu vực thương mại tự do tiêu chuẩn cao, nhưng không phải từ bỏ quyền kiểm soát biên giới, tiền bạc hay luật pháp.” Sự di chuyển tự do của những người nhập cư vào Vương quốc Anh và quy tắc do các quan chức trong Ủy ban châu Âu (EC) đặt ra là hai vấn đề nổi bật đã kích hoạt cuộc bỏ phiếu về việc Anh rời EU.

thuận "càng sớm càng tốt." Bên cạnh đó, Vương quốc Anh cũng muốn thúc đẩy các thỏa thuận thương mại khác với Australia - một nước thành viên CPTPP - và Ấn Độ.

Các số liệu thống kê chính thức cho thấy trong quý 1/2021, kim ngạch xuất khẩu hàng hóa của Anh đã giảm 11% so với cùng kỳ năm trước xuống còn 73,4 tỷ bảng Anh (khoảng 103,9 tỷ USD). Đáng chú ý, xuất khẩu sang EU giảm tới 16%. So với quý đầu tiên của năm 2019, thời điểm dịch COVID-19 chưa bùng phát, xuất khẩu của Anh sang EU đã giảm gần 30%.

Chính phủ Anh khẳng định chưa có đủ dữ liệu để xác định các tác động lâu dài. Tuy nhiên, từ các số liệu thống kê, có thể thấy tác động tức thời rất lớn của các hàng rào phi thuế quan đã xuất hiện sau giai đoạn chuyển tiếp của Brexit.

Mặc dù Vương quốc Anh vẫn có thể xuất khẩu hàng hóa sang EU với mức thuế 0%, nhưng các lô hàng phải trải qua các thủ tục kiểm tra hoàn toàn mới, chẳng hạn như kiểm tra chất lượng đối với thực phẩm và hàng hóa sản xuất. Các thủ tục rườm rà đã làm tăng chi phí và làm giảm kim ngạch xuất khẩu đối với nhiều ngành công nghiệp Anh.

Trong khi đó, hoạt động thương mại với các quốc gia trong CPTPP đang có triển vọng tốt hơn. Vương quốc Anh đã duy trì xuất khẩu sang các quốc gia CPTPP với kim ngạch xuất khẩu gần như không thay đổi so với một năm trước. Trong quý đầu tiên của năm 2021, xuất khẩu sang Ấn Độ đã tăng 23% so với cùng kỳ năm trước.

Vương quốc Anh mong muốn ký kết hiệp định thương mại tự do với Ấn Độ như một phần của mối quan hệ song phương đang tăng cường. Vào cuối tháng trước, Chính phủ Anh đã bắt đầu tiếp nhận ý kiến đóng góp từ công chúng về thỏa thuận thương mại với Ấn Độ trong khoảng thời gian 14 tuần.

Hơn nữa, năm nay, Hải quân Anh sẽ điều động một nhóm tác chiến tàu sân bay do tàu sân bay HMS Queen Elizabeth dẫn đầu đến khu vực Ấn Độ Dương-Thái Bình Dương. Vương quốc Anh có kế hoạch lấy lòng tin của các quốc gia Ấn Độ Dương-Thái Bình Dương bằng cách đóng góp vào các cuộc tuần tra tự do hàng hải. Thông qua đó, Vương quốc Anh có thể khai thác sự phát triển của các quốc gia châu Á, chẳng hạn như các nước thành viên CPTPP gồm Nhật Bản, Australia, Brunei, Canada, Chile, Malaysia, Mexico, New Zealand, Peru, Singapore và Việt Nam.

Cơ hội để nước Anh thiết lập vị thế mới trên trường thế giới ảnh 3Tàu ngầm hạt nhân HMS Vengeance của hải quân Anh.(Nguồn: The Guardian)

Mặc dù vậy, hiện vẫn còn quá sớm để khẳng định liệu các thỏa thuận thương mại giữa Anh với CPTPP và Ấn Độ có diễn ra suôn sẻ hay không. Trong khi đó, Anh dự kiến sẽ đạt được thỏa thuận với Australia về hiệp định thương mại tự do song phương trong tháng này. Tuy nhiên, một nhóm lợi ích đại diện cho nông dân Anh đã phản đối việc mở cửa thị trường nội địa cho thịt bò và thịt cừu của Australia. Vấn đề này từng gây ra một cuộc tranh cãi lớn trong Nội các của Thủ tướng Anh Boris Johnson.

Cơ hội khôi phục lại danh tiếng trên trường quốc tế

Ngoài vấn đề khí hậu và thương mại, các quan chức chính phủ nhận thức sâu sắc rằng 5 năm hỗn loạn chính trị do Brexit gây ra có thể đã ảnh hưởng đến quan điểm quốc tế của Anh.

"Không còn nghi ngờ gì, Brexit đã gây bối rối và đôi khi là bất an cho các đối tác quốc tế thân cận nhất của Anh, đặc biệt là Mỹ - quốc gia coi Anh là đối tác an ninh quan trọng nhất ở châu Âu và cũng được coi là được trang bị tốt nhất để thể hiện tinh thần và sức mạnh của các giá trị tự do,” Leslie Vinjamuri, Giám đốc chương trình Mỹ và châu Mỹ tại Chatham House, cho biết.

Giám đốc Vinjamuri nói thêm: "Đối với rất nhiều người Mỹ, London đã được công nhận là trung tâm toàn cầu, một thành phố có múi giờ và vị trí hoàn hảo, nơi mọi người sẽ dừng chân khi đi từ Mỹ qua Trung Đông đến châu Á.”

Tuy nhiên, đội ngũ của ông Johnson tin tưởng rằng G7 và COP26 sẽ nhắc nhở thế giới rằng Anh luôn là một đối tác đáng tin cậy và là “người bảo vệ” hệ thống quốc tế đáng tin cậy. Và như Giám đốc Vinjamuri đã nói: " Điều rất quan trọng là ông Johnson đang đi trước về khí hậu và quốc phòng."

Đồng quan điểm này, cựu Phó Thủ tướng Anh David Liddington cũng tin rằng tình hình chính trị toàn cầu hiện tại có lợi cho ông Johnson. "Mọi người đều có kẻ thù chung là virus (SARS-CoV-2), giúp làm cho những bất đồng dường như nhỏ đi. Giờ đây thậm chí còn có nhiều lo ngại hơn về Trung Quốc, những điều không tồn tại cách đây 18 tháng, và các nước EU lớn không tin Trung Quốc như Anh trong mắt các quốc gia bên ngoài châu Âu.”

Ngoài chính trị, ông Johnson còn là một người thích thể hiện trước ống kính. Việc đăng cai tổ chức sự kiện ngoại giao lớn đầu tiên trong hơn một năm và chào đón tân Tổng thống Mỹ chắc chắn nằm trong "vùng yêu thích" của ông.

Khi mọi thứ diễn ra thuận lợi, các điều kiện thực sự có lợi đối với ông Johnson và đội ngũ của ông tự tin rằng việc đăng cai G7 là một chiến thắng quảng bá cho chiến lược “Nước Anh Toàn cầu.”

Có lẽ vẫn sẽ có những luận điểm phản đối G7, mà những người gièm pha ông Johnson có rất nhiều thứ để nói. Ông Johnson đang chịu áp lực từ những người hoài nghi phong tỏa, bao gồm một số người trong chính đảng Bảo thủ của ông, yêu cầu phải chấm dứt tất cả các hạn chế phòng chống COVID-19 vào ngày 21/6, ngày đã được chính phủ đặt ra là thời hạn sớm nhất cho việc có thể dỡ bỏ tất cả các hạn chế phòng đại dịch.

Không thể phủ nhận giờ đây ông Johnson có cơ hội hiếm hoi để đạt được điều gì đó có tính chất khôi phục lại danh tiếng của nước Anh ở nước ngoài trên “sân khấu” lớn nhất này. Sự may mắn về chính trị mới đây của ông khiến giới nội bộ tự tin rằng đó sẽ là một thành công như vũ bão.

Tuy nhiên, thành công đó có thể là thoáng qua. Không loại trừ khả năng những sự kiện như thế này có xu hướng nhận được nhiều sự quan tâm, song sau đó nhanh chóng bị gạt sang một bên./.

(Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục