Cổ phần hóa MobiFone: Đi sớm nhưng vẫn không lên được tàu

Câu chuyện cổ phần hóa MobiFone lần đầu tiên được đề cập cách đây đã ngót nghét 10 năm, song 10 năm qua, "con tàu" MobiFone vẫn cứ lênh đênh và không biết sẽ cập bờ bến nào.
Cổ phần hóa MobiFone: Đi sớm nhưng vẫn không lên được tàu ảnh 1Ảnh minh họa. (Nguồn: VMS)

Câu chuyện cổ phần hóa MobiFone lần đầu tiên được đề cập có lẽ đã ngót nghét 10 năm. Quyết định đầu tiên mang số 591/QĐ-BBCVT ngày 30/5/2005 về việc cổ phần hóa MobiFone sau đó là quyết định số 884/QD-BBCVT ngày 11/8/2005 về thành lập ban chỉ đạo việc cổ phần hóa.

Từ hai quyết định này, đến nay đã gần 10 năm và hầu như mọi thứ vẫn giẫm chân tại chỗ.

Bài 1: Gần một thập kỷ kinh doanh thấp thỏm chờ... cổ phần

Câu chuyện cổ phần hóa MobiFone đến nay giống như là chuyện phim truyền hình dài kỳ, mà bỏ qua vài chục tập vẫn hoàn toàn có thể nắm bắt được nội dung chính và cũng chẳng bỏ qua chi tiết nào đắt giá.

Điểm lại những mốc chính

Ngày 9/6/2006, MobiFone trình lên Ban chỉ đạo phương án nguyên tắc cổ phần hóa. Sau đó một tháng, ngày 11/7/2006 Bộ Bưu chính viễn thông trình lên Thủ tướng Chính Phủ (Công văn 1343/TTr/BBCVT).

Tháng 12 năm 2006, MobiFone trình phương án lựa chọn tư vấn cổ phần hóa và đến 20/3/2007, Tập đoàn Bưu chính Viễn thông Việt Nam-VNPT đã phê duyệt phương án lựa chọn.

Tuy nhiên hơn 1 năm sau đó, thì phương án mới được phê duyệt và Tập đoàn Credit Suisse đã trúng thầu với giá trị là vào khoảng 50.000 USD.

Cuối năm 2008, MobiFone và nhà tư vấn đã báo cáo kết quả xác định giá trị doanh nghiệp gửi ban chỉ đạo cổ phần hóa và VNPT (công văn 5338/KTTKTC ngày 12/12/2008).

Việc xác định giá trị doanh nghiệp này được dưa trên các tiêu chí: Xác định giá trị doanh nghiệp và thời điểm xác định; phương án cổ phần lần 1, thời điểm IPO, đối tượng mua cổ phiếu, cơ cấu bán cổ phiếu, phương thức định giá, phương thức chọn nhà đầu tư chiến lược.

Theo đó, tài sản MobiFone được định giá (giá trị dòng tiền triết khấu/ DCF- Discourted Cash Flow) theo hướng dẫn của Bộ tài chính là hơn 11,600 nghìn tỷ đồng.

DCF theo hướng dẫn của thông tư 146 vào khoảng gần 13 nghìn tỷ đồng, DCF theo quốc tế từ trên 20 nghìn tỷ đồng đến trên 47 nghìn tỷ đồng, DCF theo các công ty có giá trị tương đương là từ 16 - gần 40 nghìn tỷ đồng và DCF theo giao dịch mua bán trên thế giới của các công ty tương đương là trên 31nghìn tỷ đồng đến gần 63 nghìn tỷ đồng.

Tại phương án này cũng có quy định về số cổ phần bán cho nhà đầu tư chiến lược cũng như các nhà đầu tư khác không quá 25% trong đó, nhà đầu tư chiến lược không quá 50% của con số này (tương đương 12,5%), cổ phần ưu đãi công đoàn (bán cho nhân viên) không quá 3%.

Nguồn tin từ MobiFone vào thời điểm này cho biết, họ đã đề nghị lên VNPT và ban chỉ đạo cổ phần hóa cho được tính DCF dựa theo hướng dẫn quy định của thông tư 146. Tuy nhiên, mọi việc đến đây dừng lại, bởi theo đại diện VNPT “Kinh doanh di động là loại hình dịch vụ nhạy cảm nên việc cổ phần hóa sẽ khó khăn hơn so với các doanh nghiệp khác. Nếu định giá không tốt, Nhà nước sẽ chịu tổn thất lớn.” 

Phương án DCF theo thông tư 146 không được phê duyệt, VNPT chọn đề nghị phương án theo chuyển nhượng trên thị trường thế giới với mức giá cao gấp 3 lần là gần 64 nghìn tỷ đồng.

Lâu la cũng chỉ bởi… tiếc

Có thể nói, từ khi biết lộ trình phải cổ phần hóa, thì MobiFone đã tiến hành rất tích cực, nhưng dù chẳng hề một tin tức nào từ MobiFone nói ra thì ai cũng biết sự ách tắc dẫn đến chậm trễ kéo dài là ở cửa nút VNPT.

Cũng dễ hiểu, chẳng ai muốn con gà đẻ trứng vàng lại ra khỏi nhà mình, trong khi đó, đàn gà quá đông lại gần như không sinh sản.

Ngoài chuyện khó định giá một doanh nghiệp viễn thông vì lo thiệt hại cho Nhà nước, thì lý do căn bản hơn cả là vai trò của Mobifone tại VNPT là quá lớn khi cơ cấu doanh thu và lợi nhuận của Mobifone chiếm tới gần 80% tỷ trọng. Cụ thể, năm 2012, VNPT lãi 8500 tỷ đồng thì có tới 6.600 tỷ đồng góp của MobiFone.

Và thế là, việc cổ phần hóa MobiFone hô quyết tâm năm này sang năm khác cho tới tận 8 năm vẫn cứ trì hoãn, dù đã trải qua hầu hết các bước cần thiết về thủ tục.

Nút bấm cuối cùng là khởi động cho kế hoạch phát hành cổ phiếu lần đầu (IPO) và lựa chọn đối tác chiến lược là cứ treo lơ lửng đó. Để rồi đến cuối 2012, VNPT gửi một đề án tái cấu trúc hoàn toàn mới lên Chính phủ, trong đó đề nghị không cổ phần hóa Mobifone mà cho sáp nhập với mạng Vinaphone (cũng do tập đoàn sở hữu) để cổ phần hóa toàn bộ tập đoàn.

Tham thì… thâm

Đề án tái cấu trúc mới của VNPT đã thực sự gây bất bình cho tất cả từ các cơ quan quản lý đến chuyên gia kinh tế và cải cách hành chính, kinh tế vĩ mô.

Tiến sỹ Võ Trí Thành, Phó Viện trưởng Viện nghiên cứu và quản lý kinh tế Trung ương nhận định: Việc sáp nhập hai nhà mạng lớn này không những chỉ vi phạm Luật Cạnh tranh mà còn là một xu hướng tiêu cực, đi ngược lại việc cải cách doanh nghiệp, ảnh hưởng đến sự phts triển nền kinh tế.

Cũng vì lý do này, chẳng những Chính phủ không đồng ý với đề án của VNPT mà còn yêu cầu tách ngay lập tức MobiFone ra khỏi tập đoàn này đồng thời cũng không đồng ý đề xuất MobiFone phải đèo bóng gánh thêm những nợ nần của các đơn vị đang thua lỗ của VNPT.

Theo kết luận của Thủ tướng, nhà mạng lớn tuổi nhất Việt Nam sẽ là một doanh nghiệp độc lập để cổ phần hóa, VNPT không còn nắm cổ phần.

Lượng hóa, sẽ thấy con số mà VNPT mất không hề nhỏ, đơn cử năm 2013, lợi nhuận VNPT chỉ có khoảng 9.265 tỷ đồng thì số góp của MobiFone đã hơn 6.000 tỷ đồng.

Nếu như, VNPT thực hiện cổ phần hóa MobiFone từ năm 2006 thì tập đoàn này vẫn có thể giữ tới 80% cổ phần.Còn bây giờ, sau khi tách khỏi VNPT, MobiFone sẽ trực thuộc Bộ Thông tin và Truyền thông, điều này đồng nghĩa với việc nhà mạng này sẽ vẫn là doanh nghiệp Nhà nước và Nhà nước sẽ nắm cổ phần chi phối, nhưng VNPT thì trắng tay.

Vẫn cố tình trì hoãn và gây khó?

Có thể nói dù vẫn luôn thể hiện trên mặt báo "quyết tâm" cổ phần hóa MobiFone, nhưng thực tế VNPT đã có rất nhiều động thái trì hoãn thông qua hàng loạt các đề án tái cơ cấu và cổ phần hóa mang những nội dung khác nhau và các phương án gây tranh cãi.

Đương nhiên, các đề án này cái này kế tiếp cái kia không được phê duyệt và rồi lại “nghiên cứu từ đầu.”

Mỗi lần như vậy nhanh thì 1-2 năm, chậm cũng 3-4 năm nên cả một thập kỷ trôi qua, MobiFone vẫn cứ làm đề án, vẫn kinh doanh trong một cơ chế thấp thỏm chưa rõ ra sao...

Nguyên thứ trường Bộ Bưu chính Viễn Thông, tiến sỹ Mai Liêm Trực khi đề cập vấn đề này cũng tỏ ra vô cùng tiếc nuối: "VNPT đã bỏ lỡ cơ hội chiếm đa số phần kiểm soát vào năm 2006, và như vậy không những có thế mạnh cho VNPT chung, mà còn tập trung được nhân tài vật lực cho mạng VinaPhone để có thể bật lên mang lại lợi ích nhiều mặt cho điều này sẽ có lợi cho VNPT và cả xã hội."

Nhưng, mặc dù Chính phủ đã chính thức quyết định tách MobiFone khỏi VNPT doanh nghiệp này cũng sẽ không phải gánh theo những đơn vị thua lỗ của VNPT và sẽ trực thuộc Bộ Thông tin và Truyền thông, do Bộ này thực hiện chức năng quản lý nhà nước theo Nghị định 99 của Chính phủ.

Nhưng VNPT vẫn có vẻ chưa buông tay, và những “nước cờ” tính toán đang khiến việc cổ phần hóa MobiFone bỗng nhiên, xa lại càng xa, và nội bộ trở nên rối như canh hẹ trước những đổi thay về nhân sự mà không ai biết sẽ dẫn con tàu MobiFone đến bờ bến nào?

Bài 2: Cổ phần hóa MobiFone, vé trong tay mà tiếp tục lỡ chuyến

(Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục