Công dân Thủ đô ưu tú-GS Hoàng Chương: Trái tim vang nhịp trống tuồng

Danh hiệu Công dân Thủ đô ưu tú một lần nữa khẳng định những đóng góp to lớn của giáo sư Hoàng Chương trong việc bảo tồn và phát huy văn hóa truyền thống dân tộc.
Công dân Thủ đô ưu tú-GS Hoàng Chương: Trái tim vang nhịp trống tuồng ảnh 1Giáo sư Hoàng Chương luôn trăn trở với nghệ thuật truyền thống. (Ảnh: hanam.gov.vn)

Khi vở bài chòi cổ “Thoại Khanh-Châu Tuấn” được biểu diễn vào đúng dịp kỷ niệm 1.000 năm Thăng Long-Hà Nội, nhân dân Thủ đô mới thực sự hiểu thế nào là bài chòi với những lớp lang truyền thống.

Đó là kết quả của quá trình nghiên cứu và tâm huyết nhiều năm của giáo sư Hoàng Chương. Ông cũng là người phục hưng nghệ thuật múa rối nước Đông Anh, tuồng cổ Thạch Thất, những điệu múa cổ Thăng Long…

Với những đóng góp cho văn hóa dân tộc nói chung và văn hóa Hà Nội nói riêng trong suốt những năm qua, giáo sư Hoàng Chương được Ủy ban nhân dân thành phố Hà Nội trao tặng danh hiệu Công dân Thủ đô ưu tú năm 2021.

Lớn lên cùng câu hát bội

Đã 3 năm kể từ khi bị tai biến, vị giáo sư từng hát tuồng sang sảng trên đất Mỹ nay ngồi trên xe lăn để tiếp nhận danh hiệu. Ông không giấu nổi sự xúc động và tự hào khi trở thành Công dân Thủ đô ưu tú. Giáo sư nở nụ cười hồn hậu cho rằng đó là sự ghi nhận đặc biệt dù ông không sinh ra ở Hà Nội.

Giáo sư Hoàng Chương sinh ra ở Bình Định, mảnh đất địa linh nhân kiệt, “cái nôi” của nghệ thuật tuồng với những danh nhân nổi tiếng như Ðào Duy Từ, Ðào Tấn, Nguyễn Diêu... Từ nhỏ, ông đã sống trong những làn điệu hát bội (tuồng), bài chòi. Tình yêu với nghệ thuật truyền thống bắt nguồn từ đó.

Công dân Thủ đô ưu tú-GS Hoàng Chương: Trái tim vang nhịp trống tuồng ảnh 2Giáo sư Hoàng Chương ngồi trên chiếc xe lăn dự lễ vinh danh Công dân Thủ đô ưu tú” năm 2021. (Ảnh: Nguyễn Điệp/TTXVN)

Chính niềm đam mê này đã thôi thúc chàng trai trẻ Hoàng Chương ở tuổi 15 thi vào trường âm nhạc tỉnh, rồi tham gia vào thiếu sinh quân và Đoàn văn công Liên khu V, sau đó theo học trường Đại học Sân khấu Liên Xô (1962-1964), làm nghiên cứu sinh ở Romania...

Với quan niệm “một quốc gia không có văn hóa thì sẽ không tồn tại,” ông dành cả cuộc đời để tìm tòi, nghiên cứu, bảo vệ những di sản nghệ thuật truyền thống như tuồng, chèo, cải lương, dân ca kịch, bài chòi, ca Huế, ví dặm,…

[Giáo sư Hoàng Chương - Anh hùng Lao động thời kỳ đổi mới]

Trong hơn 60 năm làm việc không mệt mỏi, gia sản của ông là hơn 20 công trình nghiên cứu về văn hóa dân tộc, gây tiếng vang trong và ngoài nước. Không chỉ chủ trì nhiều hội thảo khoa học và các chương trình đào tạo trong nước, ông còn giảng dạy về nghệ thuật truyền thống Việt Nam ở nhiều trường đại học tại Mỹ, Anh, Pháp, Đức, Hàn Quốc, Nhật Bản…

Ông tâm sự: “Tôi đam mê trọn đời với nghệ thuật truyền thống. Và tôi hiểu rằng cần gìn giữ và phát huy vốn quý này không chỉ ở trong nước mà còn ở nước ngoài để bạn bè quốc tế hiểu và càng trân trọng hơn nét đẹp truyền thống văn hóa dân tộc Việt Nam.”

Khi đang là Viện trưởng Viện Nghiên cứu Bảo tồn và Phát huy Văn hóa Dân tộc, Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch đã cho phép ông thực hiện dự án “Phục hồi nghệ thuật bài chòi ở Hà Nội.” Trong hai năm 2010-2011, giáo sư Hoàng Chương đã đưa đoàn nghệ nhân bài chòi từ Bình Định ra Hà Nội để tổ chức hội đánh bài chòi dân gian. Đó là lần đầu tiên, hội đánh bài chòi dân gian Bình Định được quảng bá ở Thủ đô.

Bên cạnh đó, ông còn kết nối các nghệ nhân, nghệ sỹ để khôi phục tuồng Bắc, làm cơ sở xây dựng Nhà hát Tuồng Việt Nam hiện nay; phục dựng các điệu múa cổ Thăng Long, chấn hưng làng rối nước Đào Thục…

U90 đau đáu bảo tồn di sản

Dù sức khỏe không tốt nhưng giáo sư Hoàng Chương vẫn say sưa nói về những dự án mà mình đã thực hiện. Vừa nói, vừa nghỉ, lúc nào mệt thì ông lấy giấy bút ra và viết. Việc đi lại của giáo sư khá khó khăn nhưng đôi tay, đôi mắt của ông vẫn rất linh hoạt. Giáo sư vẫn đọc sách, ghi chép hàng ngày.

Công dân Thủ đô ưu tú-GS Hoàng Chương: Trái tim vang nhịp trống tuồng ảnh 3(Từ trái sang) Nhạc sỹ Nguyễn Quang Long, nhà nghiên cứu Nguyễn An Pha, giáo sư Hoàng Chương và nhạc sỹ Đào Minh Tâm ghi hình phóng sự về bài chòi năm 2012. (Ảnh: NS Nguyễn Quang Long cung cấp)

Ông từng chia sẻ bí quyết giữ gìn sức khỏe và lao động hiệu quả là phải “biết sống,” sống vui, sống khỏe, sống vì mình và vì mọi người. Ông cũng rất chăm chỉ tập thể dục. Giờ đây, ông vẫn không ngừng rèn luyện đôi tay và trí óc của mình.

Khi được hỏi về vấn đề bảo tồn và phát huy các loại ca kịch truyền thống hiện nay, ông im lặng hồi lâu rồi nói: “Nhiều người không hiểu hết thế nào là tuồng cổ.”

Gương mặt giáo sư đầy đăm chiêu, ông cho rằng những người quản lý, thực hành diễn xướng dân gian hiện nay chưa nghiên cứu sâu sắc về “cái gốc” của bộ môn nghệ thuật này.

Giáo sư Hoàng Chương đã tích lũy kiến thức về các bộ môn nghệ thuật dân gian từ khi còn nhỏ. Sau này, thời gian công tác ở Nhà hát Tuồng Trung ương, Viện Nghiên cứu Sân khấu Việt Nam, Tạp chí Văn hiến… đã giúp ông có cơ hội học hỏi và nghiên cứu sâu hơn.

“Kiến thức mà không có thực tiễn thì chỉ là ‘kiến thức chết’. Nhà nghiên cứu phải bám lấy thực tế, phải biết tuồng, chèo, cải lương, bài chòi, ca Huế… đang tồn tại và phát triển ra sao. Muốn biết thì phải đi xem vở diễn ở các rạp, các liên hoan, hội diễn đồng thời còn phải điều tra xã hội học qua nhiều nguồn. Đó không phải là công việc dễ dàng,” ông nói.

Công dân Thủ đô ưu tú-GS Hoàng Chương: Trái tim vang nhịp trống tuồng ảnh 4Giáo sư Hoàng Chương nhận danh hiệu Anh hùng Lao động thời kỳ đổi mới. (Ảnh: TTXVN)

Chia sẻ với phóng viên VietnamPlus, giáo sư cho rằng người làm nghiên cứu và công tác quản lý, bảo tồn văn hóa phải gần gũi các nghệ nhân, nghệ sỹ - những người nắm giữ di sản.

“Phải trân trọng họ, quan tâm đến đời sống của họ, mời họ tham gia nghiên cứu với mình thì việc phục dựng, bảo tồn, quảng bá di sản mới thành công,” ông nói.

Bên cạnh nghệ thuật truyền thống, giáo sư Hoàng Chương cũng có nhiều trăn trở với dự án “Đưa văn hóa giao thông vào cộng đồng qua các phương tiện thông tin đại chúng và các hình thức văn hóa nghệ thuật.”

Kể từ năm 2017, Viện Nghiên cứu Bảo tồn và Phát huy Văn hóa Dân tộc Việt Nam đã đồng hành cùng Ủy ban An toàn Giao thông Quốc gia và các bộ ngành liên quan thực hiện lồng ghép thông điệp về văn hóa giao thông vào các tiết mục rối nước, hát xẩm, hát văn, quan họ Bắc Ninh…

Theo ý tưởng của giáo sư Hoàng Chương, dự án đã huy động các phương tiện thông tin đại chúng, các nhà báo, văn nghệ sỹ cả nước vào cuộc, cùng xây dựng nếp sống văn hóa giao thông cho cộng đồng, đặc biệt là trong thanh thiếu niên và học sinh.

Một tâm huyết nữa của giáo sư là đề án “Sân khấu học đường.” Ông từng rất phấn khởi, tự hào khi thấy các em học sinh mới 12, 13 tuổi lại có thể vào vai Thị Màu, cô Tấm, Xã trưởng, Mẹ Đốp, thậm chí còn diễn tốt cả các trích đoạn tuồng khó như Trưng Nữ Vương, Triệu Quốc Trinh, Hồ Nguyệt cô hóa cáo… Nhiều em không chỉ diễn tuồng mà còn chơi được các nhạc cụ của tuồng, đánh trống, thổi kèn, kéo nhị rất khéo léo.

Cá nhân ông chia sẻ đây là dự án mà ông gửi gắm rất nhiều kỳ vọng vào thế hệ trẻ, với mong muốn họ sẽ tiếp bước chặng đường bảo tồn văn hóa dân tộc Việt Nam mà những lớp cha anh đi trước đã mất bao công sức gây dựng.

“Đó là minh chứng của việc tri thức dân gian được trao truyền và kết nối qua các thế hệ,” ông nói.

Ở tuổi xưa nay hiếm, giáo sư Hoàng Chương vẫn cho thấy sự day dứt với văn hóa, nghệ thuật truyền thống. Sự nghiệp nghiên cứu miệt mài của giáo sư Hoàng Chương sẽ là niềm cảm hứng, thổi bùng lên ngọn lửa nhiệt huyết cho các thế hệ nghệ sỹ và công chúng yêu nghệ thuật dân tộc./.

Giáo sư Hoàng Chương (Trương Hoàng Chương) sinh năm 1934 tại Bình Định. Ông từng giữ chức vụ Phó Giám đốc Nhà hát tuồng Việt Nam, Viện trưởng Viện Nghiên cứu Sân khấu Việt Nam, Phó chủ tịch thường trực Trung ương Hội hữu nghị Việt Nam-Romania, Chủ nhiệm Tạp chí Văn hiến, Viện trưởng Viện Nghiên cứu, Bảo tồn và Phát huy văn hóa dân tộc…

Năm 2005, ông được Nhà nước trao tặng Huân chương Lao động hạng Nhất. Năm 2010, ông được tôn vinh là một trong 10 nhà khoa học xuất sắc nhất tại Đại hội Thi đua Toàn quốc-Liên hiệp các Hội khoa học kỹ thuật Việt Nam. Năm 2021, ông đã vinh dự được Chủ tịch nước trao tặng danh hiệu Anh hùng Lao động thời kỳ đổi mới và thành phố Hà Nội tôn vinh là Công dân Thủ đô ưu tú.

(Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục