Công đoàn trong doanh nghiệp… gặp khó

Theo báo cáo của cơ quan chức năng, hiện nay cả nước có khoảng 230 nghìn doanh nghiệp, trong đó số doanh nghiệp đủ điều kiện thành lập công đoàn chỉ chiếm 50%.

Theo báo cáo của cơ quan chức năng, hiện nay cả nước có khoảng 230 nghìn doanh nghiệp, trong đó số doanh nghiệp đủ điều kiện thành lập công đoàn chỉ chiếm 50%.

Trong hội thảo "Việt Nam-Nhật Bản: Định hướng xây dựng quan hệ hài hòa-tiến bộ ở Việt Nam" diễn ra ngày 17/3, những vấn đề về chất lượng cũng như hoạt động công đoàn cơ sở đã được mổ xẻ để hướng tới quan hệ người lao động và sử dụng lao động hài hòa, hợp lý hơn.

Công đoàn Việt Nam là tổ chức có vai trò quan trọng trong việc hòa giải, ký kết thỏa ước lao động tập thể, nhất là trong thời gian khủng khoảng kinh tế ảnh hưởng tới việc làm.

Nhưng theo Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam, khó khăn chủ yếu không thành lập được công đoàn cơ cở là do người sử dụng lao động không muốn và gây khó khăn cản trở.

Ở Việt Nam hiện nay, có khoảng 15 triệu lao động có quan hệ lao động, tuy nhiên chỉ có 6 triệu người lao động là đoàn viên công đoàn, chiếm 40%.

Con số công đoàn viên ít ỏi như vậy vì pháp luật hiện hành và điều lệ Công đoàn chưa quy định, hoặc chưa thể hiện được những lợi ích về vật chất và tinh thần khi người lao động gia nhập công đoàn. Trong khi đó, người lao động gia nhập công đoàn phải đóng phí bằng 1% tiền lương.

Hệ quả của việc này là, tình hình thương lượng và ký kết thỏa ước lao động tập thể còn hạn chế cả về số lượng lẫn chất lượng, cụ thể doanh nghiệp ký thỏa ước lao động tập thể khu vực dân doanh khoảng 55-60%, khu vực có vốn đầu tư nước ngoài 45-50%.

Chính việc này đã dẫn tới tình trạng đình công ở Việt Nam năm 2008 tăng hơn 30% so với năm trước.

"Nhận tiền lương công đoàn và  làm việc công đoàn"

Trong hội thảo, ý kiến của chuyên gia Sakai Sumio thuộc Viện nghiên cứu chính sách lao động Nhật Bản, đưa ra về đặc trưng từ công đoàn cơ sở ở Nhật là một hướng đi không mới ở Nhật nhưng có thể áp dụng ở Việt Nam hiện nay.

Theo ông Sumio, Công đoàn cơ sở ở Nhật chỉ coi nhân viên chính thức của công ty là đoàn viên Công đoàn nên đương nhiên là thành viên ban chấp hành công đoàn là thành viên chính thức của công ty.

Ở các công ty lớn tại Nhật, có trường hợp trong nhiệm kỳ được bầu chọn làm thành viên ban chấp hành công đoàn, "thành viên ban chấp hành công đoàn sẽ nhận tiền lương từ công đoàn và chủ yếu chỉ làm việc cho công đoàn."

"Nhật Bản vượt qua khủng hoàng dầu lửa 1973 được cho là nhờ hệ thống doanh nghiệp Nhật Bản có tính chất linh hoạt. Ngoài ra, quan hệ lao động mà trọng tâm là: Tuyển dụng lao động suốt đời, lương theo thâm niên và Công đoàn cơ sở được đánh giá là có đóng góp lớn, quan trọng," ông Sumio nhận xét.

Trong khi đó tại Việt Nam, chủ tịch công đoàn cơ sở các doanh nghiệp hầu hết là người thuộc bộ máy quản lý điều hành của doanh nghiệp (là phó giám đốc; trưởng-phó phòng, ban) do người sử dụng lao động cử ra để Đại hội cổ đông cơ sở bầu làm chủ tịch Công đoàn, được chủ doanh nghiệp trả lương.  Mọi quyền lợi của chủ tịch công đoàn gắn liền với chủ doanh nghiệp.

Vì vậy, chủ tịch công đoàn (ở Việt Nam) không thể là đại diện thực sự của người lao động, đại diện Tổng liên đoàn Lao động Việt Nam đưa ra nhận định.

Thông Chí (Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục