"Công khai, minh bạch sẽ giảm thiểu tham nhũng"

Phó Tổng Thanh tra Chính phủ Trần Đức Lượng khẳng định càng thực hiện công khai và minh bạch, càng giảm thiểu được tham nhũng.
Bên lề Hội thảo về “Thực thi Chiến lược quốc gia về phòng, chống tham nhũng đến năm 2010 và Công ước của Liên hợp quốc về phòng, chống tham nhũng, ngày 26/10, Phó Tổng Thanh tra Chính phủ Trần Đức Lượng trả lời phỏng vấn của phóng viên về các hành động, giải pháp thực hiện giảm thiểu tham nhũng.

Xin Phó Tổng Thanh tra cho biết về hành động và giải pháp để thực hiện Chiến lược Quốc gia và Công ước của Liên hợp quốc về phòng chống tham nhũng?


Phó Tổng Thanh tra Trần Đức Lượng: Chính phủ đã có một kế hoạch hành động cụ thể về thực thi Chiến lược quốc gia về phòng chống tham nhũng đến năm 2020. Trong Chiến lược này có lượng hóa 70 hành động bao gồm các hoạt động về nghiên cứu, đề xuất, sửa đổi, bổ sung các văn bản quy phạm pháp luật.

Về văn bản luật có đề cập đến 20 đạo Luật cụ thể. Chẳng hạn trong lĩnh vực phòng ngừa thì cũng phải từng bước sửa đổi, bổ sung, hoàn thiện hệ thống pháp luật cho phù hợp với yêu cầu phát triển kinh tế-xã hội.

Ví dụ như về công khai, minh bạch đã có nhiều văn bản quy phạm pháp luật đề cập nhưng còn chung chung, chưa cụ thể và chưa thể triển khai thực hiện được ngay nên xảy ra tình trạng luật chậm đi vào cuộc sống vì phải chờ văn bản hướng dẫn.

Quan điểm mới là đã xây dựng Luật thì trước hết phải bảo đảm tính khả thi, tức là các quy định của pháp luật phải đủ rõ, đủ chi tiết tạo thuận lợi cho các cơ quan chấp hành, điều hành.

Thứ hai là cũng phải sửa đổi rất nhiều văn bản quy phạm pháp luật liên quan tới hoạt động công vụ, công quyền của đội ngũ cán bộ công chức nhà nước.

Hiện nay trên nhiều diễn đàn, người ta cho rằng phòng chống tham nhũng mới chỉ tập trung vào lĩnh vực công, đối tượng quan tâm nhiều là người có chức vụ quyền hạn mà chưa quan tâm nhiều đến khu vực tư.

Tuy nhiên, giai đoạn trước mắt, chúng ta phải tập trung vào khu vực công vì làm tốt được ở khu vực công thì sẽ làm được các lĩnh vực khác.

Hiện nhiều cơ quan chưa quyết liệt trong việc triển khai các văn bản pháp luật, nhất là việc kê khai tài sản. Phó Tổng Thanh tra đánh giá gì về vấn đề này?

Phó Tổng Thanh tra Trần Đức Lượng: Nhìn nhận ở khía cạnh chung thì việc tổ chức thực hiện các quy định, quy phạm pháp luật có hai yếu tố. Yếu tố thứ nhất, nếu những quy định pháp luật đã rõ mà tổ chức thực hiện không được thì trách nhiệm thuộc về cơ quan chấp hành và điều hành.

Nhưng cũng có những nội dung chế định chưa đủ rõ khi đi vào cuộc sống được hiểu khác nhau thì đây là một nguyên nhân khách quan dẫn đến sự chậm trễ của cơ quan tổ chức thực hiện.

Về giải pháp kê khai tài sản, minh bạch tài sản được nhiều ý kiến tham gia nhưng hiện nay, theo như tôi hiểu có nhiều nhận thức chưa thật thống nhất về việc này. Trước hết phải xem phạm vi điều chỉnh của pháp luật về kê khai tài sản là như thế nào.

Thí dụ như trong Luật phòng chống tham nhũng và các văn bản hướng dẫn, có xác định 11 nhóm đối tượng phải kê khai tài sản chứ không phải toàn bộ cán bộ công chức đều phải kê khai.

Người có chức vụ quyền hạn chưa chắc đã phải là công chức cho nên khái niệm về đối tượng kê khai tài sản là liên quan đến người có chức vụ quyền hạn và trong Nghị định 37 của Chính phủ đã xác định 11 nhóm, trong đó có nhóm 11: nhóm các cán bộ công chức thường xuyên tiếp xúc và giải quyết công việc của dân thì hiện nay cũng chưa được hiểu thống nhất.

Mới đây, Thủ tướng Chính phủ đã ký Quyết định 85 để xác định các nhóm đối tượng này, nhờ đó đã triển khai tương đối tốt ở các cấp, các ngành, còn thực tế trước đây là lúng túng.

Thứ hai, liên quan đến công khai minh bạch bản kê khai, cách hiểu hiện nay là chưa thống nhất. Trong pháp luật quy định bản kê khai tài sản của người có chức vụ, quyền hạn được quản lý cùng với hồ sơ cán bộ công chức.

Hồ sơ cán bộ công chức hiện nay lại là bí mật nhà nước cho nên không phải ai cũng được mang ra để xem. Nhưng đối với các đại biểu dân cử lại có quy định là phải niêm yết bản kê khai ấy tại nơi niêm yết danh sách bầu cử. Như vậy đã công khai ở một bộ phận nhưng cũng có người lại nghĩ rằng đây là bí mật Nhà nước nên công khai như vậy là không đúng.

Tại Nghị quyết tại Hội nghị Trung ương 3 (khoá X) vừa rồi đã có quy định trong Đảng là đối với đảng viên thì phải kê khai bản công khai tài sản của mình tại chi bộ và công khai bản kê khai tài sản ở cấp ủy mà mình là cấp ủy viên.

Hiện nhiều tổ chức Đảng thực hiện rất tốt điều này nhưng nó chỉ trong phạm vi tổ chức sinh hoạt Đảng thôi nhưng cũng có người đòi hỏi phải công khai ra công chúng. Điều này phải làm từng bước, phải phù hợp với quy định của pháp luật chứ chưa thể theo đòi hỏi của cá nhân. Nhưng nếu người kê khai là đối tượng của bầu cử vào các cơ quan dân cử, thì phải kê khai.

Cho đến giờ vẫn chưa có hướng dẫn Nghị quyết Trung ương thưa Phó Tổng Thanh tra?


Phó Tổng Thanh tra Trần Đức Lượng: Vấn đề này đã rất rõ ràng rồi. Trong Nghị quyết có nêu: bảng kê khai tài sản của đảng viên theo quy định của pháp luật là phải công khai trong chi bộ, trong đó có quy định về các hình thức công khai.

Thứ hai là phải công khai trong cấp ủy mà mình là cấp ủy viên. Hiện nay, việc đó đang làm rất tốt vì muốn trở thành cấp ủy viên phải bầu, muốn bầu phải công khai.

Xin cảm ơn Phó Tổng Thanh tra./.

(TTXVN/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục