Công ty sản xuất và cung cấp phần mềm bảo mật hàng đầu thế giới Kaspersky Lab - có trụ sở tại Moskva, Nga - cho biết họ đang kháng cáo lên một tòa án liên bang Mỹ về việc Washington cấm sử dụng phần mềm Kaspersky tại các cơ quan dân sự và chính quyền Mỹ.
Trong một tuyên bố ngày 18/12, Giám đốc điều hành Kaspersky Lab - ông Eugene Kaspersky - cho biết Bộ An ninh Nội địa Mỹ không có bằng chứng kỹ thuật nào để chứng minh cáo buộc rằng Kaspersky tạo ra lỗ hổng cho gián điệp Nga đánh cắp các thông tin tối mật của Mỹ.
Ông đồng thời cho rằng Mỹ đã vi phạm hiến pháp khi phủ nhận quyền chính đáng để Kaspersky làm rõ các cáo buộc trên. Phía Kaspersky cho biết các cáo buộc của Mỹ đã bóp nghẹt hoạt động kinh doanh của công ty này tại Mỹ và làm ảnh hưởng nghiêm trọng danh tiếng của hãng này trên toàn cầu.
Theo Kaspersky Lab, có lỗ hổng trong bảo mật là do phần mềm Microsoft Office bị nhiễm mã độc và sự cố này không phải do Kaspersky tạo nên để trộm cắp các tài liệu tình báo bí mật của Mỹ.
[Kaspersky ghi nhận nhiều vụ tấn công mạng nhằm vào các công ty châu Âu]
Trước đó, Mỹ đã buộc tội công ty Kaspersky Lab giúp tình báo Nga đánh cắp thông tin tối mật của Mỹ.
Kaspersky Lab khẳng định đã có tin tặc đánh cắp các chương trình tối mật của Cơ quan An ninh quốc gia Mỹ (NSA) từ máy tính của một nhân viên NSA, song chi tiết sự việc không giống như trong thông báo được nêu trên tờ Wall Street Journal hôm 5/10 vừa qua.
Theo Wall Street Journal, trong máy tính của nhân viên này có cài đặt phần mềm bảo vệ của Kaspersky và có chứa các tệp tin mật của một đơn vị NSA mang tên Equation Group.
Tờ báo tin rằng các gián điệp Nga đã sử dụng chương trình Kaspersky như một "cửa sau" để phát hiện và đánh cắp các tệp tin mật, gây ảnh hưởng nghiêm trọng cho các hoạt động gián điệp mạng của NSA.
Tuy nhiên, Kaspersky khẳng định máy tính đó đã bị nhiễm một mã độc khác, trong đó có công cụ "cửa sau" do tin tặc Nga phát triển và ẩn trong phần mềm Microsoft Office. Kaspersky cho biết mã độc này do một máy chủ ở Hồ Nam (Trung Quốc) kiểm soát, và sẽ mở đường bất cứ đối tượng nào muốn xâm nhập máy tính của nhân viên NSA này.
Kaspersky Lab tuyên bố không giúp bất cứ chính phủ nào hoạt động gián điệp trên mạng hoặc hoạt động tấn công trong không gian mạng. Công ty này cũng lưu ý rằng những cáo buộc của chính quyền Mỹ đối với Kaspersky Lab đã dựa trên những dữ liệu sai lệch và không chính xác, khẳng định các cuộc điều tra sẽ xác nhận điều này.
Trong một nỗ lực nhằm giải tỏa những nghi ngờ, Kaspersky Lab gần đây cho biết sẽ công bố mã nguồn các phần mềm và các bản cập nhật trong tương lai để các bên độc lập kiểm tra.
Kaspersky Lab là công ty phần mềm diệt virus có thâm niên 20 năm, với 400 triệu khách hàng trên toàn cầu./.