Công ty năng lượng tái tạo lớn nhất thế giới suýt bị phá sản

Abengoa, một trong những công ty năng lượng tái tạo lớn nhất thế giới đã giành được sự ủng hộ của khoảng 75% chủ nợ để tái cơ cấu khoản nợ khổng lồ 9,4 tỷ euro.
Công ty năng lượng tái tạo lớn nhất thế giới suýt bị phá sản ảnh 1Abengoa là một trong những công ty lớn nhất thế giới trong lĩnh vực năng lượng tái tạo. (Nguồn: huffingtonpost.es)

Abengoa, một trong những công ty năng lượng tái tạo lớn nhất thế giới của Tây Ban Nha, cho biết công ty này đã giành được sự ủng hộ của khoảng 75% chủ nợ để tái cơ cấu khoản nợ khổng lồ 9,4 tỷ euro (10,5 tỷ USD) tính đến cuối năm 2015, qua đó tránh được nguy cơ phá sản.

Hồi tháng 11/2015, Abengoa thông báo công ty này nộp đơn xin bảo hộ sơ bộ lên các chủ nợ và được đưa ra hạn chót đến ngày 28/3 phải giành được sự ủng hộ của ít nhất 60% chủ nợ, cũng như thuyết phục toà án Seville gia hạn thêm bảy tháng để đạt được sự chấp thuận của 75% chủ nợ đối với kế hoạch tái cơ cấu nợ trên diện rộng.

Nếu đàm phán thất bại, việc Abengoa phá sản sẽ trở thành sự kiện gây “chấn động” ở Tây Ban Nha.

Hãng tin Reuters trích dẫn thư điện tử của một quan chức cấp cao gửi cho một thành viên trong ban điều hành cho hay ngày 27/3 Abengoa đã nhận được sự ủng hộ của 75,04 % chủ nợ thay vì mức 60% chủ nợ như mục tiêu ban đầu.

Trước đó, các nguồn tin liên quan đến cuộc đàm phán nợ này cho biết có hơn 60% chủ nợ được cho là ủng hộ thỏa thuận tái cơ cấu nợ đạt được hôm 9/3 giữa Abengoa với các chủ nợ và các ngân hàng quan trọng.

Theo đó, Abengoa sẽ được “bơm” 137 triệu euro để trả cho các nhà cung ứng và tiền lương cho nhân viên.

Cũng theo thỏa thuận đó, một số chủ nợ sẽ cho Abengoa vay tới 1,8 tỷ euro trong vòng 5 năm và được quyền quản lý 55% cổ phần của công ty đã được tái cơ cấu.

Ngoài ra, khoảng 70% số nợ còn lại sẽ được chuyển thành cổ phiếu, trao cho các chủ nợ khác quyền nắm 35% cổ phần công ty.

Được thành lập cách đây 75 năm, Abengoa đã vươn lên từ một công ty gia đình, chuyên về điện và sửa chữa hệ thống máy móc bị hư hại trong cuộc nội chiến 1936-1939 tại Tây Ban Nha, để trở thành một “người khổng lồ” trong ngành năng lượng Mặt Trời và các năng lượng tái tạo khác.

Tuy nhiên, việc mạo hiểm đặt cược vào nhiên liệu sinh học, giữa lúc Chính phủ Tây Ban Nha cắt giảm mạnh trợ cấp đối với năng lượng tái tạo trong thời kỳ kinh tế sa sút và gia đình Benjuema từ chối huy động vốn do lo ngại mất quyền kiểm soát công ty, đã đẩy Abengoa đến bờ vực phá sản./.

(TTXVN/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục