Từng giữ vai trò dẫn đầu trên thế giới trong lĩnh vực năng lượng tái tạo, Tây Ban Nha đang nỗ lực khôi phục ngành này sau khi buộc phải điều chỉnh chính sách do những ảnh hưởng của khủng hoảng kinh tế.
Đến nay, Đảng Nhân dân cầm quyền Tây Ban Nha đã đề xuất kế hoạch khởi động lại lĩnh vực sản xuất điện gió nhưng vẫn chưa đưa ra dự án cụ thể đối với ngành điện Mặt Trời.
Tại Hội nghị lần thứ 21 Công ước khung của Liên hợp quốc về biến đổi khí hậu (COP21) tại Paris (Pháp), Thủ tướng Tây Ban Nha Mariano Rajoy tuyên bố sẽ đưa ra "một dự luật về biến đổi khí hậu" nếu ông tái đắc cử sau cuộc tổng tuyển cử ngày 20/12 tới.
Thời tiết thuận lợi cùng với chính sách hỗ trợ của chính phủ đã giúp sản lượng điện gió và điện Mặt Trời của Tây Ban Nha đứng số 1 thế giới trong năm 2007-08. Tuy nhiên, suy thoái kinh tế diễn ra sau khi bong bóng thị trường bất động sản nước này “vỡ” trong năm 2008 đã kìm hãm sự phát triển của ngành năng lượng tái tạo khi chính phủ cắt giảm trợ cấp.
Các trang trại sản xuất điện từ năng lượng Mặt Trời của Tây Ban Nha có doanh thu giảm từ 15-50% kể từ khi chính phủ bắt đầu điều chỉnh chính sách từ năm 2011.
Số lượng lao động làm việc trong lĩnh vực điện Mặt Trời đã giảm 35.000 người kể từ năm 2008, xuống khoảng 5.000 người hiện nay.
Lĩnh vực sản xuất điện gió cùng chung “số phận.” Ngành này cũng sa thải 50% số lao động trong vòng 8 năm qua.
Dưới áp lực của những nhà sản xuất năng lượng truyền thống như than đá, khí đốt, dầu mỏ và năng lượng hạt nhân, không chỉ các doanh nghiệp vừa và nhỏ có hoạt động gặp nhiều khó khăn.
“Người khổng lồ” ngành năng lượng tái tạo của Tây Ban Nha Abengoa, sử dụng hơn 27.000 lao động trên toàn cầu, cũng đang đứng trước nguy cơ phá sản.
Hiện Tây Ban Nha là nhà sản xuất điện gió lớn thứ 5 trên thế giới./.