Dịch COVID-19 đang tác động đến nhiều mặt của đời sống kinh tế-xã hội; trong đó hàng không là một trong những ngành bị ảnh hưởng nặng nề và rõ rệt nhất.
Đến thời điểm này, tất cả đường bay từ Việt Nam đi quốc tế đã bị tạm dừng, còn các đường bay nội địa chỉ duy trì rất hạn chế càng làm cho các hãng hàng không trong nước khó khăn thêm chồng chất.
Ảnh hưởng của dịch COVID-19 rõ nét nhất khi những ngày này hình ảnh tại các sân bay lớn như Nội Bài, Tân Sơn Nhất với hàng trăm tàu bay nằm “đắp chiếu” trên sân đỗ.
Điều này khác xa so với thời gian cách đây 3 tháng trước, khi mà các sân bay này luôn quá tải, thậm chí vào những khung giờ vàng, hàng chục tàu bay phải nối đuôi nhau chờ cất cánh.
Theo đánh giá của các chuyên gia hàng không, ngành hàng không Việt Nam đang phải hứng chịu những khó khăn chưa từng có trong lịch sử phát triển.
Từ ngày 1/4/2020, theo chỉ đạo của Bộ Giao thông Vận tải, đường bay Hà Nội-Thành phố Hồ Chí Minh được xem là nhộn nhịp nhất cả nước, cũng là đường bay chủ lực của các hãng với hàng nghìn chuyến bay mỗi ngày trước đó giờ chỉ được duy trì mỗi ngày 2 chuyến bay khứ hồi chở khách và các hãng phải chia nhau để khai thác.
Vì thế, tàu bay dư thừa phải “đắp chiếu” là điều hiển nhiên.
Điều đáng nói, ngay cả khi tàu bay không được khai thác thì hãng hàng không vẫn phải chi trả vài trăm tỷ đồng mỗi tháng để duy trì bộ máy, trả lương, trả tiền thuê máy bay, bảo trì bảo dưỡng, phí đậu đỗ…
Thử hình dung 4 hãng bay của Việt Nam là Vietnam Airlines, Vietjet Air, Jetstar Pacific và Bamboo Air có hơn 200 tàu bay đang “đắp chiếu” thì chi phí mà các hãng phải trả mỗi tháng lớn như thế nào.
Theo bật mí của đại diện một hãng hàng không, để chi trả tiền chi phí thuê tàu bay chưa tính đến tiền bảo dưỡng cũng như trả tiền lương phi công lên đến cả triệu USD cho mỗi tàu bay thân rộng như Airbus 350, Boeing 787.
Ông Đặng Anh Tuấn, Giám đốc Ban Truyền thông và Thương hiệu của Vietnam Airlines cho biết, hiện Vietnam Airlines có 106 tàu bay; trong đó có các tàu bay thân rộng là 15 chiếc Boeing 787; 14 chiếc Airbus 350.
Vì chi phí mỗi tháng cho việc thuê các tàu bay đội tàu bay thân rộng này là rất lớn nên Vietnam Airlines đang tích cực đàm phán với các đơn vị cho thuê tàu bay.
Tuy nhiên trong bối cảnh khó khăn chung, chính những đơn vị này cũng đang khó khăn nên việc đàm phán miễn giảm giá thuê cũng chưa khả quan.
Trong khi chờ những giải pháp hỗ trợ từ Chính phủ, Hãng hàng không quốc gia Việt Nam - Vietnam Airlines đã phải chuyển hướng vận tải hàng hóa.
Đại diện lãnh đạo của hãng này chia sẻ, ngay sau khi phải cắt, giảm các đường bay chở khách đi Trung Quốc, Đông Bắc Á và châu Âu, từ tháng Ba, Vietnam Airlines đã tăng cường khai thác các chuyến bay chuyên chở hàng hóa trong nước và quốc tế để hạn chế tàu bay "nằm sân" cũng như tăng doanh thu để giảm thua lỗ tại mảng vận chuyển hành khách.
Theo đó, từ ngày 12-31/3, Vietnam Airlines đã triển khai 45 chuyến bay chuyên chở hàng hóa từ hai thành phố lớn là Hà Nội, Thành phố Hồ Chí Minh đi Nhật Bản, Hàn Quốc, Trung Quốc, Hongkong (Trung Quốc), Singapore, Malaysia và Bangkok.
Các chuyến bay chở hàng được khai thác bằng máy bay Boeing 787-9, Airbus A350 với sản lượng đạt 20-25 tấn/chiều, tương đương hệ số sử dụng tải đạt từ 95-100%.
“Những chuyến bay chở hàng là nỗ lực của Vietnam Airlines nhằm góp phần đảm bảo thông thương; duy trì hoạt động sản xuất kinh doanh, đặc biệt trước bối cảnh các chuyến bay phục vụ hành khách phải tạm dừng cả ở thị trường quốc tế và nội địa, việc đẩy mạnh khai thác đội tàu bay chở hàng hóa giúp hạn chế tình trạng tàu bay 'nằm đất,' tối ưu hóa nguồn lực sẵn có của Vietnam Airlines và đóng góp một phần doanh thu cho hoạt động sản xuất kinh doanh của hãng trong giai đoạn khó khăn này,” đại diện Vietnam Airlines chia sẻ.
Theo kế hoạch, trong tháng 4/2020, Vietnam Airlines tiếp tục tập trung tăng cường vận chuyển hàng hóa để đảm bảo giao thương trong nước và quốc tế.
Hãng dự kiến khai thác khoảng 150 chuyến bay chuyên chở hàng hóa giữa Hà Nội-Thành phố Hồ Chí Minh và từ Nha Trang, Cần Thơ đi Hà Nội.
Trên đường bay quốc tế, Vietnam Airlines khai thác hơn 130 chuyến bay chuyên chở hàng hóa đi Đông Bắc Á (Nhật Bản, Hàn Quốc, Trung Quốc, Hongkong), đi Đông Nam Á (Thái Lan, Singapore), đi châu Âu (Anh, Pháp, Đức, Nga) và Australia.
Hãng đang tiếp tục nghiên cứu để đẩy mạnh lĩnh vực vận chuyển hàng hóa từ nay đến cuối năm nhằm duy trì hoạt động sản xuất kinh doanh trước những khó khăn do dịch COVID-19 gây ra.
Theo đánh giá của các chuyên gia kinh tế, với tiềm lực mạnh và nhiều năm tích lũy tài chính cũng như có thị trường lớn như Vietnam Airlines còn đang hết sức điêu đứng thì các hãng hàng không khác tình cảnh còn “bi đát” hơn nhiều.
Đặc biệt là các hãng mới thành lập, muốn tái cơ cấu thị trường, thậm chí chuyển sang vận tải hàng hóa cũng khó vì chưa có thị phần nhiều.
[Từ 30/3: Hãng hàng không chỉ được bay 1 chuyến chặng Hà Nội-TP.HCM]
Tiến sỹ Nguyễn Thiện Tống, chuyên gia hàng không cho rằng, trong bối cảnh các ngành kinh tế đều bị ảnh hưởng của dịch COVID-19, các hãng hàng không trong nước cần cố gắng cầm cự để vượt qua khó khăn. Việc chuyển hướng vận chuyển hàng hóa là giải pháp tốt để duy trì hoạt động của các hãng.
Mặt khác, trong ngắn hạn nếu dịch được kiểm soát thì thị trường nội địa vẫn rất tiềm năng để các hãng khai thác, qua đó vượt qua những khó khăn hiện nay trước khi chờ sự phục hồi của thị trường quốc tế.
Ông Đinh Việt Thắng, Cục trưởng Cục Hàng không Việt Nam cho biết, các “kịch bản” ứng phó với COVID-19 được Cục xây dựng trước đó đến giờ đều bị “phá sản.”
Đến nay, không thể đưa ra đánh giá đầy đủ về tình hình bởi chưa thể biết thời điểm dịch COVID-19 kết thúc.
Trước đây, khi chỉ dừng khai thác mạng bay quốc tế, ngành hàng không “trông chờ” vào thị trường nội địa và mong muốn thay đổi được phần nào những thiệt hại do dịch bệnh COVID-19 gây ra.
Nhưng nay, thị trường nội địa đã phải hạn chế tối đa, việc duy trì một số ít đường bay trọng điểm và mỗi hãng chỉ khai thác 1 chuyến bay/ngày thì hy vọng cũng coi như hết, các hãng rơi vào tình cảnh cạn kiệt nguồn lực.
“Không đánh giá được tăng trưởng, sản lượng khai thác hàng không trong năm nay cũng khó thể dự báo được. Vì vậy, việc tính toán không phải là thiệt hại bao nhiêu mà là cứu vãn được bao nhiêu. Thậm chí, chúng tôi còn lo lắng có thể có hãng khó trụ vững được,” ông Đinh Việt Thắng cho biết.
Theo ông Trần Bảo Ngọc, Vụ trưởng Vụ Vận tải (Bộ Giao thông Vận tải), từ cuối tháng 1/2020, do ảnh hưởng của COVID-19, thị trường vận tải hàng không bắt đầu giảm mạnh, tính đến nay, các hãng hàng không đã dừng, giảm tần suất hàng gần hết các chuyến bay.
Theo báo cáo sơ bộ của các hãng hàng không Việt Nam, thiệt hại ban đầu của việc dừng và hạn chế các đường bay là hơn 30.000 tỷ đồng.
Để có chính sách hỗ trợ ngành hàng không, Bộ Giao thông Vận tải vừa có văn bản gửi Bộ Kế hoạch và Đầu tư báo cáo tình hình ảnh hưởng của dịch COVID-19 đến các đơn vị trong ngành giao thông.
Trong văn bản này, Bộ Giao thông Vận tải đề nghị Bộ Kế hoạch và Đầu tư tổng hợp, báo cáo Thủ tướng Chính phủ cho phép Bộ Giao thông Vận tải ban hành chính sách hỗ trợ giá dịch vụ hàng không cho các hãng hàng không Việt Nam.
Cụ thể, áp dụng chính sách giảm 50% giá cất cánh, hạ cánh tàu bay và giá dịch vụ điều hành bay đi, đến đối với các chuyến bay nội địa, dự kiến từ ngày 1/3/2020 đến hết ngày 31/5/2020 và có thể điều chỉnh tùy theo diễn biến của dịch bệnh.
Cùng đó, cho phép áp dụng mức giá tối thiểu 0 đồng đối với các dịch vụ chuyên ngành hàng không thuộc danh mục Nhà nước quy định khung giá trong thời gian từ 1/3/2020 đến hết ngày 31/5/2020 và có thể điều chỉnh tùy theo diễn biến của dịch bệnh, tạo điều kiện cho các doanh nghiệp cung ứng dịch vụ thực hiện giảm giá cho các hãng hàng không và các doanh nghiệp sử dụng dịch vụ khác.
“Bộ Giao thông Vận tải cũng đề nghị Chính phủ giao Bộ Tài chính chủ trì xem xét hỗ trợ miễn thuế nhập khẩu, thuế bảo vệ môi trường đối với nhiên liệu bay trong thời hạn 3 tháng. Trường hợp cân đối Ngân sách gặp khó khăn, Bộ Giao thông Vận tải đề nghị thực hiện chính sách giảm 50% thuế nhập khẩu, thuế bảo vệ môi trường đối với nhiên liệu bay, đồng thời cho phép các doanh nghiệp được giãn thời hạn nộp thuế và các khoản đóng góp ngân sách,” văn bản của Bộ Giao thông Vận tải nêu rõ.
Trong diễn biến thị trường hàng không toàn cầu, việc dịch COVID-19 đang tiếp tục có chiều hướng phức tạp, nhiều hãng hàng không lớn đã được ra hàng loạt các giải pháp; trong đó giải pháp đầu tiên là cắt giảm công suất và đội ngũ nhân sự cũng như cho lao động nghỉ việc tạm thời trong vài tháng tới.
Theo Công ty dữ liệu OAG, quy mô hoạt động của ngành hàng không thế giới hiện đã giảm hơn 50% so với hồi giữa tháng 1/2020 do các hãng hàng không trên thế giới nhanh chóng cắt giảm công suất.
Air New Zealand cho biết sẽ sa thải khoảng 3.500 nhân viên, tương đương gần 30% lực lượng lao động trong những tháng tới, vì dịch COVID-19 khiến hãng hàng không này phải hủy gần như tất cả chuyến bay.
Giám đốc điều hành Air New Zealand, Greg Foran cho hay dịch COVID-19 đã khiến doanh thu của hãng hàng không này giảm từ 5,8 tỷ USD xuống còn chưa tới 500 triệu USD.
Trước đó, vào đầu tháng 3/2020, Chính phủ New Zealand đã cung cấp khoản cứu trợ 900 triệu NZD (540,99 triệu USD) để giúp hãng hàng không này duy trì hoạt động.
Trong khi đó, Hãng hàng không Air Canada cũng thông báo sẽ cắt giảm 85-90% công suất trong quý 2/2020 và cho nghỉ việc tạm thời khoảng 15.200 lao động và 1.300 nhân sự quản lý.
Còn Hãng hàng không Lufthansa (Đức) cho biết, 27.000 nhân viên của họ sẽ giảm giờ làm. Một hãng hàng không khác là EasyJet PLC cho biết sẽ cho nghỉ việc tạm thời trong hai tháng đối với 4.000 nhân viên làm việc tại Anh trong khi Hãng hàng không giá rẻ flydubai cho biết sẽ giảm lương của nhân viên trong ba tháng.
Hãng hàng không American Airlines Holdings Inc cũng dự định nộp đơn xin khoản viện trợ chính phủ lên tới 12 tỷ USD với cam kết không sa thải người lao động không tự nguyện nghỉ việc hoặc cắt giảm lương trong 6 tháng tới./.