CPI giảm đặt ra những lo ngại mới cho nền kinh tế

CPI có xu hướng tăng rất ít được xem là tín hiệu mừng nhưng GDP chỉ tăng 4%, sức tiêu dùng giảm lại đặt ra những quan ngại mới cho nền kinh tế.
Chỉ số giá tiêu dùng có xu hướng tăng rất ít kể từ tháng Hai tới nay được xem là tín hiệu mừng cho nền kinh tế.

Nhưng xét trong bối cảnh GDP quý một của cả nước chỉ tăng 4%, hoạt động sản xuất kinh doanh của doanh nghiệp vẫn đình trệ và sức tiêu dùng suy giảm thì điều này lại đặt ra những quan ngại mới cho nền kinh tế.

Những dấu hiệu đáng chú ý

Chỉ số giá tiêu dùng (CPI) tháng Tư chỉ tăng 0,05% so với tháng trước, trong đó có 8/11 nhóm hàng tăng giá, nhóm hàng giao thông tăng cao nhất là 2,67%, thứ hai là nhóm hàng giáo dục tăng 1,63%, các nhóm hàng khác tăng nhẹ là may mặc, mũ nón giày dép, thiết bị và đồ dùng gia đình… Có 3/11 nhóm hàng hóa giảm giá.

Nhóm hàng ăn và dịch vụ ăn uống (nhóm chiếm quyền số lớn trong rổ hàng hóa) giảm 0,8%. Nhóm nhà ở vật liệu xây dựng (bao gồm tiền thuê nhà ở, điện nước, chất đốt và vật liệu xây dựng) giảm tới 0,44%.

Ông Đỗ Thức, Tổng Cục trưởng Tổng Cục Thống kê, đánh giá trong số những nhân tố chủ yếu tác động vào CPI của tháng phải kể trước hết đến ảnh hưởng của giá xăng được điều chỉnh ngày 7/3 tăng 10%, làm cho CPI tháng Tư tăng thêm 0,19%; thứ hai là nhóm giáo dục của một số tỉnh điều chỉnh học phí theo Nghị định 49 của Chính phủ cũng làm CPI tăng lên.

Tuy nhiên, cũng có nhiều yếu tố làm CPI giảm, tiêu biểu là nhóm lương thực, thực phẩm, gas. “So với các tháng và so với cùng kỳ năm thì CPI đang giảm dần, tức là tốc độ tăng chậm dần. Dự đoán, CPI từ nay đến cuối năm sẽ tăng lên nhưng tốc độ tăng sẽ khác với năm 2011. Đây là mức tăng thấp nhất trong chín năm nay,”  ông Thức cho biết.

Tại kỳ họp thứ bảy Ủy ban Thường vụ Quốc hội khóa 13 vừa diễn ra cũng như tại nhiều cuộc hội thảo, hội nghị thời gian qua, việc sản xuất kinh doanh các tháng đầu năm không có nhiều cải thiện, nhu cầu tiêu dùng giảm sút, lượng hàng tồn kho cao dẫn đến nhiều doanh nghiệp phải giải thể hoặc tạm ngừng sản xuất là một chủ đề "nóng," khiến cho nhiều người lo ngại CPI giảm nhanh và quá sâu là biểu hiện sự suy giảm kinh tế.

CPI sẽ tăng thời gian tới

Tại kỳ họp Ủy ban Thường vụ Quốc hội, ông Bùi Quang Vinh, Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư, cho rằng CPI đột ngột giảm mạnh là có vấn đề và tụt xuống dưới 0,1% là rất đáng ngại. Đã vậy, GDP lại tăng trưởng chậm hơn nhiều so với năm trước, chỉ số sản xuất công nghiệp cũng chậm lại, tồn kho tăng cao. Nhiều con số mới nghe thì mừng nhưng ngẫm kỹ lại thấy lo. Tuy nhiên, ông Vinh khẳng định, để đánh giá đầy đủ về tình hinh kinh tế năm 2012 cần phải chờ đến tháng Năm hoặc hết quý hai.

Ông Bùi Kiến Thành, chuyên gia kinh tế, nêu câu hỏi CPI chỉ còn 0,05% nên mừng hay nên lo? Tại sao CPI lại đi xuống như vậy? Nghị quyết 11 đưa ra với mục tiêu ổn định kinh tế vĩ mô, kiềm chế lạm phát và đảm bảo an sinh xã hội có ba nội dung quan trọng gồm chính sách tiền tệ chặt chẽ, linh hoạt; chính sách tài khóa thắt chặt và thúc đẩy sản xuất kinh doanh. Tuy nhiên, nội dung thứ ba lại chưa thực sự đạt hiệu quả. “Chỉ số CPI xuống là mừng nhưng nghĩ kỹ, khi có bao nhiêu doanh nghiệp tồn kho, bán đổ bán tháo không ai mua. Vậy CPI xuống do giá xuống hay hàng bán không được?” ông Thành bày tỏ.

Theo báo cáo thống kê đến ngày 21/3, số lượng doanh nghiệp ngừng sản xuất và giải thể tăng lên với trên 2.200/9.700 doanh nghiệp đăng ký ngừng hoạt động. Như vậy, số doanh nghiệp giải thể và ngừng hoạt động tăng 6% so với cùng kỳ năm trước. Đặc biệt, số doanh nghiệp hoàn tất thủ tục giải thể đã tăng 57%.

Ông Trương Đình Tuyển, nguyên Bộ trưởng Bộ Thương mại, cho rằng nền kinh tế đang có những dấu hiệu bất ổn, tổng cầu thấp và quý một mức tiêu thụ xăng, điện giảm. Do đó, khả năng đạt mức lạm phát thấp, thậm chí Chính phủ không hành động gì cũng có thể đạt ở mức 6%. Tuy nhiên, không nên “thừa thắng xông tới” để đưa lạm phát về mức 6-7% vì như vậy doanh nghiệp cực kỳ khó khăn.

Đánh giá về tác động của việc tăng lương tối thiều từ ngày 1/5 lên CPI, ông Đỗ Thức cho rằng việc tăng lương cũng sẽ giúp quan hệ cung cầu được cải thiện, làm tăng CPI trong thời gian tới. Một yếu tố nữa là giá lương thực, thực phẩm cũng có thể sẽ tăng trở lại trong các tháng tới, làm tăng CPI./.

Quang Toàn (TTXVN)

Tin cùng chuyên mục