Cốc Nghè là thôn nghèo nhất của xã Cổ Linh, huyện Pác Nặm (Bắc Kạn), toàn thôn có 87 hộ, 100% là đồng bào H'Mông.
Trong số 87 hộ của thôn có đến 46 hộ nghèo, 14 hộ cận nghèo; gần 30 hộ theo đạo Tin lành; một nhóm 26 hộ theo tổ chức bất hợp pháp Dương Văn Mình. Các hộ dân còn lại không theo đạo, cũng không tin theo Dương Văn Mình.
Chính vì thế, tình nghĩa xóm làng cũng không được mặn mà. Làm Trưởng thôn ở một địa bàn như vậy quả thật không dễ, nhưng Hoàng Văn Đài đã ở cương vị này 2 năm.
Trao đổi với chúng tôi, Trưởng thôn Hoàng Văn Đài chia sẻ: "Mình được mọi người bầu là trưởng thôn, không thể từ chối, nhưng vất vả lắm, trong thôn chia thành 3 nhóm, tuy không có xích mích gì với nhau, nhưng những người theo các nhóm đạo khác nhau đều có quan điểm và cách nhìn khác nhau, họ không thực sự hiểu và thông cảm với nhau."
Trong sản xuất, phát triển kinh tế, chính vì mọi người không chia sẻ với nhau nên năng suất không đều, dẫn đến hậu quả hộ nghèo năm 2014 tăng hơn năm 2013.
Năm 2013, toàn thôn có 39/87 hộ nghèo, năm 2014 tăng lên 46/87 hộ nghèo, hộ cận nghèo giảm do một số hộ tái nghèo. Đó là chưa kể một số hộ theo tổ chức bất hợp pháp Dương Văn Mình, theo rà soát thuộc diện hộ nghèo, nhưng không nhận vì tự ti.
Ở Cốc Nghè, đất lúa rất ít, chủ yếu đất ngô mà cũng không nhiều, ngô cũng chỉ trồng được một vụ nên nhiều nhà đều thiếu đói lúc giáp hạt, cái nghèo luôn đeo đẳng. Nếu không thay đổi cây trồng thì khó thoát nghèo bền vững, vì đất sản xuất ít, mỗi năm lại bạc màu thêm, nên năng suất kém đi.
Cốc Nghè có địa hình đồi núi, độ dốc rất cao, nên chăn nuôi đại gia súc cũng khó. Đến làm chuồng cho trâu, bò, ngựa cũng phải làm theo kiểu nhà sàn, chân cao, chân thấp, gia súc ra vào rất khó khăn.
Trưởng thôn Hoàng Văn Đài sinh năm 1988, anh là người duy nhất ở Cốc Nghè học hết trung học phổ thông. Anh cho hay: "Ở Cốc Nghè, nếu chỉ dựa vào trồng lúa, trồng ngô thì không thể giàu được, thoát nghèo còn khó. Muốn khá được chỉ có chăn nuôi và chuyển đổi cây trồng. Chăn nuôi trâu, bò cũng không thể nuôi được nhiều vì không có bãi chăn thả. Nuôi dê cũng được, nhưng nếu phải năm trời lạnh giá, dê dễ bị chết rét. Bản thân tôi đã nuôi nhiều trâu, bò nhất thôn, có thời điểm gia đình tôi nuôi trên 10 con cả trâu và bò. Nhưng năm đó trời rét quá, chuồng trại lại phải làm trên triền núi, quây được xung quanh nhưng gió thốc từ dưới lên, trâu bò bị lạnh nên chết mất mấy con."
Hiện giờ, gia đình anh Đào vẫn nuôi 6 con trâu, 3 con ngựa bạch, 10 con lợn, 9 con dê, gà thả đồi thì nhiều. Anh cho biết, nếu chăn nuôi được nhiều, chắc chắn giàu được, vì một con ngựa bạch bán được 40-50 triệu đồng, một con trâu to 4-5 tuổi bán gần 40 triệu đồng, lợn cũng nuôi thả rông, tự kiếm ăn. Tối về chỉ cho ăn thêm chút cháo là đủ.
Trưởng Công an xã Cổ Linh, ông Lý Văn Sinh, một người có uy tín trong đồng bào H'Mông chia sẻ sự khó khăn của Cổ Linh và trưởng thôn Hoàng Văn Đài: “Cốc Nghè đường đi lại còn khó khăn lắm, ôtô không thể đến được, chỉ đi bằng xe máy, đi bộ đến các điểm xa, vì người dân ở không tập trung. Đồng bào cũng chăm làm, nhưng phải cái đất đai không nhiều, lại bạc màu, chăn nuôi thì toàn đồi với núi, độ dốc lớn. Bây giờ đất trống không có, vì đã chia hết cho dân quản lý để trồng rừng, trồng ngô, nên không có bãi chăn thả.”
Ông Hoàng Kim Hồng, Bí thư huyện ủy Pác Nặm cho biết: "Huyện cũng nắm được tình hình ở Cốc Nghè. Đây là bản của đồng bào H'Mông rất khó khăn, đường đi lại còn khó, hộ nghèo còn nhiều. Huyện cũng đã có chủ trương ủng hộ quan điểm chuyển đổi cơ cấu cây trồng phù hợp, chú trọng đến các loại cây đặc sản, như cam, quýt. Sắp tới huyện sẽ hỗ trợ kỹ thuật và cả giống để làm thí nghiệm theo mô hình, nếu được sẽ đầu tư làm rộng."
Do điều kiện kinh tế còn khó khăn, đường đi lại khó, trẻ em ở đây đa phần chỉ học hết tiểu học, lên trung học cơ sở chỉ còn một nửa, vì phải đi học bán trú ở trung tâm xã. Còn lên trung học phổ thông gần như không cóv nên cả thôn cho đến nay mới chỉ có Trưởng thôn Đài và một người nữa học hết được lớp 12 (hệ bổ túc văn hóa).
Quan điểm của Trưởng thôn Hoàng Văn Đài rất rõ ràng: “Nếu Nhà nước cứ tiếp tục hỗ trợ giống, phân cho đồng bào thì không thể xóa được nghèo bền vững đâu. Phải tìm cách khác thôi, vì nếu năm nay Nhà nước hỗ trợ thì dân có giống, phân để trồng ngô, còn năm sau dừng hỗ trợ thì đói luôn, vì không có giống, phân sẽ không trồng được cây ngô, cây lúa."
Anh Đài nói thêm: "Cốc Nghè chỉ có trồng các loại cây lâu năm, thu nhập năm nay xong vẫn còn thu được những năm sau mới đảm bảo được. Tôi đang dự định đi Tuyên Quang để mua giống cam, nghe nói cam ở Tuyên Quang ngon, họ đã trồng thành công trên đất đồi, núi, khí hậu giống với vùng này nên tôi sẽ mua về trồng thử. Tôi cũng mong muốn Nhà nước có một chính sách lâu dài cho người dân, nhất định phải chuyển đổi được cây trồng cho vùng này, mới đảm bảo xóa được nghèo bền vững”./.