Cuộc sống nhiều đổi thay nơi ‘ba không’ từ nguồn vốn chính sách

Nguồn vốn chính sách đã và đang tạo điều kiện cho bà con Xốp Cháo (Nghệ An) vay để mua trâu bò, nuôi cá lồng bè... sản xuất kinh doanh, tạo sinh kế, có thêm động lực vươn lên thoát nghèo bền vững.
Cuộc sống nhiều đổi thay nơi ‘ba không’ từ nguồn vốn chính sách ảnh 1Cán bộ NHCSXH huyện Tương Dương luôn gần gũi tuyên truyền, giải thích cho bà con trong bản Xốp Cháo. (Ảnh: Vietnam+)

Từ bến thượng lưu đập thủy điện Bản Vẽ, sau 40 phút đi thuyền máy xuyên qua lòng hồ trên sông Nậm Nơn, chúng tôi đến bản Xốp Cháo, xã Lượng Minh. Đây là vùng lõi nghèo của Tương Dương - huyện biên giới 30A, tỉnh Nghệ An.

Như là một "ốc đảo" lẻ loi giữa lòng hồ rộng lớn, Xốp Cháo đến nay vẫn là bản 3 "không": Không đường giao thông, không điện lưới và không sóng điện thoại. Song sự cách trở ấy không ngăn được dòng vốn chính sách đang đổ về, giúp những người dân Khơ Mú từng bước vượt qua nghèo khó vốn đã thâm căn cố đế bao đời.

Bản Xốp Cháo nằm rải rác trên những ngọn núi thấp. Đây là nơi quây quần sinh sống của 109 hộ với 457 người dân là Khơ Mú. Tổng diện tích đất tự nhiên ở đây rất rộng tới 6.972 ha.

[Vốn tín dụng chính sách: Đòn bẩy để người dân thoát nghèo]

Ông Nguyễn Văn Vinh - Phó Giám đốc chi nhánh Ngân hàng Chính sách xã hội tỉnh Nghệ An cho biết: “Giờ còn có thuyền máy mà đi, chứ trước vào bản khó lắm mới tìm được cái thuyền. Song ngay từ ngày đặt chân lên mảnh đất này, cấp ủy, chính quyền các cấp và Ngân hàng Chính sách xã hội từ tỉnh đến huyện, xã đã dành sự quan tâm đặc biệt đến các bản nghèo, đặc biệt những nơi có đông đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi, là những hộ ở vùng lõi nghèo nhất của tỉnh Nghệ An là Xốp Cháo. Như đảm bảo các hộ dân có nhu cầu và đủ điều kiện đều được tiếp cận nguồn vốn đầy đủ, kịp thời.” 

Cùng với việc lặn lội, vượt khó đưa vốn tín dụng về bản, ngân hàng nhìn nhận việc phối hợp với chính quyền xã và bản tuyên truyền để thay đổi hủ tục, quan điểm sản xuất là một trong những điểm mấu chốt để đột phá trong hành trình giảm nghèo cho Xốp Cháo.

“Từ những món cho vay đầu tiên của Ngân hàng Chính sách xã hội huyện triển khai ngày ấy chỉ 5 triệu đồng, không lãi suất, nhiều gia đình đã mua trâu bò chăn nuôi hiệu quả, ổn định cuộc sống. Hiện tại bây giờ, những hộ nào được vay vốn hầu như đều có trâu bò để nuôi. Nhiều hộ vay vốn chính sách để sản xuất, kinh doanh đã nâng cao thu nhập, nuôi con cái học hành. Nhân dân bản Xốp Cháo từ đó cũng thay da, đổi thịt,” trưởng bản Xốp Cháo, ông Lô Văn Hưng cho biết.

Cuộc sống nhiều đổi thay nơi ‘ba không’ từ nguồn vốn chính sách ảnh 2Bản Xốp Cháo - như là “ốc đảo” trong vùng hồ thủy điện Bản Vẽ, có 109 hộ dân thì 104 nhà là hộ nghèo. (Ảnh: Vietnam+)

Như gia đình chị Lô Thị Quyên, vợ chồng cưới nhau chỉ hai bàn tay trắng. Sinh kế duy nhất là thả lưới đánh bắt cá trong lòng hồ. Thế nên khi được Ngân hàng Chính sách và chính quyền bản giới thiệu tiếp cận nguồn vốn vay hộ nghèo, gia đình chị đã nhanh chóng quyết định vay vốn nuôi trâu bò. Con bò đầu tiên mua từ 5 triệu đồng vốn vay chính sách và khoản tiền tiết kiệm từ đánh bắt cá. Trải qua thêm 2 chu trình vay 30 triệu đồng rồi 50 triệu đồng, chị đã gây được đàn trâu bò hơn chục con.

“Cuộc sống giờ đã đỡ hơn nhiều. Lúc trước không có gì nhưng được Ngân hàng Chính sách xã hội cho vay tiền nên cuộc sống tạm ổn, dựng được ngôi nhà sàn mới vui lắm,” chị Lô Thị Quyên mộc mạc kể.

Cũng như chị Quyên, nhờ có đồng vốn chính sách đã trợ lực hỗ trợ sản xuất chăn nuôi. Nhiều năm qua gia đình anh Moong Văn Hiền ở bản Xốp Cháo đã an cư lạc nghiệp cũng nhờ nguồn vốn vay ưu đãi từ Ngân hàng Chính sách.

Những điển hình làm ăn hiệu quả như chị Lô Thị Quyên, anh Moong Văn Hiền... soi chiếu con đường phát triển kinh tế trong cộng đồng bản Xốp Cháo và ngày càng có nhiều hộ dân vay vốn chính sách phát triển kinh tế.

Tính đến nay, Ngân hàng Chính sách xã hội huyện Tương Dương đang cho 76 hộ ở bản Xốp Cháo vay vốn, chiếm tỷ lệ 69,7%, trong đó có 58 hộ nghèo, 16 hộ cận nghèo và 2 hộ mới thoát nghèo vay, với dư nợ 2,8 tỷ đồng. Nguồn vốn chính sách đã và đang tạo điều kiện cho bà con vay để mua trâu bò, nuôi cá lồng bè... sản xuất kinh doanh, tạo sinh kế, có thêm động lực vươn lên thoát nghèo bền vững. Bản Xốp Cháo không có nợ quá hạn, nợ khoanh, tỷ lệ thu nợ đến hạn đạt trên 98%.

Cuộc sống nhiều đổi thay nơi ‘ba không’ từ nguồn vốn chính sách ảnh 3Tết này, gia đình Lô Thị Quyên rất vui vì sẽ là hộ thứ 6 ở Xốp Cháo không còn là hộ nghèo. (Ảnh: Vietnam+)

Đến nay, cả bản có gần 1.000 con trâu bò, gần 1.400 con gia cầm, cùng với đó là 40 lồng cá bè của 9 hộ gia đình mang lại mức thu nhập 7 triệu đồng/tháng. Với diện tích đất trồng trọt bên cạnh đầu tư sản xuất lúa nước 2 vụ/năm, xã cũng khuyến khích người dân tận dụng đất bằng để cải tạo ruộng nước trồng các loại cây rau màu có giá trị kinh tế, sản xuất theo hướng hàng hóa.

“Nhờ làm tốt công tác phát triển kinh tế, nên đời sống của bà con trong bản từng bước được ổn định, thu nhập bình quân đầu người hiện nay ước đạt 8 - 10 triệu đồng/khẩu/năm, hộ làm ăn khá ngày càng tăng, góp phần cùng cả xã từng bước giảm hộ nghèo một cách bền vững. Hiện nay, Xốp Cháo mới chỉ có 6 hộ thoát nghèo,” Trưởng bản Lô Văn Hưng cho biết.

Trưởng bản Lô Văn Hưng mong muốn “Đảng tiếp tục quan tâm nhiều hơn nữa cho bà con trong bản như Ngân hàng chính sách đang cho vay vốn”!

Ông Nguyễn Văn Hải - Bí thư huyện ủy Tương Dương nhấn mạnh “Thành quả lớn nhất từ vốn vay chính sách là thay đổi tư duy, nhận thức của đồng bào các dân tộc vùng cao biên giới. Khi tư tưởng của người dân thay đổi, biết tư duy, biết nhận thức, biết xây dựng được ý chí tự lực, tự cường để vươn lên thì đó là cái thành quả và nó sẽ là tiền đề để mở ra một tương lai mới tươi sáng hơn cho bà con”.

Ngày 1/9 vừa qua, Bộ Công Thương phê duyệt thiết kế - bản vẽ thi công - dự toán xây dựng công trình cấp điện nông thôn từ lưới điện Quốc gia, tỉnh Nghệ An giai đoạn 2015-2020, phân kỳ 2021, trong đó Bản Xốp cũng nằm trong số các bản được xây dựng công trình cấp điện nông thôn từ lưới điện Quốc gia và nếu không có gì thay đổi người dân Xốp Cháo sẽ có điện lưới quốc gia để đón Tết Nhâm Dần 2022. Bí thư huyện cũng cho biết, huyện đã có kế hoạch tu bổ lại con đường bộ 12km đường núi vào huyện.

Có điện, có đường, có sóng điện thoại, cùng với sự quan tâm của Đảng và sự đoàn kết của bà con nhân dân trong bản Xốp Cháo, Bí thư kiêm Trưởng bản Xốp Cháo vững tin một ngày không xa Xốp Cháo sẽ sớm thoát nghèo bền vững./.

(Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục