"Cuộc đua tam mã" khó đoán nhất trong lịch sử bầu cử Canada

Canada đang đứng trước nguy cơ đối mặt với những bất ổn chính trị nếu không đảng nào giành được đa số quá bán tại Hạ viện 338 ghế sau cuộc tổng tuyển cử dự kiến diễn ra ngày 19/10 tới.
"Cuộc đua tam mã" khó đoán nhất trong lịch sử bầu cử Canada ảnh 1Lãnh đạo LIB Justin Trudeau (trái), lãnh đạo CPC - Thủ tướng Canada Stephen Harper (giữa) và lãnh đạo NDP Thomas Mulcair. (Nguồn: Reuters/TTXVN)

Gần sát ngày tổng tuyển cử, cuộc đua tranh giữa các chính đảng lớn tại Canada vẫn “khó phân ngôi thứ.” Nhiều chiến lược tranh cử mới được tung ra, song đây vẫn là “cuộc đua tam mã” với kết quả khó đoán nhất trong lịch sử bầu cử tại quốc gia Bắc Mỹ này.

Canada đang đứng trước nguy cơ sẽ đối mặt với những bất ổn chính trị do không đảng nào giành được đa số quá bán tại Hạ viện 338 ghế sau cuộc tổng tuyển cử dự kiến diễn ra ngày 19/10 tới.

Theo các cuộc thăm dò dư luận trước bầu cử, chỉ còn hơn 2 tuần trước ngày bỏ phiếu, tỷ lệ ủng hộ của cử tri vẫn được chia đều cho ba chính đảng lớn nhất Canada là đảng Bảo thủ (CPC) cầm quyền của Thủ tướng Stephen Harper, đảng đối lập chính Dân chủ mới (NDP) của ông Thomas Mulcair và đảng Tự do (LIB) đối lập của ông Justin Trudeau.

Kết quả thăm dò mới nhất do Trung tâm nghiên cứu Nanos tiến hành cho thấy tỷ lệ ủng hộ dành cho hai đảng LIB và CPC vẫn tiếp tục bám đuổi sát nút với mức tương ứng 35% và 31%, trong khi tỷ lệ dành cho đảng NDP hiện chỉ còn 24%.

Nếu nhìn vào tương quan tỷ lệ phiếu ủng hộ dành cho 3 chính đảng, không ít người cho rằng cuộc tổng tuyển cử tới đây sẽ là “cuộc đua song mã” giữa đảng CPC với kinh nghiệm 9 năm cầm quyền liên tiếp và đảng LIB mang màu sắc cấp tiến.

Tuy nhiên, với tỷ lệ sai số cho phép lên tới 3%, cơ hội vẫn đang mở rộng cho cả 3 chính đảng lớn, báo hiệu cuộc tổng tuyển cử tới đây sẽ ẩn chứa nhiều bất ngờ với những màn rượt đuổi phiếu bầu hồi hộp đến phút chót.

Bước vào giai đoạn tranh cử nước rút, cả ba nhà lãnh đạo của CPC, NDP và LIB đều nỗ lực giành từng lá phiếu của cử tri. Trong cuộc tranh luận trực tiếp bằng tiếng Anh tối 28/9 về chính sách đối ngoại, cả ba nhà lãnh đạo đều tung ra những con bài chiến lược nhằm “hạ gục” đối thủ.

Các nội dung chính “đốt nóng” diễn đàn chủ yếu xoay quanh vấn đề làm thế nào nâng cao vị thế của Canada trên bàn cờ chính trị quốc tế, từ việc mở rộng quy mô tiếp nhận người tị nạn, thực thi đạo luật chống khủng bố, tham gia chiến dịch chống tổ chức Nhà nước Hồi giáo (IS) tự xưng ở Iraq và Syria, can dự vào cuộc chiến ở Ukraine, tới chống biến đổi khí hậu toàn cầu và thúc đẩy dự án đường ống dẫn dầu Keystone XL đầy tham vọng với Mỹ.

Đây là cuộc tranh luận về chính sách đối ngoại đầu tiên được tổ chức trong lịch sử các kỳ bầu cử ở Canada, và là cuộc tranh luận trực tiếp thứ 4 giữa lãnh đạo các chính đảng trong mùa bầu cử năm nay.

Trước đó, tối 24/9, các ứng cử viên cũng đã có cuộc “đấu khẩu” nảy lửa bằng tiếng Pháp ở tỉnh bang Quebec, trong đó Thủ tướng Harper đã thực sự ghi điểm trong con mắt cử tri nhờ phong thái điềm tĩnh khi đưa ra những lập luận sắc bén về các vấn đề kinh tế cũng như chính trị.

Ông Trudeau của LIB cũng ghi điểm nhờ phong thái tranh luận đầy tự tin, trong khi ông Mulcair của NDP bị điểm trừ do thiếu quan điểm nhất quán trong nhiều vấn đề, thậm chí đôi lúc còn bị đuối lý trước hai đối thủ.

Tại cuộc tranh luận trực tiếp thứ 5 và cũng là cuối cùng trong mùa bầu cử 2015 diễn ra tối 2/10, các ứng cử viên cũng đã có màn tranh luận thẳng thắn về tính đa văn hóa của Canada và các quyền của phụ nữ.

Với 5 cuộc tranh luận từ đầu mùa đến nay và 3 cuộc diễn ra liên tiếp trong vòng một tuần, không khí bầu cử ở Canada đang nóng lên từng ngày khi chỉ còn hơn 2 tuần nữa, hàng chục triệu cử tri sẽ thực hiện quyền công dân của mình trong kỳ bầu cử lần thứ 142.

Trong “cuộc đua tam mã” với cơ hội chiến thắng chưa thực sự nghiêng về bên nào, hầu hết giới phân tích chính trị và truyền thông Canada đều nghiêng về khả năng nước này sẽ lại có một chính phủ thiểu số giống như sau cuộc bầu cử năm 2008. Nếu điều này xảy ra, Canada có nguy cơ rơi vào bất ổn chính trị khi các đảng đối lập "bắt tay" nhau.

Theo các cuộc thăm dò, mặc dù LIB đang chiếm thế thượng phong, song khả năng giành chiến thắng vẫn là một “ẩn số” do luôn bị đảng CPC bám đuổi sát nút. LIB có lợi thế là đang được dẫn dắt bởi con trai của dòng họ Trudeau, vốn được người Canada xếp ngang với dòng họ Kennedy ở Mỹ.

Tuy nhiên, ông Justin Trudeau còn quá trẻ (năm nay 42 tuổi), thiếu kinh nghiệm chính trường và quan trọng nhất là đang gặp không ít khó khăn trong việc tuyên truyền các chính sách của LIB do gần 10 năm nay LIB không có chân trong liên minh cầm quyền.

Với NDP, triển vọng giành chiến thắng càng mờ nhạt do thủ lĩnh Mulcair không thể hiện được “sức nặng” trong các cuộc tranh luận trực tiếp và thiếu các chiến lược tranh cử lôi cuốn cử tri.

Trong hơn một tháng kể từ khi chiến dịch tranh cử được khởi động, ông Mulcair không những không tận dụng được vị thế của đảng đối lập chính trong Quốc hội để làm nổi bật các quan điểm chính sách lớn của NDP, mà còn không đưa ra được tầm nhìn về những vấn đề đang được nhiều cử tri quan tâm, nhất là trong những vấn đề sát sườn với cuộc sống của họ.

Trong khi đó, dù đã đạt được một số thành tích đáng kể như tạo được hàng trăm nghìn công ăn việc làm, thực hiện chính sách đối ngoại chủ động, siết chặt bảo vệ công dân và duy trì phục hồi kinh tế, nhưng CPC có hạn chế là nắm quyền quá lâu từ năm 2006 đến nay.

Tâm lý chung của một bộ phận cử tri, và hiện cũng đang được các chính đảng đối lập khai thác triệt để, là muốn thay đổi cho bộ máy lãnh đạo đất nước. Vì thế, trong hơn một tháng diễn ra chiến dịch vận động tranh cử, không ít hội nhóm đã được hình thành với mục đích vận động cử tri không tiếp tục bỏ phiếu cho đảng Bảo thủ cầm quyền.

Mặc dù vậy, theo các nhà phân tích, CPC đang nắm nhiều cơ hội tiếp tục giành chiến thắng trong cuộc tổng tuyển cử nhờ duy trì được sự ủng hộ của khối cử tri “ruột” là tầng lớp thượng lưu, các cộng đồng người nhập cư và tỉnh bang Ontario lớn nhất nước, nơi có tới 121 ghế trong Quốc hội khóa mới.

Tuy nhiên, liệu CPC có giành được đa số quá bán hay không vẫn là câu hỏi bỏ ngỏ. Trong trường hợp CPC không thể giành được đa số quá bán để có thể tự đứng ra thành lập chính phủ, đảng này sẽ phải tìm cách liên minh với phe đối lập. Khi đó, LIB và NDP sẽ có hai lựa chọn: hoặc hợp tác với CPC hoặc liên minh với nhau để tạo thành phe đa số trong Quốc hội và chia nhau các vị trí trong nội các khóa mới./. 

(TTXVN/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục