Công đoàn triển khai các giải pháp đảm bảo quyền bầu cử cho công nhân

Trong đợt dịch lần thứ 4, tính đến hết ngày 18/5, cả nước ghi nhận 557 công nhân lao động nhiễm COVID-19, con số này có thể sẽ tăng lên hàng ngày do số lượng công nhân lao động F1, F2 tương đối lớn.
Ông Nguyễn Đình Khang, Chủ tịch Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam thăm hỏi công nhân lao động (Ảnh: PV/Vietnam+)
Ông Nguyễn Đình Khang, Chủ tịch Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam thăm hỏi công nhân lao động (Ảnh: PV/Vietnam+)

Địch COVID-19 lần thứ 4 đã khiến hàng chục nghìn công nhân tại các khu công nghiệp, khu chế xuất phải nghỉ việc do phải cách ly hoặc doanh nghiệp tạm ngừng hoạt động.

Phóng viên VietnamPlus đã có cuộc trao đổi với ông Nguyễn Đình Khang, Chủ tịch Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam về các biện pháp hỗ trợ nhóm lao động này bỏ phiếu bầu cử và các chính sách hỗ trợ khẩn cấp tổ chức công đoàn.

Đảm bảo quyền bầu cử của công nhân

- Ngày bầu cử Đại biểu Quốc hội và Hội đồng nhân dân sắp diễn ra trong khi dịch COVID-19 vẫn diễn biến phức tạp. Xin ông cho biết tổ chức công đoàn đã triển khai những hoạt động gì giúp công nhân lao động ở các khu công nghiệp, khu chế xuất tham gia bầu cử an toàn?

Ông Nguyễn Đình Khang: Trong thời gian từ nay đến ngày bầu cử đại biểu Quốc hội khóa XV và đại biểu Hội đồng nhân dân các cấp nhiệm kỳ 2021-2026, các cấp công đoàn phối hợp chặt chẽ với chính quyền địa phương và người sử dụng lao động triển khai đồng bộ các giải pháp, phương án về bầu cử theo hướng dẫn, chỉ đạo của Hội đồng Bầu cử Quốc gia. Đặc biệt có giải pháp, phương án cụ thể đối với công nhân lao động trong diện phải cách ly y tế.

[Video: Vận động đảm bảo an toàn cho công nhân trong dịp bầu cử]

Bên cạnh đó, các cấp công đoàn cũng nắm chắc tình hình công nhân lao động để kịp thời phản ánh đến ban chỉ đạo bầu cử ở địa phương; tuyên truyền, vận động, tạo điều kiện thuận lợi để cử tri là đoàn viên, người lao động đề cao trách nhiệm công dân, gương mẫu tham gia bầu cử theo quy định, tuân thủ quy định phòng, chống dịch tại nơi bầu cử, góp phần cùng cả nước tổ chức thành công cuộc bầu cử.

Các cấp công đoàn chủ động đề xuất với người sử dụng lao động bố trí thời gian sản xuất phù hợp, đảm bảo quyền của công nhân, lao động trong việc thực hiện quyền ứng cử, bầu cử. Các cấp công đoàn, nhất là công đoàn cơ sở tăng cường vai trò kiểm tra, giám sát và hướng dẫn công nhân, lao động khi tham gia bầu cử.

Đến nay, 100% liên đoàn lao động các tỉnh, thành phố, công đoàn ngành… đã tổ chức tuyên truyền để công nhân, viên chức, lao động hiểu các quy định của pháp luật về bầu cử, ý nghĩa quan trọng của việc bầu người đại diện cho nhân dân tham gia cơ quan quyền lực của Nhà nước cũng như quyền, trách nhiệm công dân của mỗi công nhân, viên chức, lao động.

Hỗ trợ khẩn cấp cho công nhân là F0, F1, F2

Tổng Liên đoàn nhận định như thế nào về tình hình bùng phát ổ dịch tại các khu công nghiệp trong thời gian này? Đợt COVID-19 lần thứ tư tác động đến đời sống công nhân như thế nào, thưa ông?

Ông Nguyễn Đình Khang: Từ những đợt dịch đầu tiên, chúng tôi đã đưa ra dự báo nguy cơ bùng phát dịch trong công nhân lao động là rất lớn, nhất là tại các khu công nghiệp. Do đây là nơi có mật độ công nhân tập trung lớn, di chuyển rộng, công nhân lao động lại ở cùng nhau hoặc gần nhau nên khi xuất hiện các ca bệnh F0 tốc độ lây lan sẽ càng nhanh. Có khả năng sẽ có thêm các ca dương tính trong số các F1 đã cách ly, cũng có thể có ca dương tính ngoài số đã cách ly.

Công đoàn triển khai các giải pháp đảm bảo quyền bầu cử cho công nhân ảnh 1Hòm phiếu bầu cử dành cho các trường hợp nghi nhiễm COVID-19. (Ảnh minh họa: Phan Tuấn Anh/TTXVN)

Trong đợt dịch này, tính đến hết ngày 18/5, cả nước đã ghi nhận 557 công nhân lao động nhiễm COVID-19 tại các doanh nghiệp, khu công nghiệp trên địa bàn 8 tỉnh, thành phố. Con số này có thể sẽ tăng lên hàng ngày do số lượng công nhân lao động thuộc diện F1, F2 còn tương đối lớn.

Đi kèm với số ca bệnh F0 là hàng chục nghìn công nhân lao động tại các doanh nghiệp có ca dương tính phải nghỉ việc để cách ly tập trung và cách ly tại nhà.

Trước hết, đợt dịch này đang tác động trực tiếp đến sức khỏe của khu công nghiệp. Các đối tượng F0 đang phải điều trị bệnh trong khi một bộ phận công nhân có sức đề kháng yếu là vấn đề rất đáng lo ngại.

Người lao động trực tiếp đa số là trụ cột chính của gia đình. Dịch bệnh không chỉ ảnh hưởng sức khỏe mà ảnh hưởng trực tiếp đến việc làm, thu nhập và đời sống của công nhân lao động. Ban đầu có thể công nhân lao động nghỉ việc với mức lương, thu nhập giảm, nhưng nếu lâu dài thì có thể không có lương, không có tiền trang trải cuộc sống, nguy cơ mất việc và đói nghèo là rất cao. Không chỉ vậy, dịch bệnh còn tác động trực tiếp đến việc chăm lo, học hành của con cái họ là điều rất đáng quan tâm.

- Vậy tổ chức công đoàn có các chính sách hỗ trợ cụ thể thế nào cho người lao động, đoàn viên  ông đoàn  F0, F1, F2 trong đợt dịch này, thưa ông?

Ông Nguyễn Đình Khang: Hôm qua 19/5, Đoàn Chủ tịch Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam đã ban hành Quyết định số 2606/QĐ-TLĐ về việc chi hỗ trợ khẩn cấp cho lực lượng đang phục vụ tuyến đầu chống dịch; cán bộ, đoàn viên, công nhân lao động bị ảnh hưởng bởi đợt bùng phát dịch COVID-19 lần thứ 4, kể từ ngày 27/4.

Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam quyết định  hỗ trợ lực lượng đang phục vụ tuyến đầu chống dịch gồm các cơ sở y tế, bệnh viện dã chiến, khu cách ly tập trung 10-50 triệu đồng/đơn vị. Hỗ trợ đoàn viên, người lao động là F0 đang điều trị bệnh, không vi phạm các quy định của pháp luật về phòng, chống dịch tối đa 3 triệu đồng/người.

Ngoài ra, Tổng Liên đoàn còn hỗ trợ đoàn viên, người lao động là F1 phải cách ly y tế tập trung theo quyết định của cơ quan nhà nước có thẩm quyền, không vi phạm các quy định của pháp luật về phòng, chống dịch, tối đa 1,5 triệu đồng/người.

Tổng Liên đoàn cũng hỗ trợ đoàn viên, người lao động  có quyết định phải áp dụng biện pháp cách ly y tế tại nhà theo yêu cầu của cơ quan nhà nước, có hoàn cảnh khó khăn; lao động nữ đang mang thai, người lao động nuôi con nhỏ dưới 6 tuổi; đoàn viên, người lao động buộc phải nghỉ việc do đang cư trú trong các khu vực bị phong tỏa tối đa 500.000 đồng/người.

Cán bộ công đoàn tham gia công tác chống dịch tại địa phương có dịch cũng được hỗ trợ từ 80.000-150.000 đồng/người/ngày, tùy theo cấp công đoàn, tính chất, mức độ, công việc và số ngày thực tế chống dịch.

Các cấp công đoàn đang khẩn trương cập nhật danh sách đoàn viên, người lao động bị ảnh hưởng, trước hết là thuộc các F0, F1 để có phương án hỗ trợ kịp thời. Cùng với đó, tuyên truyền, vận động các nguồn lực xã hội để chung tay với doanh nghiệp, cộng đồng xã hội kịp thời ứng phó và hỗ trợ đoàn viên, người lao động chịu ảnh hưởng của dịch bệnh COVID-19 để công đoàn thực sự là chỗ dựa vững chắc, động viên, khích lệ đoàn viên, người lao động vượt qua đại dịch.

Liên đoàn lao động các tỉnh, thành phố, công đoàn các ngành và các tổng công ty, nhất là tại 8 địa phương đang có công nhân lao động dương tính với SARS-CoV-2 đã chủ động trích kinh phí công đoàn để kịp thời hỗ trợ khó khăn, mua trang thiết bị phòng, chống dịch, động viên công nhân lao động phải nghỉ việc cách ly theo yêu cầu của cơ quan có thẩm quyền, người lao động thuê trọ, người lao động mất hoặc giảm thu nhập….

Đến nay đã có hàng trăm tỷ đồng được các công đoàn ngành, địa phương chi hỗ trợ kịp thời cho đoàn viên, khu công nghiệp bị ảnh hưởng bởi dịch bệnh COVID-19.

- Xin cảm ơn ông!

Nhằm kịp thời động viên, chăm lo cho công nhân, viên chức, lao động, thiết thực triển khai Tháng Công nhân năm 2021, Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam đã quyết định trích trên 1,5 tỷ đồng để trao tặng 1.550 suất quà thăm hỏi, động viên công nhân lao động có hoàn cảnh khó khăn bị ảnh hưởng bởi dịch COVID-19 và 1 tỷ đồng hỗ trợ cán bộ, công nhân, viên chức của 10 bệnh viện đang bị cách ly phong tỏa.

(Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục