Cơn khát "thần dược"

“Cơn khát” ngà voi và sừng tê giác ở Trung Quốc

Tăng trưởng kinh tế ở Trung Quốc đã dẫn tới nguy cơ tuyệt chủng của các loại động vật quý hiếm có tên trong sách đỏ như tê giác.

Doanh số buôn bán sừng tê giác và ngà voi - những thứ được coi là "thần dược" tại các nước phương Đông, đã tăng gấp đôi ở hai thành phố Quảng Châu và Phúc Châu, theo một nghiên cứu mới đây, làm dấy lên lo ngại cho số phận của những loài động vật châu Phi đang trong sách đỏ này.

Báo Anh Guardian dẫn lời các tác giả của nghiên cứu mới thông báo số vật phẩm bằng ngà voi được rao bán ở một số thị trường chủ yếu miền nam Trung Quốc đã tăng gấp đôi kể từ năm 2004, hầu hết là buôn bán bất hợp pháp. Nghiên cứu được công bố cùng lúc với những thông tin về tình trạng săn trộm gia tăng mạnh ở châu Phi và các vụ ăn cắp sừng tê giác tại châu Âu ngày càng phổ biến.

Dựa trên các kết quả nghiên cứu, nhóm nghiên cứu đã kêu gọi Trung Quốc siết chặt hơn nữa luật cấm buôn bán ngà voi, coi đó là một động thái sống còn để giảm số voi bị săn bắn bất hợp pháp. Nghiên cứu được công bố ngay trước hội nghị của Cites, tổ chức chuyên theo dõi việc buôn bán các loài hoang dã quý hiếm, tại Geneva, Thụy Sĩ.

Esmond Martin, một chuyên gia về buôn bán ngà voi và sừng tê giác cùng cộng sự Lucy Vigne đã tiến hành thăm dò ở các cơ sở trạm khắc và bán ngà voi tại Quảng Châu và Phúc Châu vào tháng 1. Tại Quảng Châu, họ xác định số ngà voi hàng hóa đã tăng gấp đôi so với năm 2004, hầu hết đều không có giấy tờ hợp pháp và không được đăng ký với cơ quan chức năng.

Tại riêng Quảng Châu, trong số 6.437 sản phẩm ngà voi trên thị trường, 61% là được buôn bán bất hợp pháp. Nghiên cứu được tài trợ bởi hai tổ chức bảo tồn thiên nhiên ở Anh, Elephant Family (Gia đình voi) và Aspinall Foundation, cùng Sở thú và công viên thủy sinh Columbus ở bang Ohio, Mỹ.

Ngà voi bị cấm buôn bán quốc tế từ năm 1990, nhưng những năm gần đây, các vụ đấu giá ngà những con voi chết vì lý do tự nhiên hoặc tịch thu từ bọn săn trộm đã được cho phép tại một số nước châu Phi. Các thương nhân Trung Quốc mua khoảng 62 tấn ngà voi vào năm 2008 từ Namibia, Botswana và Nam Phi.

Những người ủng hộ nói tiền thu được từ các cuộc bán đấu giá có thể được đầu tư trở lại cho công tác bảo tồn, nhưng những người phản đối cho rằng nó chỉ khuyến khích việc săn trộm.

Martin nói với Guardian: “Thật sốc khi biết rằng buôn bán lẻ ngà voi không được kiểm soát ở nam Trung Quốc. Trung Quốc tiếp tục là nhà nhập khẩu ngà voi lớn nhất thế giới, hầu hết từ châu Phi, và cả từ các loài voi bị đe dọa nghiêm trọng ở châu Á. Công tác thanh kiểm tra các cửa hàng không cần nhiều tiền bạc và nhân lực có thể giúp giảm tình trạng buôn bán bất hợp pháp một cách đáng kể nếu được tiến hành hiệu quả và nhờ thế sẽ làm giảm việc săn trộm voi.”

Tình trạng săn trộm tê giác cũng tăng mạnh ở châu Phi. Giá sừng tê giác đã tăng nhanh ở vùng Viễn Đông, nơi nó được coi là loại dược liệu thần kỳ. Ngay ở châu Phi, giá sừng tê giác cũng đã đắt hơn cocaine nguyên chất nếu tính theo cân nặng. Tổ chức theo dõi việc săn trộm thú hoang dã Traffic đã thông báo có 333 con tê giác bị giết chết trong năm 2010 và 193 con trong 6 tháng đầu năm nay. Cả năm 2007, chỉ có 13 con tê giác bị săn trộm.

Ngoài ra, cũng đã có hơn 20 vụ trộm ở các bảo tàng và những cửa hàng bán đấu giá tại châu Âu, tại các nước Anh, Đức, Bỉ, Italy và Thụy Điển. Bảo tàng lịch sử tự nhiên London đã phải thay sừng tê giác xịn bằng sừng giả trong khi Bảo tàng Horniman ở tây nam London đã cất giữ tất cả bộ sưu tập sừng và ngà voi.

Cảnh sát cho rằng hầu hết sừng tê giác và ngà voi bị ăn trộm đã được tuồn ra nước ngoài. Tháng 10 năm ngoái, một tên trộm, Donald Allison, đã bị bắt giam 12 tháng khi tìm cách buôn lậu hai sừng tê giác sang châu Á./.

Tại riêng Quảng Châu, trong số 6.437 sản phẩm ngà voi trên thị trường, 61% là được buôn bán bất hợp pháp.

Các thương nhân Trung Quốc mua khoảng 62 tấn ngà voi vào năm 2008 từ Namibia, Botswana và Nam Phi.

Tổ chức theo dõi việc săn trộm thú hoang dã Traffic đã thông báo có 333 con tê giác bị giết chết trong năm 2010 và 193 con trong 6 tháng đầu năm nay. Cả năm 2007, chỉ có 13 con tê giác bị săn trộm.

 
Trần Trọng (Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục