'Công khai tiến độ giải ngân vốn đầu tư công để toàn dân được biết'

Thủ tướng yêu cầu các bộ, ngành chủ trì các chương trình tổng hợp, công khai tiến độ giải ngân vốn đầu tư công của từng bộ, ngành trên các phương tiện thông tin đại chúng để toàn dân được biết.
'Công khai tiến độ giải ngân vốn đầu tư công để toàn dân được biết' ảnh 1Thủ tướng Phạm Minh Chính chủ trì Phiên họp Chính phủ thường kỳ tháng 7 năm 2022. (Ảnh: Dương Giang/TTXVN)

Tiếp tục chương trình Phiên họp Chính phủ thường kỳ tháng 7/2022, chiều 3/8, Chính phủ thảo luận về tình hình thực hiện giải ngân vốn đầu tư công và tình hình triển khai ba Chương trình mục tiêu Quốc gia (gồm các chương trình: xóa đói giảm nghèo; xây dựng nông thôn mới; phát triển kinh tế-xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi).

Báo cáo của Bộ Kế hoạch và Đầu tư tại phiên họp cho biết tổng kế hoạch đầu tư vốn ngân sách nhà nước năm 2022 được Quốc hội quyết định tại các Nghị quyết của Quốc hội là 542.105,895 tỷ đồng, trong đó vốn ngân sách Trung ương là 222.000 tỷ đồng, vốn ngân sách địa phương là 304.105,895 tỷ đồng, vốn Chương trình mục tiêu quốc gia năm 2021 chuyển nguồn sang năm 2022 là 16.000 tỷ đồng.

Xác định giải ngân vốn đầu tư công là nhiệm vụ quan trọng, ngay từ đầu năm, Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ đã có nhiều Nghị quyết, Công điện, văn bản chỉ đạo quyết liệt thúc đẩy giải ngân vốn đầu tư công: tổ chức hội nghị trực tuyến toàn quốc, thành lập 6 Tổ công tác của Thủ tướng Chính phủ đề kiểm tra, đôn đốc công tác thực hiện và giải ngân.

Đến ngày 28/6, các bộ, cơ quan Trung ương và địa phương đã giao chi tiết 485.924,036 tỷ đồng (không bao gồm vốn Chương trình mục tiêu quốc gia), đạt 93,8% số vốn Thủ tướng Chính phủ giao đầu năm; 16 bộ, cơ quan Trung ương và địa phương chưa phân bổ hết kế hoạch đầu tư vốn ngân sách Trung ương năm 2022 với tổng số vốn 7.751,496 tỷ đồng (trong đó vốn trong nước là 7.327,094 tỷ đồng và vốn nước ngoài là 424,402 tỷ đồng); 8 địa phương chưa phân bổ hết kế hoạch vốn cân đối ngân sách địa phương với tổng số vốn là 24.430,363 tỷ đồng…

Theo báo cáo của Bộ Tài chính, ước giải ngân kế hoạch đầu tư vốn ngân sách nhà nước từ đầu năm đến ngày 31/7 là 186.848,16 tỷ đồng, đạt 34,47% kế hoạch Thủ tướng Chính phủ giao, giảm nhẹ so cùng kỳ năm trước.

Một cơ quan Trung ương và 11 địa phương có tỷ lệ giải ngân đạt trên 50%; 41/51 bộ, cơ quan Trung ương và 18/63 địa phương có tỷ lệ giải ngân đạt dưới mức trung bình của cả nước (34,47%), trong đó có 17 bộ, cơ quan Trung ương có tỷ lệ giải ngân dưới 10% kế hoạch Thủ tướng Chính phủ giao…

Về tình hình triển khai các chương trình mục tiêu quốc gia, trong 7 tháng năm 2022, Chính phủ, Trung ương đã ban hành 69 văn bản quản lý, điều hành và tổ chức thực hiện các chương trình mục tiêu quốc gia.

Đến nay, 28/52 địa phương đang khẩn trương hoàn thiện các thủ tục phê duyệt dự toán chi tiết, phê duyệt dự án đầu tư để tổ chức thực hiện từng nội dung, hoạt động thuộc các chương trình mục tiêu quốc gia. Tuy nhiên chưa có kết quả giải ngân vốn từng chương trình mục tiêu quốc gia.

Hiện 9/52 địa phương đã có Nghị quyết của Hội đồng nhân dân tỉnh phân bổ kế hoạch vốn và đang thực hiện rà soát để giao kế hoạch cho các cơ quan, đơn vị và cấp trực thuộc; 4/52 địa phương đang trình Hội đồng nhân dân cấp tỉnh phê duyệt phương án phân bổ; 11 địa phương còn lại đang trong quá trình xây dựng nghị quyết trình Hội đồng nhân dân cấp tỉnh.

Bộ Kế hoạch và Đầu tư cho biết đến hết ngày 27/7, có 28/63 địa phương báo cáo đã cân đối, bố trí khoảng 6.279 tỷ đồng vốn ngân sách địa phương thực hiện các chương trình quốc gia, chủ yếu để thực hiện chương trình quốc gia xây dựng nông thôn mới, với số vốn chiếm tới 96,2%.

Tại phiên họp, đại diện các bộ, ngành, địa phương phát biểu, nêu một số kinh nghiệm để việc giải ngân vốn đầu tư công đạt cao như: lãnh đạo các ngành, địa phương, nhất là người đứng đầu quan tâm, chỉ đạo sát sao việc giải ngân vốn đầu tư công; xây dựng kế hoạch, phân công cụ thể, thường xuyên giám sát, đôn đốc quá trình thực hiện; không đầu tư dàn trải mà tập trung cho các dự án trọng điểm có tính chất tạo động lực cho phát triển...

Các đại biểu thảo luận, phân tích những tồn tại, khó khăn, vướng mắc và nguyên nhân; xác định khoảng 21 loại tồn tại, khó khăn vướng mắc, thuộc nhiều lĩnh vực khác nhau, trong đó có phân thành 3 nhóm chính liên quan đến thể chế, chính sách; liên quan đến tổ chức triển khai thực hiện; và những khó khăn mang tính đặc thù của kế hoạch năm 2022.

[Phó Thủ tướng: Phấn đấu giải ngân toàn bộ vốn đầu tư công trước 31/12]

Phiên họp phân tích trách nhiệm cụ thể của từng bộ, ngành, địa phương; đồng thời đề xuất các giải pháp thúc đẩy vốn đầu tư công và ba chương trình mục tiêu quốc gia trong thời gian tới.

Kết luận phiên họp, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính biểu dương những bộ, ngành, địa phương thực hiện giải ngân vốn đầu tư tốt, cao hơn mức trung bình cả nước; đồng thời nghiêm khắc phê bình các bộ, ngành, địa phương thực hiện giải ngân đầu tư công đạt thấp.

Thủ tướng cho rằng việc giải ngân đầu tư công là việc khó, vướng mắc nhiều năm. Vì vậy, Chính phủ luôn ưu tiên giải quyết công việc này. Nhìn lại từ năm 20216 đến nay, vốn đầu tư công năm 2022 (540.000 tỷ đồng) cao gấp đôi 2016, do đó công việc làm gấp đôi của 2016; so với năm 2021, năm nay nhiều hơn 110.000 tỷ đồng.

“Tình hình thay đổi, biện pháp phải thay đổi," Thủ tướng chỉ rõ.

Thủ tướng đánh giá trong 5 năm qua, tỷ lệ giải ngân trong 7 tháng thường dao động từ 35-40%. Tỷ lệ giải ngân vốn đầu tư công năm 2020 và 2021 tương đối cao so những năm gần đây. Nhưng năm nay, ngoài vốn đầu tư trung hạn, còn vốn chương trình phục hồi, phát triển kinh tế-xã hội. Do đó đòi hỏi chúng ta có quyết tâm cao, nỗ lực lớn, hành động phải quyết liệt.

“Càng khó khăn, càng phức tạp, càng phải bản lĩnh, phát huy trí tuệ, dân chủ, sức mạnh tổng hợp của cả hệ thống chính trị để làm tốt hơn," Thủ tướng nhấn mạnh.

'Công khai tiến độ giải ngân vốn đầu tư công để toàn dân được biết' ảnh 2Thủ tướng Phạm Minh Chính kết luận phiên họp. (Ảnh: Dương Giang/TTXVN)

Về nhiệm vụ, giải pháp trong thời gian tới, Thủ tướng yêu cầu các Bộ trưởng, thủ trưởng các ngành, Chủ tịch Ủy ban nhân dân các tỉnh, thành phố đề cao vai trò, trách nhiệm trong giải ngân vốn đầu tư công.

Các bộ, ngành, địa phương tổ chức rà soát, điều chỉnh danh mục, công tác chuẩn bị đầu tư, kịp thời phát hiện những vấn đề chưa hợp lý, vướng mắc để chỉnh sửa, đồng thời chỉ đạo, phân công để bảo đảm tuân thủ luật pháp, tránh tham nhũng, tiêu cực.

Các bộ, ngành ở Trung ương rà soát lại các quy định thuộc phạm vi quản lý của ngành mình, xử lý kịp thời những vấn đề vướng mắc, phát sinh thuộc thẩm quyền; những vấn đề vượt thẩm quyền thì tổng hợp trình Chính phủ và cấp có thẩm quyền xem xét, xử lý. Đặc biệt, Thủ tướng yêu cầu các bộ, ngành, địa phương thành lập các tổ công tác để chỉ đạo, rà soát, đôn đốc công tác giải ngân vốn đầu tư công.

Thủ tướng giao Bộ Kế hoạch và Đầu tư nghiên cứu đề xuất điều chỉnh vốn từ địa phương giải ngân kém sang địa phương giải ngân tốt và cần thiết. Các bộ, ngành, địa phương nghiên cứu, điều chỉnh vốn đầu tư công trong nội bộ bộ, ngành, địa phương, đảm bảo phù hợp, hiệu quả.

Thủ tướng yêu cầu, ngay sau phiên họp này, Bộ Kế hoạch và Đầu tư, Văn phòng Chính phủ soạn thảo Nghị quyết của Chính phủ, đánh giá khách quan, định hướng các chỉ đạo lớn, các nhiệm vụ, giải pháp cụ thể của từng bộ, ngành, địa phương để thúc đẩy giải ngân vốn đầu tư công.

Người đứng đầu Chính phủ mong muốn trong phiên họp tháng tới liên quan đến nội dung giải ngân vốn đầu tư công sẽ có nhiều điểm sáng được ghi nhận.

Thủ tướng cho biết sau phiên họp này, Chính phủ sẽ ban hành nghị quyết về thúc đẩy vốn đầu tư công và 3 chương trình mục tiêu quốc gia trong thời gian tới.

Trước đó, sáng cùng ngày, Thủ tướng yêu cầu các bộ, ngành chủ trì các chương trình tổng hợp, công khai thông tin tiến độ giải ngân của từng bộ, ngành trên các phương tiện thông tin đại chúng để toàn dân được biết.

Tại phiên họp, thay mặt Chính phủ, Thủ tướng Phạm Minh Chính đã gửi lời chia buồn sâu sắc tới lực lượng Công an nhân dân và gia đình của ba cán bộ, chiến sỹ cảnh sát phòng cháy, chữa cháy đã dũng cảm hy sinh khi làm nhiệm vụ trong vụ cháy quán Karaoke tại Hà Nội vào ngày 1/8 vừa qua.

Thủ tướng yêu cầu các địa phương quan tâm hơn nữa tới công tác bảo đảm trật tự xã hội, an ninh, an toàn, an dân, trong đó có công tác phòng cháy, chữa cháy./.

(TTXVN/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục