Bên lề Hội nghị phổ biến Luật Báo chí năm 2016 diễn ra ngày 7/11 tại Hà Nội, ông Lưu Đình Phúc, Cục trưởng Cục Báo chí (thuộc Bộ Thông tin và Truyền thông) đã chia sẻ một số thông tin liên quan tới việc 50 cơ quan báo chí bị xem xét xử phạt trong vụ việc đưa tin sai sự thật về nước mắm nhiễm asen.
Trước câu hỏi của phóng viên VietnamPlus, ông Phúc khẳng định việc xử lý này được thực hiện theo đúng quy định của pháp luật về báo chí.
Người đứng đầu Cục Báo chí cho biết, nếu báo chí đăng lại lời của những người phát ngôn, người được ủy quyền phát ngôn của cơ quan hành chính nhà nước thì không phải chịu trách nhiệm về những nội dung đã đăng.
Trong trường hợp thông tin từ VINASTAS, tổ chức này không phải là cơ quan hành chính nhà nước lại công bố khảo sát liên quan tới chức năng của cơ quan về an toàn thực phẩm của Bộ Y tế.
Ngoài ra, khi đăng tải thông tin, một số báo lại rút tít sai lệch bản chất. Ví dụ như thông tin đưa ra là trong nước mắm tỷ lệ đạm cao thì lượng asen lớn, nhưng tít bài báo lại là nước mắm có chất gây ung thư hoặc thạch tín có tỷ lệ vượt ngưỡng cho phép…
Ông Phúc cho rằng, việc rút tít như vậy có tác động rất lớn tới ngành sản xuất kinh doanh nước mắm truyền thống cũng như gây hoang mang trong dư luận xã hội. Những thông tin này cơ quan báo chí đăng tải và lan truyền rất rộng gây ra tác hại rất lớn. Chính vì vậy, cần phải gỡ bài, cải chính kịp thời để hạn chế hậu quả của thông tin đưa ra.
Trước đó, chiều 4/11, Thủ tướng Chính phủ yêu cầu Bộ Thông tin và Truyền thông xử lý nghiêm các cơ quan báo chí, gồm cả tập thể và cá nhân đưa thông tin thiếu trung thực về chất lượng nước mắm, gây ảnh hưởng tiêu cực tới sản xuất kinh doanh và đời sống xã hội./.