Cục Văn thư và Lưu trữ: 60 năm gìn giữ di sản mang hồn cốt dân tộc

Với quan niệm “chỉ khi người dân có thể tiếp cận những giá trị đó một cách đơn giản, thuận tiện nhất thì tài liệu lưu trữ mới thực sự phát huy được giá trị,” ngành lưu trữ đang gấp rút số hóa tư liệu.
Bộ trưởng Bộ Nội vụ Phạm Thị Thanh Trà trao bằng khen cho các cá nhân có thành tích trong công tác lưu trữ. (Ảnh: PV/Vietnam+)
Bộ trưởng Bộ Nội vụ Phạm Thị Thanh Trà trao bằng khen cho các cá nhân có thành tích trong công tác lưu trữ. (Ảnh: PV/Vietnam+)

Ngày 31/8, Cục Văn thư và Lưu trữ Nhà nước (Bộ Nội vụ) tổ chức Lễ kỷ niệm 60 năm thành lập (4/9/1962-4/9/2022).

Điểm lại hành trình 60 năm qua, Cục trưởng Cục Văn thư và Lưu trữ Nhà nước Đặng Thanh Tùng cho biết đơn vị đã chủ động phát huy giá trị của tài liệu lưu trữ, cung cấp thông tin tài liệu bằng nhiều hình thức khác nhau như: Công bố, giới thiệu tài liệu lưu trữ trên các phương tiện thông tin đại chúng, trang thông tin điện tử; biên soạn, xuất bản hơn 100 đầu sách; xây dựng 20 phim tài liệu phát sóng trên kênh đài truyền hình quốc gia và địa phương; tổ chức hàng trăm cuộc trưng bày, triển lãm tài liệu trong nước và quốc tế…

"Tài liệu lưu trữ quốc gia chính là di sản mang hồn cốt của dân tộc. Trong 60 năm qua, những tài liệu đã phục vụ các cơ quan chức năng nghiên cứu về đường lối, chính sách của Đảng và Nhà nước trong các lĩnh vực chính trị, ngoại giao, quốc phòng, phục vụ cho sự phát triển kinh tế-xã hội; cung cấp những bằng chứng pháp lý để chứng minh chủ quyền của Việt Nam," ông Đặng Thanh Tùng nói.

Cục Văn thư và Lưu trữ: 60 năm gìn giữ di sản mang hồn cốt dân tộc ảnh 1Cục trưởng Cục Văn thư và Lưu trữ Nhà nước Đặng Thanh Tùng phát biểu. (Ảnh: PV/Vietnam+)

Với quan niệm “chỉ khi người dân có thể tiếp cận những giá trị đó một cách đơn giản, thuận tiện nhất thì tài liệu lưu trữ mới thực sự phát huy được giá trị,” ngành lưu trữ đã nỗ lực đưa tài liệu lưu trữ phục vụ ngày càng tốt hơn yêu cầu khai thác, sử dụng của các cơ quan, đơn vị và nhân dân.

[Trung tâm lưu trữ QG tiếp nhận 111 bức ảnh Đại tướng Võ Nguyên Giáp]

“Cục Văn thư và Lưu trữ Nhà nước đã linh hoạt, sáng tạo trong thực hiện nhiệm vụ bảo quản và phát huy giá trị tài liệu lưu trữ đáp ứng yêu cầu tiếp cận, khai thác thông tin của người dân. Toàn ngành đang trong quá trình chuyển đổi từ lưu trữ truyền thống sang lưu trữ số, từ lưu trữ tài liệu sang lưu trữ dữ liệu,” ông Tùng cho biết.

Để chuẩn bị cho sự chuyển đổi này, Cục Văn thư và Lưu trữ Nhà nước đang tham mưu cho lãnh đạo Bộ Nội vụ xây dựng Luật Lưu trữ sửa đổi, trong đó có nội dung quản lý tài liệu lưu trữ điện tử đáp ứng yêu cầu chuyển đổi số và phát triển Chính phủ điện tử đồng thời tập trung xây dựng dự án Lưu trữ tài liệu điện tử về Nhà nước Việt Nam.

Cục Văn thư và Lưu trữ: 60 năm gìn giữ di sản mang hồn cốt dân tộc ảnh 2Bộ trưởng Bộ Nội vụ Phạm Thị Thanh Trà yêu cầu Cục Văn thư và Lưu trữ Nhà nước phải tiến hành chuyển đổi số trong công tác văn thư, lưu trữ. (Ảnh: PV/Vietnam+)

Phát biểu tại lễ kỷ niệm, Bộ trưởng Bộ Nội vụ Phạm Thị Thanh Trà yêu cầu Cục Văn thư và Lưu trữ Nhà nước phải đổi mới, sáng tạo, đi đầu trong công tác văn thư và bảo quản phát huy cao độ giá trị tài liệu lưu trữ, nhằm phục vụ rộng rãi, hiệu quả công chúng và xã hội, đáp ứng yêu cầu kiến thiết quốc gia hưng thịnh trên mọi phương diện.

Bộ trưởng Phạm Thị Thanh Trà cũng chỉ rõ 4 nhiệm vụ quan trọng cần tập trung bao gồm: Tham mưu lãnh đạo bộ xây dựng và hoàn thiện thể chế chính sách về lưu trữ; tham mưu lãnh đạo Bộ và chủ động tập trung xây dựng, đào tạo và bồi dưỡng đội ngũ chuyên nghiệp; xây dựng cơ sở hạ tầng kỹ thuật đáp ứng yêu cầu chuyển đổi số, thực hiện chuyển đổi số và quản lý an toàn tuyệt đối tài liệu lưu trữ quốc gia; triển khai hoạt động nghiên cứu khoa học, mở rộng hơn nữa hợp tác quốc tế./.

Hiện nay, các trung tâm lưu trữ quốc gia thuộc Cục Văn thư và Lưu trữ Nhà nước đang bảo quản hơn 33km giá tài liệu có ý nghĩa quốc gia với khoảng 1.000 phông/sưu tập tài liệu, được viết bằng các ngôn ngữ Hán, Nôm, Pháp, Việt… trên các vật liệu giấy, mộc bản, phim ảnh, ghi âm...

Từ năm 2012 đến năm 2019, các trung tâm lưu trữ quốc gia đã phục vụ gần 26.000 lượt độc giả trong và ngoài nước với hơn 245.000 hồ sơ, tài liệu; cấp bản sao, chứng thực hơn 702.000 trang tài liệu lưu trữ; đón hơn 234.000 lượt khách đến tham quan khu trưng bày tài liệu lưu trữ.

(Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục