COVID-19 khiến người châu Á tại nhiều nơi bị phân biệt đối xử

Ngoài những vấn đề về y tế, dịch viêm đường hô hấp COVID-19 còn gây ra những vấn đề về xã hội đáng lo ngại, trong đó có nạn phân biệt đối xử dành cho những người châu Á.
COVID-19 khiến người châu Á tại nhiều nơi bị phân biệt đối xử ảnh 1Một cửa hàng từ chối phục vụ khách Trung Quốc. (Ảnh: Reuters)

Dịch viêm đường hô hấp COVID-19 hiện vẫn đang tiếp tục bùng phát trên toàn cầu với tốc độ nhanh chóng, đặc biệt là tại Trung Quốc. Tuy nhiên, ngoài những vấn đề về y tế, dịch còn mang đến những vấn đề về xã hội đáng lo ngại, trong đó có nạn phân biệt đối xử dành cho những người châu Á.

Tại nhiều nơi trên thế giới, công dân các nước châu Á đã phải nhận những cái nhìn không mấy thiện cảm từ người dân địa phương vì nghĩ họ đến từ Trung Quốc - tâm điểm của dịch COVID-19. Hôm 4/2, 3 du khách Nhật Bản đến thăm cánh đồng muối Uyuni ở Bolivia đã bị cách ly tại một bệnh viện địa phương, dù chưa từng đến Trung Quốc và không có bất cứ biểu hiện nào của bệnh COVID-19.

Sau một thời gian ngắn bị cách ly, 3 du khách này đã được ra viện. Tuy nhiên, dường như nhóm du khách này đã phải chịu thái độ không mấy lịch sự của chính quyền địa phương, một phần do hoảng sợ và thiếu thông tin.

Trước đó, hồi cuối tháng 1 tại Rio de Janeiro (Brazil), một nữ sinh viên luật mang hai quốc tịch Nhật Bản-Brazil đã bị xúc phạm trên tàu điện ngầm. Một người phụ nữ trên tàu đã gọi sinh viên này là "tên người Trung Quốc đang lây lan dịch bệnh cho mọi người."

Hồi tháng 2, tại một ga tàu điện ngầm nằm trong khu phố người Hoa ở New York (Mỹ), một phụ nữ châu Á đeo khẩu trang đã bị một người đàn ông bất ngờ tấn công. Kẻ tấn công đấm đá liên tục vào người phụ nữ, gọi người này là "đồ bệnh dịch". Đoạn video về vụ việc này sau đó đã xuất hiện trên khắp các mạng xã hội và cảnh sát New York đã coi đây là một tội ác thù hận do những lo sợ về COVID-19.

Trong khi đó, tại thành phố Seattle, một người phụ nữ đã bị chủ nhà yêu cầu rời đi và phải cách ly, do cô từng đến Trung Quốc hồi cuối tháng 12/2019. Tuy nhiên, người phụ nữ này không hề có biểu hiện của COVID-19 và cũng chưa từng bị nhà chức trách yêu cầu rời khỏi nhà.

Tại Pháp, một nhóm sinh viên từ Đại học Hitotsubashi (Nhật Bản) đến thăm thủ đô Paris thì bị nhiều thanh niên địa phương trêu chọc. Nhóm thanh niên dùng tay che mũi và miệng, sau đó liên tục hét lớn "corona" vào nhóm sinh viên.

Tại Ai Cập, theo Đại sứ quán Nhật Bản tại Cairo, nhân viên tại nhiều cửa hàng bán quần áo ở thành phố này đều tỏ ra ngần ngại khi phục vụ khách hàng châu Á. Một số người dân địa phương còn hét "corona" mỗi khi thấy người châu Á đi trên đường. Việc từ chối phục vụ người Trung Quốc không chỉ xảy ra tại Ai Cập mà còn tại nhiều quốc gia khác trên thế giới.

Những hành động phân biệt đối xử dành cho người châu Á xảy ra ở khắp các nơi trên toàn thế giới. Hầu hết những vụ việc này đều xuất phát từ sự thiếu hiểu biết của người dân địa phương, vốn không thể phân biệt người Trung Quốc với công dân của các quốc gia châu Á khác.

Cho đến nay, dịch COVID-19 vẫn đang gây nhiều quan ngại, đặc biệt là tại Trung Quốc. Hiện đã có 2.120 người tử vong do dịch bệnh này, hầu hết đều ở Trung Quốc./.

 
(Vietnam+)