Chỉ còn vài ngày nữa là đến Tết Trung Thu năm 2021, tức ngày rằm tháng Tám Âm lịch, nên thị trường bánh Trung Thu tại Thành phố Hồ Chí Minh bắt đầu khởi sắc hơn so thời điểm đầu tháng 9.
Lượng khách tới mua trực tiếp tăng
Đặc biệt, hầu hết cửa hàng bánh trên địa bàn thành phố đều khẩn trương nắm bắt cơ hội "bán mang về" khi chính quyền Thành phố Hồ Chí Minh ban hành quy định mới về các biện pháp phòng chống dịch COVD-19 và cho phép thêm nhiều đối tượng lưu thông trên đường.
Cụ thể, Ủy ban Nhân dân Thành phố Hồ Chí Minh đã ban hành công văn số 3072/UBND-VX về thực hiện các biện pháp phòng chống dịch COVID-19 trên địa bàn thành phố từ ngày 16/9 đến ngày 30/9/2021; đồng thời, tiếp tục áp dụng biện pháp giãn cách xã hội và phòng chống dịch COVID-19 trên toàn địa bàn Thành phố Hồ Chí Minh theo tinh thần Chỉ thị số 16/CT-TTg, nhưng có sự điều chỉnh phù hợp với từng quận, huyện, khu vực cụ thể.
Những địa bàn đã cơ bản kiểm soát được dịch bệnh, gồm Quận 7, huyện Củ Chi, huyện Cần Giờ và những khu chế xuất, khu công nghiệp trên địa bàn quận, huyện; khu Công nghệ cao, thành phố Thủ Đức được thực hiện thí điểm cho người dân đi chợ 1 lần/tuần.
Bổ sung nhiều lĩnh vực sản xuất, kinh doanh được hoạt động theo kế hoạch của Ủy ban Nhân dân địa phương, tuân thủ Bộ tiêu chí an toàn do Ủy ban Nhân dân Thành phố Hồ Chí Minh ban hành.
Hòa chung làn sóng nhiều lĩnh vực, ngành nghề mở cửa kinh doanh trở lại trên địa bàn Thành phố Hồ Chí Minh, tại nhiều hệ thống cửa hàng, điểm bán bánh Trung Thu cũng có không khí bán buôn nhộn nhịp, cùng với việc phục vụ khách hàng mua trực tiếp.
Mặc dù đơn vị kinh doanh tuân thủ quy định "bán mang về," nhưng lượng khách hàng trực tiếp xếp hàng chờ mua và giao nhận bánh cũng khá đông trong những ngày đầu tiên hệ thống cửa hàng, điểm bán bánh Trung Thu mở cửa kinh doanh trở lại.
[Tết Trung Thu mùa COVID-19: Mua sắm, học làm bánh trên sàn online]
Ghi nhận tại cửa hàng bánh Như Lan (Quận 1, Thành phố Hồ Chí Minh) đã bắt đầu mở cửa phục vụ khách hàng trực tiếp từ ngày 16/9, bên cạnh kinh doanh đa dạng mặt hàng thực phẩm chế biến sẵn, cửa hàng này còn tung ra thị trường nhiều chủng loại sản phẩm phục vụ mùa bánh Trung Thu năm 2021.
Đối tượng khách hàng trực tiếp mua bánh Trung Thu tại cửa hàng bánh Như Lan chủ yếu là những đầu mối mua chung phục vụ cho khu dân cư, cộng đồng, hoặc đội ngũ giao hàng (shipper), tổ chức thiện nguyện... với hình thức "bán mang về."
Tương tự, tại cửa hàng bánh Givral trên đường Khánh Hội, quận 4, Thành phố Hồ Chí Minh cũng mở cửa kinh doanh trở lại với hình thức "bán mang về."
Cửa hàng này tổ chức hoạt động kinh doanh vừa theo hình thức online vừa phục vụ khách hàng trực tiếp; trong đó, khách hàng trực tiếp mua sắm tập trung vào một số đơn vị như đại diện khu phố, tổ dân phố, ban quản lý chung cư...
Trao đổi với phóng viên TTXVN, anh Thanh Tâm, chủ cửa hàng kinh doanh bánh ngọt các loại trên đường 3/2, quận 10, Thành phố Hồ Chí Minh cho hay, trước khi được mở cửa kinh doanh trở lại, cửa hàng vẫn bán hàng online, chủ yếu là mặt hàng bánh Trung Thu năm 2021.
Tuy nhiên, khi được mở cửa trở lại, cửa hàng vẫn duy trì nhận đơn hàng online và giao hàng tận nơi, song song với phục vụ khách hàng trực tiếp.
Còn anh Hải Minh, chủ cửa hàng thực phẩm trên đường Điện Biên Phủ, quận 3, Thành phố Hồ Chí Minh, chia sẻ hàng năm tại cửa hàng có lợi thế giới thiệu và kinh doanh đa dạng mặt hàng bánh Trung Thu do cơ sở Hà Nội sản xuất.
Mùa bánh Trung Thu năm nay trong bối cảnh đặc biệt, dẫn đến khâu vận chuyển, giao nhận gặp khó khăn, nên cửa hàng chỉ bán một số loại bánh do một số cơ sở sản xuất tại Thành phố Hồ Chí Minh cung cấp.
Người mua nhận hàng sau 1-3 ngày
Đánh giá về sức mua trên thị trường bánh Trung Thu 2021 trong những ngày gần đây, nhiều đơn vị kinh doanh tham gia thị trường bánh Trung Thu 2021 tại Thành phố Hồ Chí Minh cho biết, vì triển khai cả hình thức bán hàng online và mở cửa hàng phục vụ khách hàng trực tiếp nên sức mua tăng đáng kể so với thời điểm trước khi công văn số 3072/UBND-VX.
Bên cạnh đó, việc trả đơn hàng cho khách hàng và giao hàng tận nơi cũng thuận lợi hơn, nhất là người dân có thể nhận được sản phẩm bánh sau 1-3 ngày đặt hàng.
Mặc dù vậy, hầu hết đơn vị kinh doanh này đều đưa ra dự báo, sức mua thị trường bánh Trung Thu năm 2021 sẽ thấp hơn cùng kỳ năm trước, bởi tính đến thời điểm này, gần như người dân Thành phố Hồ Chí Minh vẫn đang thực hiện quy định về giãn cách xã hội “ai ở đâu ở yên đó” nên sản phẩm vẫn gặp rào cản trong khâu tiếp cận khách hàng.
Hơn thế nữa, dịch COVID-19 tác động đến tất cả lĩnh vực kinh tế, xã hội, đời sống người dân, kể cả thu nhập của nhiều hộ dân gia đình đều bị sụt giảm nên có xu hướng tiết kiệm trong chi tiêu sinh hoạt hàng ngày.
Thị trường bánh Trung Thu năm nay không chỉ bị giảm số lượng khách hàng mua, mà còn giảm số lượng mua trên mỗi khách hàng.
Điển hình, đối với khách hàng là một số doanh nghiệp, công ty..., năm nay chỉ mua phục vụ biếu tặng cho người lao động và cắt giảm danh mục biếu, tặng đối tác, khách hàng thân thiết...
Riêng khách hàng mua lẻ thì cũng mua sắm với số lượng phổ biến từ 1-2 hộp để phục vụ nhu cầu của gia đình, chứ không biếu, tặng người thân, bạn bè...
Ở góc độ người tiêu dùng, chị Khánh Linh, cư ngụ tại huyện Cần Giờ, Thành phố Hồ Chí Minh phân tích, hàng năm cứ vào mỗi dịp Tết Trung Thu là gia đình hay mua bánh biếu, tặng người thân, bạn bè, nhưng năm nay thực hiện giãn cách xã hội nên việc biếu, tặng khó đến với người nhận như mong muốn nên chỉ mua đủ tiêu dùng cho gia đình.
Tùy theo dòng sản phẩm và chủng loại, bánh Trung Thu có giá dao động từ 60.000 đồng/sản phẩm đến 750.000 đồng/sản phẩm. Riêng những sản phẩm bánh Trung Thu được phân phối và bán lẻ theo hộp, combo, mua chung... có giá dao động từ 320.000 đồng/sản phẩm đến vài triệu đồng/sản phẩm, tùy vào thương hiệu bánh.
Các đơn vị sản xuất kinh doanh mặt hàng bánh Trung Thu cũng triển khai áp dụng mức chiết khấu cho đơn vị phân phối và bán lẻ phổ biến dao động từ 10-25%, tùy theo số lượng đơn hàng.
Với sống lượng 5-10 hộp bánh thì nhà phân phối và bán lẻ có thể được hưởng mức chiết khấu dao động từ 5-10%; còn với số lượng từ 201-500 hộp là 24-25%...
Ngoài hoạt động mua bán, kinh doanh, một số doanh nghiệp, nhà bán lẻ... trên địa bàn Thành phố Hồ Chí Minh cũng mang lại nhiều ý nghĩa thiết thực cho mùa bánh Trung Thu năm 2021 với đa dạng hoạt động thiện nguyện; trong đó, phổ biến nhất là hình thức kết hợp hoạt động kinh doanh với việc trích phần trăm doanh số để tiếp sức cho lực lượng tuyến đầu phòng chóng dịch COVID-19, người dân trong khu cách ly, khu phong tỏa...
Đại diện Liên hiệp Hợp tác xã Thương mại Thành phố Hồ Chí Minh (Saigon Co.op) cho biết, trong tháng 9 sẽ tiếp tục giảm giá cho 200 mặt hàng hàng hóa tiêu dùng thiết yếu cho khách hàng.
Đồng thời, tiếp tục tích cực giải cứu nông sản và sẽ trích một khoản ngân sách từ doanh thu bán bánh để mua vật phẩm y tế tặng tuyến đầu chống dịch./.