Cửa vào “nhà đài” rộng hay hẹp?

"Xã hội hóa, đi lối nào và đi với ai?”, “Các đài đang thử thách lòng kiên nhẫn của các doanh nghiệp!”... Đó là một số than thở xung quanh chuyện xã hội hóa các chương trình truyền hình.

"Xã hội hóa, đi lối nào và đi với ai?”, “Các đài đang thử thách lòng kiên nhẫn của các doanh nghiệp!”... Đó là một số than thở xung quanh chuyện xã hội hóa các chương trình truyền hình.

Thực hư những lời phàn nàn trên ra sao, xin độc giả tự mình phán xét qua những câu chuyện bếp núc hậu trường được hai chủ doanh nghiệp tham gia xã hội hóa tương đối thành công hé lộ. Một người sản xuất talkshow theo format thuần Việt. Một người góp mặt trong các dự án phim truyền hình dài tập.

Xây dựng thương hiệu

Hai năm trở lại đây, Tổ hợp Truyền thông Hoàng Gia đã trở thành một cái tên quen thuộc với đông đảo khán giả, khi những chương trình như “Làm giàu không khó”, “Đường tới thành công” hay “Chìa khóa thành công” do đơn vị này chung tay phối hợp sản xuất cùng Đài truyền hình Việt Nam (VTV) lên sóng VTV1 và tạo được hiệu ứng sâu rộng, tích cực trong xã hội.

Khác với con đường mua bản quyền format những show truyền hình nổi tiếng ở nước ngoài rồi về Việt hóa như cách mà nhiều công ty truyền thông chọn tham gia xã hội hóa sản xuất chương trình truyền hình với “nhà đài”, “Làm giàu không khó” là một chương trình thuần Việt, do người Việt và vì người Việt.

Nói như ông Hoàng Hải Âu, Giám đốc Công ty Truyền thông Hoàng Gia, “một thực tế là ở nước nào có tỷ lệ người kinh doanh trong xã hội càng cao thì quốc gia đó càng phồn vinh. Vì vậy, tìm ra con đường đi đúng cho cộng đồng và doanh nghiệp là nhiệm vụ nặng nề nhưng thật vinh quang của ngành giải pháp thị trường”.

Đã có thông tin cho rằng, ở những chương trình đầu tiên, Tổ hợp Hoàng Gia đã phải “bỏ tiền túi” bù lỗ hàng trăm triệu cho một lần lên sóng “Làm giàu không khó”. Họ không quan tâm đến lợi nhuận? Không phải. Nhưng với Hoàng Hải Âu, “lợi nhuận” lớn nhất chính là mang được kiến thức kinh doanh bài bản đến với hàng triệu người, đặc biệt là đối tượng trí thức trẻ đang dò dẫm bước khởi nghiệp đầu đời.

Từ những ngày “vạn sự khởi đầu nan” đặt nền móng cho “Làm giàu không khó”, chương trình đã dần khẳng định chất lượng vượt trội cùng với sức lan tỏa và hiệu ứng tích cực với cộng đồng xã hội.

Một ví dụ khác, đó là Hãng phim Đông A. Ngày nam tài tử đẹp trai Trần Lực quyết định thành lập hãng phim này, khối bạn bè và đồng nghiệp tỏ ý nghi ngờ. “Lực sống lãng tử, nghệ sỹ thế, bập vào kinh doanh chắc khó trụ”.

Hãng phim tư nhân phía Bắc thành lập khá nhiều. Nhưng hoạt động hiệu quả, đến giờ mới có vài đơn vị, mà Đông A Pictures là một.

Dự án 20 tập phim “Chàng trai đa cảm” là viên gạch đầu tiên xây nên ngôi nhà xã hội hóa trong sản xuất phim truyền hình của VTV. Phim về giới trẻ, dành cho người trẻ. Diễn viên đẹp, diễn xuất có hồn. Câu chuyện hấp dẫn, tiết tấu nhanh. Và đây cũng là bộ phim truyền hình đầu tiên đưa nội dung rất thời sự: thời hội nhập, giới công chức trẻ Việt cần phải có cách sống và ứng xử trong khuôn khổ luật pháp.

Phim lên sóng VTV1 vào giờ vàng, sau đôi lần trục trặc về lịch phát. Khán giả say sưa theo dõi, tỷ suất người xem đạt cao, lượng quảng cáo kha khá. Chẳng biết doanh nhân kiêm nghệ sĩ có lãi được nhiều không, nhưng cái lợi nhìn thấy nhãn tiền là thành công bước đầu đã mở rộng cánh cửa xã hội hóa tại VTV cho Đông A.

Thừa thắng xông lên, hãng đã có trong tay một số dự án gối đầu khá hoành tráng. Ngoài hai tập phim hài chiếu Tết, “Đầu bếp” và “Đại gia” ngay sau đó là 50 tập kịch bản “Chồng con” khắc họa hình ảnh một nông thôn Việt Nam của nửa đầu thế kỷ trước (dựa trên xương sống là những tác phẩm nổi tiếng của ông nội anh - nhà văn Trần Tiêu như  "Con trâu, "Chồng con"..) và rồi 30 tập “Tiếng dương cầm trên biển”…

Xã hội hóa có phải là một lối đi hẹp?

“Cái được” mà Mr “Làm giàu không khó” gây dựng cho chương trình rất dễ dàng nhận thấy. Nhưng những bước đi chập chững khởi đầu để dần hình thành, xây dựng và khẳng định thương hiệu không dễ, đương nhiên.

“Tôi trăn trở với ý tưởng “làm giàu không khó” từ khá lâu. Những tháng năm tuổi trẻ của tôi vốn lận đận. Từng nhiều lần bắt đầu lại từ con số không. Từ tất cả những trải nghiệm đó, tôi nghiệm ra một điều, để biến cái không thể thành có thể, biến khó thành dễ thì phải luôn tìm ra được giải pháp - chìa khóa của thành công.

Để tham gia xã hội hóa, không gì nhàn hạ, dễ dàng bằng bỏ ra một khoản tiền, mua format một chương trình đang nổi đình nổi đám hoặc đã có sức sống lâu bền ở nước ngoài về Việt hóa.

Thành công của chiến lược PR, hiệu ứng từ khán giả đã được kiểm chứng. Xác suất thành công lớn, lại nhàn thân. Nhưng tôi đã chọn con đường khó khăn hơn, tự mình sáng tạo - thực hiện - hoàn thiện”.

“Rất nhiều người khuyên tôi rằng, cửa vào VTV hẹp lắm. Nhưng tôi thấy ngược lại. Nghe tôi trình bày ý tưởng, lãnh đạo VTV rất ủng hộ và giúp chúng tôi triển khai khá nhanh. Mảnh đất xã hội hóa chỉ có diện tích nhất định mà người có nhu cầu chen chân vào thì đông. Cảm giác “cửa hẹp” cũng là điều dễ hiểu.

Từ thành công của talkshow, anh nhận thấy, “Đài đã có sự thích ứng rất nhanh với xu hướng chung của cả xã  hội, với sự cần thiết của xã hội hóa trong sản xuất chương trình truyền hình. Để từ đó có những thay đổi, điều chỉnh về chính sách, cơ chế linh hoạt và tạo điều kiện thuận lợi tối đa cho các đơn vị truyền thông tham gia xã hội hóa”.

Với Trần Lực, anh đi qua những năm tháng đầy khó khăn vừa rồi không dễ dàng. Những bài học kinh nghiệm đắt giá, phải trả bằng “tiền ngu” (chữ dùng của chính anh), bằng những thâm hụt trực tiếp vào túi tiền đã giúp diễn viên, đạo diễn Trần Lực dần “lớn lên” và đảm nhiệm thành công “nhân vật” giám đốc Trần Lực.

“Hồi đầu lập hãng phim, muốn cơ sở trông phải hoành tráng, tôi tuyển dụng đầy đủ các thành phần sáng tác, máy móc đầu tư toàn thứ dữ, cả đống tiền luôn. Rồi va đập vài năm trong thương trường, tôi mới nghĩ cách đầu tư đó là hạ sách. Người giỏi chuyên môn lúc nào và bao giờ chẳng có ở bên ngoài. Tận dụng được nguồn chất xám dồi dào của họ mới là khôn ngoan.

Máy móc, thiết bị vừa đầu tư đã ngay lập tức lạc hậu. Thuê mướn bên ngoài của các đơn vị chuyên dụng, luôn cập nhật công nghệ mới liên tục mới là bài toán khả thi. Trước, nể nang bạn bè, hợp đồng thảo bằng miệng, chỉ vừa nhận đề cương đã dốc túi thanh toán hết tiền, vậy là kịch bản hoàn chỉnh cứ hát bài “mơ về nơi xa lắm”.

Giờ thì tiền chi trả sẽ chia thành mấy đợt, mỗi đợt bao nhiêu phần trăm, quyền và trách nhiệm bên A - bên B đều được cụ thể hóa chi tiết trên từng bản hợp đồng ký kết”.

Thị trường luôn biến động, thị hiếu khán giả “không biết đằng nào mà lường” nên đầu tư vào lĩnh vực sản xuất phim ảnh và các chương trình truyền hình, với giám đốc Đông A là “một canh bạc với xác suất rủi ro vô cùng cao. Tiền đầu tư tính bằng con số hàng tỷ, không lên sóng, không đổi lại được bằng spot quảng cáo đồng nghĩa với tương lai công ty ngay lập tức mịt mờ”.

"Không dám mơ tới tỷ lệ 5 - 5, “chỉ cần nhìn thấy 30% có thể thành công là Đông A đã mừng lắm rồi" - giám đốc Đông A chia sẻ.

"Ngoài việc phải có một trực giác nhanh nhạy, có thể đo được nhiệt độ nóng - lạnh vốn rất đỏng đảnh của cô nàng thị trường, chút máu liều – dĩ nhiên vẫn phải nằm trong khuôn khổ cho phép - là điều mà người lèo lái hãng phim buộc phải có”.

Trần Lực chỉ băn khoăn ở một khía cạnh khác. “Chúng tôi sản xuất phim xã hội hóa. Phim đạt chất lượng, được duyệt phát sóng. Nhưng thời gian chính thức lên sóng thì… nằm ngoài tầm kiểm soát. Chúng tôi chỉ trông chờ vào nguồn tiền quảng cáo để cân đối thu chi. Nhưng lúc nào phát sóng còn không biết thì đặt quảng cáo thế nào được?

Phim “Chàng trai đa cảm” đã hoàn thành từ cuối năm 2007, đã lên lịch phát sóng rồi lại hoãn. Bỏ ra cả đống tiền sản xuất, rồi lại phấp phỏng chờ sóng, quả thật chúng tôi luôn phải đặt mình vào thế vô cùng bị động”.

Là đơn vị tham gia xã hội hóa đầu tiên với VTV trong lĩnh vực sản xuất phim truyền hình, anh bảo: “Chất lượng phim sẽ quyết định việc có được lên sóng hay không. Cứ có phim hay thì mọi cánh cửa lập tức mở rộng thôi”.

(Doanh nhân/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục