Cuộc chiến thương mại Mỹ-Trung không phải vì lý do... thương mại?

Theo chuyên gia, cuộc chiến thương mại Mỹ-Trung hoàn toàn không phải chỉ liên quan đến thương mại mà thực chất là biểu hiện của sự cạnh tranh chiến lược ngày càng leo thang giữa hai cường quốc.
Cuộc chiến thương mại Mỹ-Trung không phải vì lý do... thương mại? ảnh 1Toàn cảnh vòng đàm phán thương mại lần thứ 7 giữa đại diện cấp cao Mỹ và Trung Quốc tại thủ đô Washington DC., ngày 21/2. (Nguồn: THX/TTXVN)

Về cơ bản, cuộc chiến thương mại Mỹ-Trung hoàn toàn không phải chỉ liên quan đến thương mại mà thực chất là biểu hiện của sự cạnh tranh chiến lược ngày càng leo thang giữa hai cường quốc.

Đây là nhận định của Minxin Pei, giáo sư về quản trị chính quyền của trường Đại học Claremont McKenna (Mỹ) trong bài viết được đăng ngày 19/2 trên trang mạng của Viện Chính sách Chiến lược Australia.

Sau đây là nội dung bài viết:

Khi các nhà đàm phán thương mại của Trung Quốc và Mỹ gặp nhau tại Washington để cố gắng đạt được một thỏa thuận về thương mại, các nhà quan sát chủ yếu tập trung vào các bất đồng kinh tế của hai nước, chẳng hạn như trợ cấp của Trung Quốc cho các doanh nghiệp nhà nước. Tuy nhiên, sẽ là quá sớm hoặc quá ngây thơ nếu nghĩ rằng một thỏa thuận về thương mại sẽ bảo vệ thế giới khỏi một cuộc Chiến tranh Lạnh Trung-Mỹ.

Tất nhiên, một thỏa thuận thương mại là điều ai cũng mong muốn. Sự thất bại của các cuộc đàm phán thương mại sẽ “châm ngòi” cho một đợt tăng thuế mới (từ 10% lên 25% đối với 200 tỷ USD hàng hóa Trung Quốc xuất khẩu sang Mỹ), đẩy giá cổ phiếu toàn cầu lao dốc và thúc đẩy các công ty tiếp tục chuyển hoạt động ra ngoài Trung Quốc.

Trong bối cảnh hai nước áp đặt thuế quan theo kiểu “ăn miếng trả miếng," thương mại song phương sẽ giảm mạnh và mối quan hệ kinh tế Trung-Mỹ sẽ đứt gãy, gây ra bất ổn trên diện rộng và làm tăng chi phí.

Tuy nhiên, ngay cả khi đã đạt được thỏa thuận toàn diện, có thể trước ngày 1/3 hoặc trong một vài tháng tới, sự đứt gãy trong quan hệ kinh tế giữa hai cường quốc thế giới sẽ vẫn tiếp tục, mặc dù theo cách từ từ và ít tốn kém hơn.

Lý do mà nhiều nhà đầu tư và giám đốc điều hành của các công ty không nhận thấy đó là cuộc chiến thương mại về cơ bản hoàn toàn không phải là về thương mại; đúng hơn, đó là biểu hiện của sự cạnh tranh chiến lược ngày càng leo thang giữa hai cường quốc.

Mỹ đã có những khiếu nại chính đáng trên lập trường cứng rắn hơn về các hành vi thương mại của Trung Quốc, bao gồm cả vi phạm quyền sở hữu trí tuệ, sau hơn một thập kỷ giải quyết theo cách thức ngoại giao bất thành. Nhưng nếu như Mỹ và Trung Quốc không phải là đối thủ chiến lược của nhau, thì chưa chắc Mỹ sẽ khởi xướng một cuộc chiến thương mại toàn diện, tác động đến thương mại trị giá hơn 500 tỷ USD và hàng tỷ lợi nhuận doanh nghiệp. Trong khi Trung Quốc có thể mất nhiều hơn từ một cuộc xung đột như vậy, thì thiệt hại của Mỹ cũng không phải là nhỏ.

Mỹ sẵn sàng hy sinh mối quan hệ kinh tế với Trung Quốc, bởi vì những rủi ro gây ra do xung đột lợi ích và ý thức hệ của hai cường quốc hiện còn lớn hơn nhiều lợi ích từ việc hợp tác.

Vào thời điểm Trung Quốc đã nhanh chóng giành nhiều ảnh hưởng quốc tế so với Mỹ mà lại đang theo đuổi một chính sách đối ngoại hung hăng, việc Mỹ chú trọng chính sách “can dự” là không còn phù hợp.

Ngày càng nhiều bên liên quan khác dường như đồng tình với Tổng thống Mỹ Donald Trump trong cách tiếp cận theo kiểu “đối đầu." Sự thay đổi này được thể hiện bằng các cuộc tấn công của Mỹ vào công ty viễn thông Trung Quốc Huawei. Không chỉ yêu cầu Canada bắt giữ Giám đốc Tài chính Mạnh Vãn Chu của công ty, người đang chờ bị dẫn độ, Mỹ đã cảnh báo các đồng minh không sử dụng công nghệ Huawei cho mạng không dây 5G vì các lý do an ninh.

[Mỹ và Trung Quốc gấp rút nhằm đạt được thỏa thuận trước thời hạn chót]

Một thỏa thuận thương mại Mỹ-Trung không thể giải quyết các vấn đề trên. Thật vậy, ngay cả khi hầu hết các biểu hiện gay gắt của xung đột thương mại hiện nay được giải quyết, cả hai quốc gia sẽ tự rút ra cho mình một bài học quan trọng: giao dịch với kẻ thù địa chính trị là việc nguy hiểm.

Ở Mỹ, có một sự đồng thuận ngày càng tăng rằng Trung Quốc là mối đe dọa an ninh dài hạn nghiêm trọng nhất mà Mỹ phải đối mặt. Dù có đạt được thỏa thuận thương mại hay không, thì sự đồng thuận này có khả năng tạo ra các chính sách tập trung vào việc đạt được một sự “chia tách” kinh tế toàn diện.

Về mặt logic mà nói, cắt đứt một mối quan hệ kinh tế được xây dựng trong bốn thập kỷ có thể tốn kém song tiếp tục gia tăng sức mạnh cho đối thủ địa chính trị chính hàng đầu của mình thông qua thương mại và chuyển giao công nghệ là tự sát.

Tương tự như vậy, đối với Trung Quốc, cuộc chiến thương mại đã bộc lộ yếu điểm chiến lược là sự phụ thuộc quá mức vào các thị trường và công nghệ của Mỹ.

Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình sẽ không lặp lại sai lầm tương tự, cũng như bất kỳ nhà lãnh đạo Trung Quốc nào khác. Trong những năm tới, Trung Quốc sẽ tận dụng bất kỳ khoảng thời gian “đình chiến” nào trong cuộc chiến thương mại để giảm sự phụ thuộc kinh tế vào Mỹ.

Tuy nhiên, cho dù cả Trung Quốc và Mỹ có lý do chiến lược cấp bách thế nào đi nữa, thì sự “chia tách” về mặt kinh tế của hai nền kinh tế lớn nhất thế giới, chiếm tới 40% GDP toàn cầu, sẽ là thảm họa. Nó sẽ không chỉ phá vỡ hệ thống thương mại toàn cầu mà còn loại bỏ bất kỳ ràng buộc nào đối với sự cạnh tranh địa chính trị Trung-Mỹ, làm tăng nguy cơ leo thang gây nên sự tàn phá.

Cách duy nhất để tránh kết cục này là Trung Quốc có hành động đáng tin cậy để làm dịu các mối lo ngại về an ninh của Mỹ. Điều này có nghĩa là thay vì tập trung vào việc mua thêm mặt hàng của Mỹ, ví dụ mua thêm nhiều đậu nành của Mỹ, Trung Quốc nên tháo dỡ các cơ sở quân sự mà họ đã xây dựng trên các đảo nhân tạo của mình ở Biển Đông. Chỉ một động thái táo bạo như vậy mới có thể ngừng, nếu chưa đảo ngược, được một cuộc Chiến tranh Lạnh Trung-Mỹ./.

(Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục