Cung ứng dịch vụ du lịch bình thường và đảm bảo an toàn

Lãnh đạo ngành du lịch chỉ đạo các doanh nghiệp du lịch đảm bảo quyền lợi chính đáng của du khách; không để xảy ra những hành động kỳ thị, quá khích và gửi đến bạn bè thế giới thông điệp hòa bình.
Cung ứng dịch vụ du lịch bình thường và đảm bảo an toàn ảnh 1Thông điệp hòa bình được Việt Nam gửi đến du khách Trung Quốc trong cuộc gặp gỡ ở Hà Nội, chiều ngày 16/5. (Ảnh: Xuân Mai/Vietnam+)

Các địa phương và doanh nghiệp du lịch cần đảm bảo quyền lợi chính đáng của du khách; không để xảy ra những hành động kỳ thị, quá khích; đảm bảo tuyệt đối an toàn cho khách; duy trì và cung ứng dịch vụ du lịch bình thường...

Ông Nguyễn Văn Tuấn, Tổng Cục trưởng Tổng cục Du lịch Việt Nam khẳng định như vậy trước việc sụt giảm nghiêm trọng lượng khách Trung Quốc hiện nay, trong khuôn khổ cuộc họp thông báo về tình hình khách du lịch quốc tế tháng Năm, tại Hà Nội, sáng ngày 19/5.

Nguy cơ khủng hoảng

Nhiều năm nay, Trung Quốc luôn là thị trường có lượng khách đứng đầu đến Việt Nam (chiếm 25%, tương đương 1,9 triệu lượt khách trong tổng số 7,5 triệu lượt khách quốc tế năm 2013), với tổng doanh thu đạt hơn 1 tỷ USD.

Nhưng những ngày qua, tình hình căng thẳng ở Biển Đông đã trực tiếp tạo ra tác động kép: khách Trung Quốc sang Việt Nam giảm đột ngột, nhiều khách du lịch Việt Nam hủy tour đi du lịch Trung Quốc; khách du lịch từ một số thị trường cũng có tâm lý e ngại.

Đặc biệt, ngày 18/5 Cục Du lịch Quốc gia Trung Quốc tuyên bố tạm dừng hoàn toàn du lịch qua các cửa khẩu đường bộ tới Việt Nam, họ cũng đưa ra khuyến cáo người dân không nên đi du lịch tới Việt Nam.

Nhưng trước đó, từ ngày 15/5 lượng khách du lịch Trung Quốc đường bộ qua các cửa khẩu đã không còn. Rất nhiều chuyến bay, tour du lịch tới Việt Nam qua đường hàng không đã bị hủy. Nhiều khách sạn bị hủy đặt phòng, nhất là tại các địa phương thu hút nhiều khách Trung Quốc tới du lịch như Quảng Ninh, Đà Nẵng, Thành phố Hồ Chí Minh.

Tổng cục Du lịch Việt Nam ước tính, từ nay cho đến hết năm 2014, sẽ không có thêm khách du lịch Trung Quốc tới Việt Nam. So với 2013, ít nhất chúng ra sẽ hụt gần 1 triệu lượt khách Trung Quốc trong năm 2014, tương đương với việc thất thu gần 500 triệu USD doanh thu. Điều này cũng ảnh hưởng lớn tới tổng lượng khách quốc tế mà ngành phấn đấu đạt năm nay là 8,3 triệu lượt.

“Như chúng tôi đã nêu, bình quân chi tiêu của khách đường bộ Trung Quốc là 300 USD/người, khách đến qua đường hàng không là 650 USD, bình quân xấp xỉ trên 500 USD/người. Bốn tháng qua chúng ta đón hơn 800 ngàn khách. Tháng Năm vẫn có nhưng sụt giảm chưa nhiều. Từ tháng Sáu trở đi chúng ta không còn khách Trung Quốc. Năm tháng ước tính lượng khách Trung Quốc đạt 900 nghìn đến 1 triệu, giảm xấp xỉ 1 triệu so với 2013,” ông Nguyễn Văn Tuấn đánh giá về những thiệt hại do lượng khách Trung Quốc sụt giảm.

Ông Tuấn cho rằng, ngành du lịch Việt Nam đang phải đối mặt với nguy cơ khủng hoảng nặng nề, nhưng vẫn sẽ có lối thoát nếu có phương án xử lý khủng hoảng tốt.

Lối thoát cho du lịch Việt?

Lượng khách TQ tới Việt Nam tuy đông song mức chi tiêu của khách thấp, bình quân xấp xỉ trên 500 USD/người, thua xa so với mức chi tiêu của khách Nga từ 2000-2500 USD/người hay khách châu Âu, Nhật, Australia, Mỹ chi 2000-3000 USD/người (cá biệt lượng khách cao cấp của thị trường này có thể tiêu tới 4000-4500 USD/người).

Với hơn 100 triệu lượt người đi du lịch hằng năm, Trung Quốc là thị trường lớn nhất thế giới mà khó có công ty lữ hành, quốc gia nào có thể bỏ qua. Thế nhưng thị trường này cũng tiềm ẩn nhiều rủi ro khó lường do sự không nhất quán về chính sách du lịch.

Vì thế, lãnh đạo ngành du lịch Việt Nam bày tỏ quan điểm, mục tiêu cuối cùng của phát triển du lịch Việt Nam là hiệu quả kinh tế, nên vấn đề không phải là thu hút bao nhiêu khách mà là doanh thu được bao nhiêu.

Và để đảm bảo cho sự phát triển bền vững của du lịch “in-bound,” thu hút mạnh mẽ khách quốc tế, ngành du lịch sẽ đa dạng hóa thị trường để mở rộng quy mô phát triển đồng thời giảm thiểu tối đa rủi do khi quá lệ thuộc vào một số ít các thị trường lớn như Trung Quốc.

Theo đó, ông Tuấn cho biết, đối tượng ngành du lịch hướng đến trong thời gian tới là những thị trường có nguồn khách lưu trú dài ngày và chịu chi tiêu. Chính điều này mới đảm bảo sống còn cho ngành du lịch.

Trước mắt, Tổng cục sẽ đẩy mạnh xúc tiến quảng bá tại các thị trường truyền thống, thị trường tiềm năng có lượng khách du lịch lưu trú dài ngày và chịu chi như Nhật Bản, Nga, châu Âu, ASEAN…

Thông điệp hòa bình

Nhằm trấn an những quan ngại của thế giới về tình hình du lịch tại Việt Nam, Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch đã chỉ đạo Tổng cục Du lịch kịp thời nắm bắt thông tin, theo sát chỉ đạo của cấp trên để xử lý kịp thời các diễn biến xảy ra; có văn bản chỉ đạo các địa phương, doanh nghiệp du lịch không được có hành vi kỳ thị đối với doanh nghiệp, doanh nhân và du khách Trung Quốc; đảm bảo tuyệt đối an toàn cho khách du lịch Trung Quốc và các nước trong cộng đồng nói tiếng Trung...

Để kịp thời xử lý tác động từ một số vụ việc tiêu vực diễn ra ảnh hưởng đến quan hệ hợp tác phát triển du lịch giữa Việt Nam với một số quốc gia nói tiếng Trung đồng thời đẩy mạnh tuyên truyền thông qua khách du lịch, ngày 16/5 vừa qua, Tổng cục Du lịch cũng đã làm việc với Cục Du lịch Đài Loan tại Việt Nam, gửi công văn đến các cơ quan du lịch quốc gia của các nước để thông báo rõ tình hình, khẳng định cam kết đảm bảo an ninh, an toàn cho khách du lịch quốc tế đến Việt Nam.

Tổng cục Du lịch cũng đã phối hợp với Hiệp hội Du lịch Việt Nam tổ chức gặp mặt đoàn khách du lịch Trung Quốc tại Hà Nội để thông tin đồng thời thể hiện tình cảm hữu nghị truyền thống giữa nhân dân hai nước, cam kết đảm bảo an toàn khi khách quốc tế đến thăm Việt Nam, qua họ gửi thông điệp hòa bình, hữu nghị giữa nhân dân, khách du lịch Trung Quốc và Việt Nam./.

(Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục