COVID-19 - “Bàn đạp” cho tiến trình tự động hóa nền kinh tế

Bằng cách làm giảm chi phí sinh hoạt và loại bỏ công việc lặp đi lặp lại một cách vô nghĩa, AI sẽ giúp giải phóng hoàn toàn những hạn chế trong vấn đề sử dụng nhân lực tại các công ty.
COVID-19 - “Bàn đạp” cho tiến trình tự động hóa nền kinh tế ảnh 1Xe tự hành để gửi đơn đặt hàng tạp hóa của dịch vụ giao hàng trực tuyến Meituan Dianping. (Nguồn: Meituan Dianping)

Đại dịch COVID-19 đã đẩy thế giới vào một cuộc khủng hoảng chưa từng có.

Nước Mỹ đang ghi nhận số đơn xin trợ cấp thất nghiệp ở các mức cao kỷ lục và con số này có lẽ sẽ tiếp tục leo thang bởi theo ước tính của các chuyên gia kinh tế, có đến khoảng 10 triệu lao động tại nền kinh tế lớn nhất thế giới này đã phải nghỉ việc kể từ khi virus SARS-CoV-2 bùng phát tại đây.

Khi dịch viêm đường hô hấp cấp COVID-19 diễn biến phức tạp, những rủi ro vốn có trong chuỗi cung ứng toàn cầu lộ rõ hơn bao giờ hết. Hệ quả là thay vì chờ đợi hoạt động kinh doanh trở lại quỹ đạo bình thường với quá trình gia công tập trung vào một số quốc gia có nhân công giá rẻ, có một xu hướng đang nổi lên tại các quốc gia phát triển. Đó là quá trình chuyển đổi trọng tâm sản xuất sang tự động hóa, xu hướng có mức lương nhân công thấp nhất trong tất cả.

“Một trợ lý không thể nhiễm bệnh”

Là quốc gia đầu tiên hứng chịu những hậu quả nghiêm trọng của virus SARS-CoV-2, cũng dễ hiểu khi Trung Quốc là nước tiên phong sử dụng robot để giao hàng.

Từ đầu tháng 2/2020, dịch vụ giao hàng trực tuyến Meituan Dianping đã đưa ra sáng kiến "giao hàng không tiếp xúc," trong đó sử dụng xe tự hành để gửi đơn đặt hàng tạp hóa cho khách hàng ở quận Shunyi, Bắc Kinh cùng một số quận khác.

[Dịch COVID-19 đang đẩy nhanh quá trình robot thay thế con người]

Trước đó, công ty này đã bắt đầu thử nghiệm robot và thiết bị bay không người lái (drone) để giao hàng vào năm ngoái, nhưng đây là lần đầu tiên họ chính thức triển khai phương tiện giao hàng tự hành trên đường phố.

Nhận định về xu hướng này, Yang Xu - nhà phân tích cao cấp tại công ty nghiên cứu Analysys - cho hay ngoài Meituan Dianping, các nền tảng thương mại điện tử khác vốn đã có dịch vụ giao hàng tự hành cũng tuyên bố triển khai dùng robot để giao hàng nhiều hơn, đặc biệt ở những khu vực bị cách ly.

Cụ thể, đầu tháng Hai, JD.com - hãng bán lẻ trực tuyến có trụ sở tại Bắc Kinh - đã tuyên bố họ sẽ cung cấp vật tư y tế cho Bệnh viện Thứ 9 và hàng tạp hóa cho các cộng đồng địa phương bằng phương tiện tự động ở Vũ Hán, nơi từng là tâm dịch COVID-19.

“Robot giao hàng tự động của JD có thể giúp giảm tiếp xúc giữa người với người, bảo vệ cả khách hàng và nhân viên. Điều này khiến chúng trở thành giải pháp lý tưởng để giao hàng ở Vũ Hán trong thời gian đặc biệt này,” Qi Kong, người đứng đầu bộ phận xe tự hành tại JD Logistics, nói trong một bài đăng trên blog của công ty.

Trong khi đó tại Italy, các y bác sỹ của nước này giờ đây đã có một trợ lý đắc lực là những chú robot có khả năng theo dõi nhịp tim, nhịp thở của bệnh nhân COVID-19 và làm nhiều nhiệm vụ khác.

Giám đốc Khoa Chăm sóc tích cực thuộc bệnh viện Varese Circolo (Italy) Francesco Dentali nhận định: “Robot là những trợ lý không biết mệt mỏi, không lây bệnh và cũng không bị ốm. Trong bối cảnh chính các bác sỹ điều trị COVID-19 cũng bị virus này tấn công, việc sử dụng một trợ lý không thể nhiễm bệnh là một thành tựu tuyệt vời."

Đơn vị gia tốc giải phóng mọi hạn chế về nhân lực

Nhận định về xu hướng chuyển dịch trong cách thức kinh doanh của một số doanh nghiệp thời kỳ khó khăn, Giáo sư Arun Sundararajan của Trường Kinh doanh NYU Stern chuyên nghiên cứu về cách thức công nghệ kỹ thuật số làm biến đổi xã hội, cho rằng: "Khủng hoảng sẽ là chất xúc tác hoặc một đơn vị gia tốc để thúc đẩy những thay đổi đang diễn ra.”

Giáo sư này cho rằng một mô hình công nghệ mới sẽ xuất hiện sau khi đại dịch thoái trào. Các nhà sản xuất sẽ “hồi sinh” với quan điểm kinh doanh hoàn toàn mới. Họ sẽ sớm nhận thấy rằng các hoạt động truyền thống chưa thể tận dụng được hết các giá trị tối đa của doanh nghiệp và người lao động.

Trong khi đó, Ran Poliakine, người sáng lập và là Chủ tịch của hãng nghiên cứu về công nghệ SixAI, nói với tạp chí IndustryWeek rằng trí tuệ nhân tạo (AI) sẽ là điểm cốt lõi của sự thay đổi này, thông qua việc cung cấp các giải pháp thông minh cho những nhu cầu thiết yếu nhất của con người như thực phẩm, năng lượng, nhà ở và sản xuất.

Bằng cách làm giảm chi phí sinh hoạt và loại bỏ công việc lặp đi lặp lại một cách vô nghĩa, AI sẽ giúp giải phóng hoàn toàn những hạn chế trong vấn đề sử dụng nhân lực tại các công ty.

Đầu tư vào robot không phải là điều quá mới mẻ. Doanh nghiệp tại các nước tiên tiến đã không ngừng theo đuổi kế hoạch này kể từ giữa thập niên 1990, trong đó ngành công nghiệp ôtô đóng vai trò tiên phong với khoảng 50-60% thị phần trên thị trường robot.

Tại Đức, quốc gia dẫn đầu về sử dụng robot, số liệu thống kê năm 2017 cho thấy cứ 10.000 công nhân trong lĩnh vực sản xuất sẽ có trung bình 322 robot.

Trên thế giới, chỉ có Hàn Quốc (710 robot trên 10.000 công nhân) và Singapore (658 robot trên 10.000 nhân công) là có tỷ lệ cao hơn, trong khi tại Mỹ tỷ lệ này chỉ là 200 robot trên 10.000 công nhân.

Trên thực tế, khi cuộc khủng hoảng tài chính năm 2008 xảy ra, một số quốc gia, trong đó có Đức, thực sự đã có đủ số lượng robot để giảm thiểu tầm quan trọng của các giá trị lao động trong sản xuất.

Nhiều nước khác, trong bối cảnh chịu sự tác động của việc giảm mạnh lãi suất so với tiền lương, cũng đã đẩy mạnh sử dụng robot và hiện tượng này chiếm một phần lớn hơn trong quá trình sản xuất.

Điều này dường như cũng đang xảy ra trong thời điểm hiện nay. Dựa trên chính sách tiền tệ hiện tại, có thể dự báo việc lãi suất giảm tới 30% khi các ngân hàng trung ương cố gắng bù đắp thiệt hại do đại dịch COVID-19 gây ra.

Trong bối cảnh đó, các dữ liệu trong quá khứ cũng chỉ ra rằng điều này có thể khiến tỷ lệ sử dụng robot trong sản xuất tăng tới 75,7%.

Xu hướng thay đổi sẽ tập trung phần lớn vào các lĩnh vực có liên quan nhiều nhất tới các chuỗi giá trị toàn cầu. Tại Đức, các lĩnh vực này gồm công nghiệp ôtô và thiết bị vận tải, điện tử và dệt may, những ngành công nghiệp nhập khẩu đầu vào từ các nước nhân công rẻ.

Trên phạm vi toàn cầu, các ngành công nghiệp sẽ có sự chuyển đổi mạnh mẽ nhất đó là hóa chất, sản phẩm kim loại và điện tử, điện lạnh.

Tất nhiên, sự thay đổi nào cũng mang lại những cái giá nhất định. Xu hướng này sẽ đặt ra mối đe dọa lớn đối với mô hình tăng trưởng của các nước đang phát triển vốn phụ thuộc vào sản xuất chi phí thấp và xuất khẩu các thành phẩm trung gian.

Trong khi đó, các trung tâm sản xuất chi phí thấp tại châu Á có thể đối mặt với khoảng thời gian khó khăn hơn, đặc biệt là sau đại dịch. Trung Quốc, quốc gia đảm bảo sự tăng trưởng kinh tế bằng việc biến mình thành trung tâm của nhiều chuỗi giá trị toàn cầu, sẽ đối mặt với nhiều thách thức đặc biệt nghiêm trọng, bất chấp kế hoạch chuyển sang các hoạt động có giá trị cao và thúc đẩy tiêu dùng nội địa.

Và hệ quả tất yếu là các quốc gia đang phát triển cùng đội ngũ nhân công giá rẻ sẽ bị ảnh hưởng theo./.

(Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục