Cuộc chiến kiểm soát thông tin về khủng hoảng Nga-Ukraine

Moskva tăng nỗ lực kiểm soát thông tin về cuộc chiến Nga-Ukraine trên các phương tiện truyền thông và các nền tảng công nghệ trong khi các công ty công nghệ lớn áp đặt hạn chế với truyền thông Nga.
Cuộc chiến kiểm soát thông tin về khủng hoảng Nga-Ukraine ảnh 1Binh sỹ Nga di chuyển hướng về Ukraine trên tuyến đường gần Armiansk, bán đảo Crimea, ngày 26/2/2022. (Ảnh: EPA-EFE/TTXVN)

Theo Reuter, trong lúc Nga thả hàng loạt tên lửa xuống các thành phố của Ukraine, một trận chiến khác đang diễn ra trong không gian mạng và các tần số phát thanh.

Moskva tăng cường nỗ lực kiểm soát thông tin về cuộc chiến Nga-Ukraine trên các phương tiện truyền thông và các nền tảng công nghệ, trong khi các công ty công nghệ lớn là Meta Platforms (chủ sở hữu Facebook) và Alphabet Inc (chủ sở hữu Google) áp đặt các hạn chế đối với các các hãng phát thành truyền thông thuộc sở hữu của nhà nước Nga ở Ukraine và trên khắp thế giới.

Ngày 25/2, Nga tuyên bố sẽ hạn chế một phần Facebook, một động thái mà Meta cho biết đã được ra sau khi công ty này từ chối yêu cầu của chính phủ Nga về việc ngừng độc lập kiểm tra thông tin của một số hãng truyền thông nhà nước Nga. Đến ngày 26/2, Twitter cũng cho biết họ đã hạn chế dịch vụ đối với một số người dùng Nga.

Theo những người dùng, hình ảnh và video trên Facebook bị tải chậm hơn sau thông báo nói trên, trong khi đó Facebook Messenger có những khoảng thời gian dài không thể tải được thông tin.

Trên các thiết bị di động, Twitter vẫn tải chậm, ứng dụng này đã bị chậm lại kể từ tháng 3/2021. Nhiều trang web của nhà nước Nga, trong đó có trang kremlin.ru của Điện Kremlin, cũng bị ngừng hoạt động trong những ngày gần đây.

Đối với các công ty công nghệ, tình trạng này là bước đi mới nhất trong một cuộc đối đầu đang diễn ra với Nga, khi các nền tảng xã hội có nguy cơ bị chính phủ Nga áp đặt các hạn chế tại Nga khi họ tìm cách kiểm duyệt những ý kiến bất đồng và bảo vệ các kênh truyền thông nhà nước.

Các nền tảng xã hội, video và phát trực tiếp từ Facebook đến Tiktok và Twitch đang chịu áp lực ngày càng lớn trong việc chống lại những thông tin sai lệch liên quan đến cuộc xung đột hiện nay trên nền tảng của họ, bao gồm cả sự lan truyền của các cảnh quay gây hiểu lầm.

Việc Nga leo thang đụng độ với các công ty công nghệ lớn diễn ra vài ngày trước thời hạn mà Moskva đặt ra đối với các công ty công nghệ lớn của nước ngoài về việc phải tuân thủ một luật mới yêu cầu họ phải thiết lập một cơ quan đại diện chính thức ở Nga, điều có thể giúp Điện Kremlin quản lý các nền tảng này dễ dàng hơn.

Luật này được đưa ra sau một loạt khoản phạt và các quy định làm chậm đường truyền đối với các nền tảng mà chính phủ Nga cho rằng đã không gỡ bỏ những nội dung bất hợp pháp.

Trước thời hạn tháng 3/2022, một danh sách của cơ quan quản lý truyền thông Roskomnadzor của Nga cho thấy tính đến 21h45 GMT ngày 27/2, mới chỉ có Apple, Spotify và Viber đáp ứng đầy đủ cả 3 yêu cầu của luật này.

Những yêu cầu này bao gồm đăng ký tài khoản với cơ quan quản lý, cung cấp cho người dùng cách thức liên lạc trực tiếp với công ty và thiết lập một văn phòng đại diện.

Tháng 2/2022, Nga đã đe dọa sẽ cấm các công ty thực hiện hoạt động quảng cáo nếu họ không tuân thủ. Theo các quan chức Nga, những hạn chế gay gắt hơn có thể được áp đặt sẽ bao gồm việc giảm tốc độ đường truyền hoặc chặn hoàn toàn.

Các công ty công nghệ lớn cũng phải chịu áp lực từ các quan chức Ukraine và những người ủng hộ quốc gia này trên toàn thế giới, những người đã kêu gọi các công ty công nghệ loại bỏ người dùng Nga ra khỏi dịch vụ của họ nhằm ngăn chặn việc lan truyền thông tin sai lệch, đồng thời bảo vệ quyền truy cập của những người bất đồng chính kiến.

Trên Twitter ngày 27/2, Phó Thủ tướng Ukraine Mykhailo Fedorov viết: "Mark Zuckerberg, trong lúc ông tạo ra Metaverse-Nga đang hủy hoại cuộc sống người dân Ukraine! Chúng tôi yêu cầu ông cấm người dùng tại Nga truy cập @facebookapp và @instagram - chừng nào các xe tăng và tên lửa của Nga vẫn còn tấn công các trường mẫu giáo và bệnh viện của chúng tôi!"

Đáp lại những yêu cầu này, người đứng đầu bộ phận phụ trách các vấn đề quốc tế của Meta là Nick Clegg ngày 27/2 đã đăng dòng tweet cho rằng việc ngừng Facebook và Instagram ở Nga sẽ khiến "những ý kiến, quan điểm quan trọng tại một thời điểm quan trọng không được lên tiếng."

Có thể thấy rõ rằng các công ty công nghệ khác cũng đang phải chật vật với tình thế khó xử tương tự. Chỉ vài phút sau khi đưa ra một thông báo ngày 27/2 rằng ứng dụng nhắn tin Telegram sẽ xem xét hạn chế một số kênh truyền bá thông tin sai lệch, người sáng lập Pavel Durov cho biết công ty này sẽ không làm như vậy nữa sau khi nhận được phản hồi từ người dùng.

Những hạn chế

Hoạt động của các kênh truyền thông do nhà nước Nga kiểm soát như RT và Sputnik - các hãng mới bị Liên minh châu Âu (EU) áp đặt các lệnh trừng phạt hôm 27/2 - là nguồn gốc chính của xung đột giữa Moskva và các công ty công nghệ lớn, khi các nhà hoạt động và chính trị gia yêu cầu các công ty này hủy bỏ hoặc cấm các kênh truyền thông được Điện Kremlin bảo trợ.

Cơ quan quản lý truyền thông Roskomnadzor của Nga đã cảnh báo truyền thông địa phương không truyền bà cái mà họ gọi là "thông tin sai sự thật" về hoạt động quân sự của Moskva, cấm sử dụng những từ "xâm lược" và "tấn công" để mô tả hoạt động của Nga ở Ukraine.

"Gã khổng lồ công nghệ" của Nga Yandex cũng đã bắt đầu cảnh báo về những thông tin không đáng tin cậy trên mạng internet cho những người dùng Nga đang tìm kiếm tin tức về Ukraine trên công cụ tìm kiếm của họ.

Nga gọi các hành động của mình là một "chiến dịch đặc biệt" mà theo họ không nhằm chiếm lãnh thổ mà nhằm phá hủy khả năng quân sự của Ukraine và bắt giữ các cá nhân mà họ coi là những người theo chủ nghĩa dân tộc nguy hiểm - điều mà chính phủ Ukraine và các cường quốc phương Tây cho là một sự tuyên truyền vô căn cứ.

Sự xuất hiện của các phương tiện truyền thông của nhà nước Nga trên các nền tảng mạng xã hội lớn từ lâu đã gây ra tranh cãi. Một số nền tảng đã gán nhãn cho các tài khoản đó nhằm nỗ lực làm minh bạch hơn về nguồn thông tin.

Trong bối cảnh Nga xâm lược Ukraine, Facebook, Twitter, Google và dịch vụ phát video trực tuyến YouTube đã thực hiện các biện pháp mới nhằm hạn chế các kênh truyền thông mà nhà nước Nga kiếm tiền từ quảng cáo trên các trang web của họ.

Twitter - vốn đã cấm các kênh truyền thông nhà nước Nga không được đăng các bài quảng cáo hồi năm 2019 - cho biết họ đang tạm dừng tất cả các bài quảng cáo ở Nga và Ukraine để đảm bảo tính minh bạch của các thông tin. Google - nhà bán quảng cáo lớn nhất thế giới - cũng cho biết họ không cho phép truyền thông nhà nước Nga sử dụng công cụ của họ để bán quảng cáo.

Facebook và Google cũng cho biết họ đã hạn chế quyền truy cập vào một số tài khoản của các kênh truyền thông nhà nước Nga ở Ukraine theo yêu cầu của chính phủ Ukraine. Google ngày 27/2 cho biết theo yêu cầu pháp lý của chính phủ Ukraine, họ đã chặn việc tải ứng dụng điện thoại của Đài RT ở Ukraine.

Khi các công ty phương Tây bắt đầu chú ý đến các biện pháp trừng phạt kinh tế mới đối với Nga và gia tăng áp lực để chống lại những thông tin sai lệch trên mạng, các chuyên gia cho rằng cuộc chiến giữa Nga và các công ty công nghệ mạnh nhất có thể sẽ còn dữ dội hơn./.

(Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục