COVID-19 chứng minh dầu mỏ vẫn là trung tâm hoạt động kinh tế toàn cầu

COVID-19 chứng minh dầu mỏ vẫn là trung tâm hoạt động kinh tế

Sự bùng phát của dịch viêm đường hô hấp COVID-19 ở Trung Quốc đang lan rộng ra quy mô toàn cầu lại khiến dầu mỏ một lần nữa chứng minh vai trò như một thước đo quan trọng của các hoạt động kinh tế.
COVID-19 chứng minh dầu mỏ vẫn là trung tâm hoạt động kinh tế ảnh 1Một cơ sở lọc dầu ở Shuaiba, Iraq. (Nguồn: AFP/TTXVN)

Sự trồi sụt thất thường của giá dầu trong vài tháng vừa qua khiến nhiều nhà phân tích từng đưa ra quan điểm cho rằng giá dầu không còn là “phong vũ biểu” cho những căng thẳng địa chính trị tại Trung Đông.

Tuy nhiên, sự bùng phát của dịch viêm đường hô hấp COVID-19 ở Trung Quốc và đang lan rộng ra quy mô toàn cầu lại khiến dầu mỏ một lần nữa chứng minh vai trò như một thước đo quan trọng của các hoạt động kinh tế thế giới.

Trong những phiên giao dịch đầu tuần này, giá dầu mỏ thế giới đã giảm tới 14,5 USD/thùng, so với thời điểm tháng 1/2019 và chạm mức thấp nhất trong hơn một năm qua khi nhu cầu tiêu thụ “vàng đen” của Trung Quốc suy yếu trước sự bùng phát của dịch bệnh do COVID-19.

[Giá dầu tăng khi lo ngại về tình trạng dư cung tiếp tục dịu đi]

Giá dầu ngọt nhẹ WTI có lúc xuống dưới ngưỡng “tâm lý” 50 USD/thùng, trong khi dầu Brent cũng rớt giá xuống mức thấp nhất kể từ tháng 12/2018. COVID-19 là lý do chính đằng sau tâm lý bất an trên các thị trường hàng hóa. Theo số liệu của Tập đoàn dầu mỏ BP (Anh), Trung Quốc là nước tiêu thụ hàng hóa lớn thứ hai thế giới, chiếm khoảng 14% tổng lượng tiêu thụ toàn cầu trong năm 2018.

Các nhà điều hành các công ty lọc dầu ở Trung Quốc lo ngại rằng nhu cầu tiêu thụ của nước này có thể giảm 3,5 triệu thùng/ngày trong tháng 2/2020, tương ứng khoảng 3% nhu cầu thế giới, làm dấy lên lo ngại nguồn cung dầu toàn cầu sẽ bị dư thừa quá mức và tác động nghiêm trọng tới triển vọng ổn định thế giới.

Bức tranh “ảm đạm” trên thị trường dầu thô diễn ra ngay cả khi sản lượng của Libya đã “rơi tự do” trong tháng Một vừa qua do cuộc khủng hoảng chính trị trong nước.

Những diễn biến gần đây cho thấy Trung Quốc vẫn là trung tâm của nền kinh tế và chuỗi cung ứng toàn cầu.

COVID-19 đã khiến nhiều nhà máy ở Trung Quốc phải kéo dài thời gian đóng cửa sau kỳ nghỉ Tết Nguyên đán.

Điều này không chỉ ảnh hưởng đến Tổng sản phẩm quốc nội của Trung Quốc mà còn tạo ra những “hiệu ứng dây chuyền” đối với toàn bộ lĩnh vực sản xuất trên tất cả các châu lục.

Ví dụ, tập đoàn sản xuất ôtô Hyundai của Hàn Quốc đã phải đóng cửa một số nhà máy do thiếu phụ tùng và linh kiện nhập khẩu.

Thời gian càng kéo dài, càng có nhiều công ty khác ở châu Á, châu Âu và Mỹ phải chịu ảnh hưởng nặng nề.

Trung Quốc cũng giữ vị trí quan trọng trong hoạt động sản xuất và lắp ráp điện thoại thông minh iPhone cho tập đoàn Apple của Mỹ. Khi các giao dịch chững lại, nhu cầu về nhiên liệu vận tải hàng hóa, cụ thể là dầu mỏ, chắc chắn sẽ đi xuống.

Do đó, “hiệu ứng dây chuyền” sẽ tác động tới các khu vực sản xuất ở nhiều nền kinh tế khác nhau.

Để chặn đà xuống giá của dầu mỏ, Tổ chức Các nước Xuất khẩu Dầu mỏ (OPEC) và những đồng minh chủ chốt (còn gọi là nhóm OPEC+) đã quyết định cắt giảm sản lượng 1,7 triệu thùng/ngày tại cuộc họp hồi tháng 12 năm ngoái.

Trong khuôn khổ cuộc họp của Ủy ban kỹ thuật OPEC+ tuần trước, liên minh dầu mỏ này khuyến nghị cắt giảm thêm 600.000 thùng/ngày ít nhất cho đến quý 2/2020 do lo ngại dịch viêm đường hô hấp cấp do COVID-19 gây ra tác động tiêu cực đến các hoạt động kinh tế, đặc biệt là vận tải, du lịch và công nghiệp, nhất là ở Trung Quốc.

Bên cạnh đó, OPEC+ đang cân nhắc khả năng tiếp tục cắt giảm sản lượng hơn nữa, trong khi Saudi Arabia mong muốn đẩy sớm cuộc họp chính sách dự kiến vào tháng 3/2020 sang tháng 2/2020.

Trong vòng ba năm qua, Saudi Arabia đã chấp nhận cắt giảm sản lượng dầu mỏ nhiều nhất trong OPEC+ và thường xuyên hạ sản lượng vượt quá hạn ngạch để bù đắp cho một số thành viên khác.

Ước tính, sản lượng dầu thô của Saudi Arabia trong tháng 1/2020 ở mức 9,74 triệu thùng/ngày.

Trong khi đó, quốc gia vùng Vịnh này cần giá dầu quanh ngưỡng ít nhất 70 USD/thùng để cân bằng ngân sách và Chính quyền Riyadh đang hy vọng rằng sự lây lan của COVID-19 nhanh chóng được ngăn chặn và tác động tối thiểu đến nhu cầu dầu mỏ của Trung Quốc.

Khi các Bộ trưởng OPEC+ nhóm họp trong cuộc gặp sắp tới, tình hình có thể sẽ có những diễn biến mới để quyết định về mức độ cắt giảm bổ sung cần thiết cũng như thời điểm áp dụng.

Giới phân tích dự báo con số cắt giảm thêm tối thiểu có thể lên tới 500.000 thùng/ngày, song điều đó sẽ phụ thuộc vào mức độ lan rộng của virus COVID-19 và những ảnh hưởng tiếp theo tới chuỗi cung ứng toàn cầu, ngành hàng không và du lịch.

Hiện chưa rõ COVID-19 sẽ còn lây lan đến đâu về mặt địa lý và nó sẽ tồn tại trong bao lâu, khiến công tác dự báo nhu cầu dầu thô thế giới trở nên khó khăn hơn.

COVID-19 đã phản ánh một thực tế rằng kinh tế Trung Quốc vẫn nắm giữ vai trò rất quan trọng đối với nền kinh tế toàn cầu, chuỗi cung ứng liên kết và thị trường dầu mỏ, ngay cả khi quá trình chuyển đổi sang các nguồn năng lượng thân thiện với môi trường đang diễn ra trên khắp thế giới./.

(Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục