Cứ 10 thanh niên có 1 người thất nghiệp: Cần nguồn lực hỗ trợ việc làm

Theo Bộ Lao động-Thương binh và Xã hội, cứ 10 thanh niên thì có 1 người bị thất nghiệp. Đặc biệt, số lao động trẻ đang làm việc có nguy cơ mất việc cao gấp ba lần so với những lao động lớn tuổi hơn.
Diễn đàn chính sách về việc làm cho thanh niên. (Ảnh: PV/Vietnam+)
Diễn đàn chính sách về việc làm cho thanh niên. (Ảnh: PV/Vietnam+)

Tỷ lệ thất nghiệp của lao động thanh niên còn cao cho thấy Việt Nam chưa tận dụng được lợi thế của giai đoạn “dân số vàng.” Nhiều sinh viên ra trường gặp khó khăn trong tìm kiếm việc làm hoặc phải làm trái ngành, trái nghề, việc làm của thanh niên cũng không ổn định.

Đây là thông tin được đưa ra tại Diễn đàn chính sách về việc làm cho thanh niên năm 2023 do Bộ Lao động-Thương binh và Xã hội, Ủy ban quốc gai về thanh niên Việt Nam, Ủy ban Văn hoá, Giáo dục của Quốc hội tổ chức hôm nay, 5/5.

Tỷ lệ thanh niên thất nghiệp cao gấp 3 lần

Hiện nay, tình trạng thất nghiệp của thanh niên, nhất là nhóm tuổi 15-24 đang là thách thức đối với nền kinh tế Việt Nam. Tỷ lệ thất nghiệp thanh niên (15-24 tuổi) năm 2020 là 7,21%, năm 2021 là 8,55%, năm 2022 là 7,72%, quý 1/2023 là 7,61%, cao gấp 3,38 lần tỷ lệ thất nghiệp chung của cả nước (2,25%). Gần 1/3 số người thất nghiệp trong nhóm tuổi từ 15-24 tuổi.

Thứ trưởng Bộ Lao động-Thương binh và Xã hội Lê Văn Thanh cho biết trong 10 thanh niên thì có một thanh niên bị thất nghiệp; số lao động trẻ đang làm việc hiện nay có nguy cơ mất việc cao gấp ba lần so với những lứa tuổi lớn hơn.

Theo Thứ trưởng Lê Văn Thanh, so với thế giới và khu vực, tỷ lệ thất nghiệp ở Việt Nam không phải vấn đề nghiêm trọng, nhưng tỷ lệ thất nghiệp cao trong thanh niên phản ánh việc kết nối cung và cầu lao động thanh niên chưa thực sự hiệu quả, đòi hỏi phải xác định rõ nguyên nhân do chất lượng lao động thanh niên chưa đáp ứng yêu cầu thị trường hay chưa có các giải pháp phù hợp giúp thanh niên tham gia thị trường lao động hay do ý thức, trách nhiệm của bản thân thanh niên.

[25% số việc làm hiện nay trên thế giới sẽ thay đổi trong 7 năm tới]

Ông Đinh Ngọc Quý, Ủy viên Thường trực Ủy ban Xã hội của Quốc hội cũng chỉ ra thực tế tỷ lệ lực lượng lao đông trong dân số thanh niên luôn chiếm tỷ trọng cao, trên 75%. Tuy nhiên, trình độ chuyên môn đang là vấn đề cảnh báo khi bức tranh chung về lao động qua đào tạo còn hạn chế và tăng rất chậm. Đến hết năm 2022, tỷ lệ lao động qua đào tạo mới ở mức 67%; trong đó tỷ lệ đào tạo có bằng, chứng chỉ mới đạt 27,2%.

Đại diện Cục Việc làm (Bộ Lao động-Thương binh và Xã hội) cũng thẳng thắng nhìn nhận chất lượng việc làm chưa cao, tính ổn định, bền vững trong việc làm và hiệu quả tạo việc làm còn thấp, đặc biệt là đối với thanh niên trong độ tuổi từ 15-24. Bên cạnh đó, nhiều thanh niên di cư ra thành thị, khu công nghiệp còn gặp nhiều khó khăn trong tiếp cận, thụ hưởng các dịch vụ xã hội cơ bản, nhất là về nhà ở, y tế, giáo dục.

Cần thêm chính sách, nguồn lực hỗ trợ

Tại diễn đàn, các đại biểu nhận định hệ thống chính sách việc làm tương đối đồng bộ nhưng còn thiếu các chính sách riêng nhằm đẩy mạnh tạo việc làm cho thanh niên, nhất là sinh viên, thanh niên nông thôn.

Bên cạnh đó, các chính sách ưu đãi đối với thanh niên làm việc ở vùng nông thôn, vùng sâu, vùng xa chưa thực sự hấp dẫn. Một bộ phận lớn sinh viên sau khi tốt nghiệp không trở về địa phương, gây sức ép về việc làm ở khu vực thành thị, tiềm ẩn các nguy cơ tiêu cực xã hội đối với thanh niên.

Cứ 10 thanh niên có 1 người thất nghiệp: Cần nguồn lực hỗ trợ việc làm ảnh 1Đại diện các bộ ngành trả lời các thắc mắc về chính sách việc làm cho thanh niên. (Ảnh: PV/Vietnam+)

Ngoài ra, hiện nay mới chỉ có đối tượng thanh niên hoàn thành nghĩa vụ quân sự là được cấp thẻ học nghề còn đối tượng là thanh niên hoàn thành nghĩa vụ công an, thanh niên tình nguyện chưa được cấp thẻ đồng thời các đối tượng này chưa được Nhà nước hỗ trợ đi làm việc ở nước ngoài theo hợp đồng.

Theo Thứ trưởng Lê Văn Thanh, hằng năm các chương trình, đề án, dự án hỗ trợ việc làm đã góp phần tư vấn, định hướng nghề nghiệp, giới thiệu việc làm cho hàng triệu thanh niên; hỗ trợ hàng trăm ngàn thanh niên tạo việc làm qua các nguồn tín dụng ưu đãi. Tuy nhiên, các chính sách riêng cho thanh niên vẫn còn thiếu, nhất là các nhóm đặc thù, yếu thế. Nguồn lực cho các chương trình, dự án hỗ trợ tạo việc làm cho thanh niên còn hạn chế.

Ông Huỳnh Văn Thuận, Phó Tổng Giám đốc Ngân hàng chính sách xã hội Việt Nam cho biết vốn tín dụng chính sách xã hội được đầu tư cho đào tạo nghề, phát triển sản xuất, tạo sinh kế, tạo việc làm cho các đối tượng là thanh niên chủ yếu tập trung vào 6 chương trình: Chương trình tín dụng hộ nghèo, hộ cận nghèo, hộ mới thoát nghèo, cho vay giải quyết việc làm, tín dụng cho học sinh sinh viên có hoàn cảnh khó khăn, tín dụng đối với vùng khó khăn. Trong đó, nguồn vốn cho vay giải quyết việc làm hiện nay còn rất hạn chế do huy động từ nguồn vốn của địa phương.

Thông qua nguồn vốn tín dụng chính sách, Ngân hàng Chính sách Xã hội đã giúp cho thanh niên được vay vốn để phát triển sản xuất, kinh doanh, khởi nghiệp, tạo việc làm, góp phần làm giảm tỷ lệ thất nghiệp, tăng thu nhập, nâng cao đời sống cho thanh niên. Do đó, theo ông Huỳnh Văn Thuận, các cơ quan chức năng cần có giải pháp trình Chính phủ để ưu tiến nguồn vốn cho thanh niên. Ở cấp địa phương, ngân hàng chính sách đang phối hợp tới tổ chức đoàn xây dựng các đề án cho thanh niên khởi nghiệp để có thể huy động nguồn vốn hỗ trợ thanh niên ở các địa phương.

Ông Đinh Ngọc Quý cho rằng chính sách về khởi nghiệp đã có và thanh niên là lực lượng xung kích trong lĩnh vực này, song cần phải cụ thể hóa bằng các chính sách ưu đãi. Do đó, Chính phủ cần quan tâm xử lý các cơ chế về nguồn lực để thanh niên có thể phát huy được vai trò xung kích, đặc biệt đối với các chủ trương lớn, các chương trình kinh tế-xã hội trọng điểm, các chương trình mục tiêu quốc gia.

Thứ trưởng Lê Văn Thanh cũng nhấn mạnh cần phải chú trọng lồng ghép hỗ trợ việc làm cho thanh niên vào quá trình thực hiện 3 chương trình mục tiêu quốc gia: Chương trình mục tiêu quốc gia về giảm nghèo bền vững, Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới và Chương trình mục tiêu quốc gia phát triển kinh tế-xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi. Tuỳ theo đặc thù thanh niên thuộc nhóm đối tượng nào thì triển khai chương trình hỗ trợ phù hợp.

Giai đoạn “dân số vàng” của Việt Nam đang trôi dần về những năm cuối (dự báo khoảng năm 2039) và giai đoạn già hóa dân số đến nhanh. Sự thay đổi này đặt ra ngày càng nhiều thách thức đối với nhóm dân số trong lực lượng lao động, trong đó thanh niên sẽ phải gánh vác nhiều trọng trách hơn cả về việc làm và an sinh xã hội. Do đó, các chuyên gia nhấn mạnh Chính phủ cần phải có những chính sách hỗ trợ việc làm kịp thời cho thanh niên./.

(Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục