Cơ hội nào cho lao động nước ngoài làm việc tại Việt Nam?

Doanh nghiệp, cơ quan, tổ chức, cá nhân, nhà thầu chỉ tuyển dụng lao động nước ngoài vào vị trí công việc quản lý, điều hành, chuyên gia và lao động kỹ thuật mà người lao động Việt chưa đáp được.
Cơ hội nào cho lao động nước ngoài làm việc tại Việt Nam? ảnh 1Bà Trần Lê Thanh Trúc, Trưởng phòng Việc làm an toàn lao động, thuộc Sở Lao động, Thương binh và Xã hội thành phố phát biểu tại hội nghị. (Ảnh: Thanh Vũ/TTXVN)

Doanh nghiệp, cơ quan, tổ chức, cá nhân, nhà thầu chỉ tuyển dụng người lao động nước ngoài vào vị trí công việc quản lý, điều hành, chuyên gia và lao động kỹ thuật mà người lao động Việt Nam chưa đáp ứng được theo nhu cầu sản xuất, kinh doanh.

Đây là một trong 3 nội dung của Điều 152, Bộ luật Lao động năm 2019 được đông đảo doanh nghiệp trong, ngoài nước quan tâm trao đổi tại Hội nghị đối thoại doanh nghiệp và chính quyền thành phố do Trung tâm Xúc tiến thương mại và đầu tư thành phố (ITPC) phối hợp cùng Sở Lao động-Thương binh và Xã hội Thành phố Hồ Chí Minh tổ chức ngày 20/4.

Tại hội nghị, các doanh nghiệp cùng đại diện Sở Lao động-Thương binh và Xã hội thành phố trao đổi, làm rõ hơn về điều kiện tuyển dụng, sử dụng người lao động nước ngoài làm việc tại Việt Nam theo Điều 152, Bộ luật Lao động năm 2019. Trong đó, quy định doanh nghiệp, cơ quan, tổ chức, cá nhân trước khi tuyển dụng người lao động nước ngoài vào làm việc phải giải trình nhu cầu sử dụng lao động và được sự chấp thuận bằng văn bản của cơ quan Nhà nước có thẩm quyền.

Bên cạnh đó, yêu cầu nhà thầu trước khi tuyển và sử dụng lao động nước ngoài làm việc phải kê khai cụ thể các vị trí công việc, trình độ chuyên môn, kỹ thuật, kinh nghiệm làm việc, thời gian làm việc cần sử dụng lao động nước ngoài để thực hiện gói thầu và được sự chấp thuận bằng văn bản của cơ quan Nhà nước có thẩm quyền.

[Quy định mới về người lao động nước ngoài làm việc tại Việt Nam]

Bà Trần Lê Thanh Trúc, Trưởng phòng Việc làm an toàn lao động, Sở Lao động-Thương binh và Xã hội thành phố giải thích người lao động nước ngoài làm việc tại Việt Nam không thuộc diện cấp giấy phép lao động (theo Điều 154) phải là chủ sở hữu hoặc thành viên góp vốn của công ty trách nhiệm hữu hạn có giá trị góp vốn theo quy định của Chính phủ hoặc là Chủ tịch Hội đồng quản trị hoặc thành viên Hội đồng quản trị của công ty cổ phần có giá trị góp vốn theo quy định của Chính phủ hay Trưởng văn phòng đại diện, chịu trách nhiệm chính về hoạt động của tổ chức quốc tế, tổ chức phi Chính phủ nước ngoài tại Việt Nam.

"Trường hợp này còn được áp dụng đối với người lao động nước ngoài vào Việt Nam với thời hạn dưới 3 tháng để thực hiện chào bán dịch vụ, xử lý sự cố, tình huống kỹ thuật, công nghệ phức tạp nảy sinh làm ảnh hưởng hoặc có nguy cơ ảnh hưởng tới sản xuất, kinh doanh mà các chuyên gia Việt Nam, chuyên gia nước ngoài đang ở Việt Nam không xử lý được. Hoặc là luật sư nước ngoài đã được cấp giấy phép hành nghề luật sư tại Việt Nam theo quy định của Luật Luật sư; trường hợp theo quy định của điều ước quốc tế mà nước Việt Nam là thành viên hay người nước ngoài kết hôn với người Việt Nam, sinh sống trên lãnh thổ Việt Nam và trường hợp khác theo quy định của Chính phủ," bà Trúc chia sẻ.

Đại diện doanh nghiệp, bà Mary Tarnowka, Giám đốc điều hành Hiệp hội Doanh nghiệp Mỹ Việt Nam (AmCham) tại Thành phố Hồ Chí Minh cho rằng, cần giải thích rõ hơn một số điều khoản trong Nghị định 152/2020/NĐ-CP của Chính phủ quy định về người lao động nước ngoài làm việc tại Việt Nam và tuyển dụng, quản lý người lao động Việt Nam làm việc cho tổ chức, cá nhân nước ngoài ở Việt Nam.

Bà Mary Tarnowka đề nghị, gia hạn thêm thời gian thực hiện Nghị định nhằm tạo điều kiện cho doanh nghiệp hoạch định chiến lược, chuẩn bị cho lực lượng lao động kế thừa cần thiết.

Bà Mary Tarnowka cũng cho rằng, các chuyên gia, nhà quản lý, nhà đầu tư nước ngoài không chỉ cung cấp kỹ năng quan trọng mà họ còn là những nhà đầu tư, mở rộng đầu tư đáng tin cậy. Do đó, khuyến nghị chính quyền thành phố cùng cơ quan chức năng cần linh hoạt, đơn giản hóa trong việc cấp lại giấy phép cho người lao động nước ngoài làm việc tại Việt Nam, nhất là trong thời điểm dịch bệnh nhằm hạn chế gián đoạn hoạt động sản xuất kinh doanh, thúc đẩy sự phát triển bền vững của doanh nghiệp.

Cơ hội nào cho lao động nước ngoài làm việc tại Việt Nam? ảnh 2Kiểm tra, cách ly lao động người Trung Quốc để phòng chống bệnh COVID-19. (Ảnh: TTXVN)

Tại hội nghị, các doanh nghiệp tìm hiểu về cách thức thực hiện báo cáo giải trình nhu cầu sử dụng lao động nước ngoài, điểm lưu ý khi thực hiện; gia hạn giấy phép lao động đối với giấy phép lao động đã được cấp theo Nghị định 11/2016/NĐ-CP; thời hạn làm việc của người lao động nước ngoài như thế nào khi giấy phép lao động cấp mới và đã gia hạn, hết hạn. Nhiều doanh nghiệp đề nghị làm rõ về các điều kiện đảm bảo vị trí chuyên gia, lao động kỹ thuật, vấn đề liên quan đến chứng chỉ hành nghề, văn bản xác định kinh nghiệm, bằng cấp, chuyên môn…

Làm rõ các vấn đề của doanh nghiệp, bà Trần Lê Thanh Trúc khuyến nghị, doanh nghiệp trước tiên cần thực hiện đúng theo Bộ luật Lao động và Nghị định của Chính phủ. Riêng một số vấn đề vướng mắc của doanh nghiệp sử dụng người lao động nước ngoài sẽ được tổng họp và báo cáo Bộ Lao động-Thương binh và Xã hội.

"Sở Lao động-Thương binh và Xã hội thành phố cố gắng hướng dẫn cụ thể nhất bằng văn bản hoặc trực tiếp theo yêu cầu của doanh nghiệp để từng bước tháo gỡ khó khăn nhằm góp phần thực hiệu quả chủ đề năm của thành phố-Năm xây dựng chính quyền đô thị và cải thiện môi trường đầu tư,” bà Trúc chia sẻ.

Theo Trung tâm Xúc tiến thương mại và đầu tư thành phố, Việt Nam nói chung, Thành phố Hồ Chí Minh nói riêng đã và đang thu hút nhiều nhà đầu tư nước ngoài, nhất là từ khi ký kết thực hiện các hiệp định thương mại tự do thế hệ mới, mở ra nhiều cơ hội cho nhà đầu tư nước ngoài, thúc đẩy sự phát triển kinh tế, xã hội thành phố.

Hội nghị lần này hướng đến hỗ trợ doanh nghiệp tháo gỡ vướng mắc liên quan đến nhu cầu sử dụng lao động nước ngoài, quy trình cấp phép, gia hạn lao động cho người nước ngoài, nhất là người quản lý, điều hành, chuyên gia, lao động kỹ thuật, có kinh nghiệm, chuyên môn khi cùng lúc triển khai thực hiện Bộ luật Lao động năm 2019 và Nghị định 152/2020/NĐ-CP của Chính phủ./.

(TTXVN/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục