Cựu lãnh đạo TEPCO bồi thường 95 tỷ USD liên quan thảm họa Fukushima

Trong vụ kiện, 48 cổ đông yêu cầu các lãnh đạo của TEPCO bồi thường tổng cộng khoảng 22.000 tỷ yen (160 tỷ USD) và đây là khoản tiền yêu cầu bồi thường lớn nhất trong một vụ kiện dân sự ở Nhật Bản.
Cựu lãnh đạo TEPCO bồi thường 95 tỷ USD liên quan thảm họa Fukushima ảnh 1Sóng thần tràn vào nhà máy điện hạt nhân Fukushima Daiichi ở thị trấn Okuma, tỉnh Fukushima, Nhật Bản, ngày 11/3/2011. (Ảnh: AFP/TTXVN)

Ngày 13/7, Tòa án Tokyo phán quyết các cựu lãnh đạo của Công ty điện lực Tokyo (TEPCO) phải trả cho công ty này khoảng 13.000 tỷ yen (95 tỷ USD) bồi thưởng toàn bộ thiệt hại do không ngăn chặn được cuộc khủng hoảng năm 2011 tại nhà máy điện hạt nhân Fukushima số 1.

Phán quyết trên có lợi cho các cổ đông của TEPCO đệ đơn kiện năm 2012 và là phán quyết đầu tiên tuyên các cựu lãnh đạo TEPCO chịu trách nhiệm bồi thường, sau khi nhà máy điện hạt nhân ở Đông Bắc Nhật Bản gây ra 1 trong những thảm họa hạt nhân nghiêm trọng nhất trong lịch sử do trận động đất và sóng thần lớn hồi tháng 3/2011.

Trong vụ kiện, 48 cổ đông yêu cầu các lãnh đạo của TEPCO bồi thường tổng cộng khoảng 22.000 tỷ yen (160 tỷ USD). Đây là khoản tiền yêu cầu bồi thường lớn nhất trong một vụ kiện dân sự ở Nhật Bản.

Các nhân vật bị kiện gồm cựu Chủ tịch Tsunehisa Katsumata, các cựu Phó Chủ tịch Sakae Muto và Ichiro Takekuro, cựu Chủ tịch Masataka Shimizu và cựu Giám đốc điều hành Akio Komori. Trong đó, tòa tuyên tất cả các bị cáo trừ ông Komori phải bồi thường thiệt hại.

Phán quyết của Tòa án Tokyo cho rằng các biện pháp của TEPCO đối phó với sóng thần "hoàn toàn thiếu nhận thức về an toàn và ý thức trách nhiệm".

[Tòa án Nhật Bản yêu cầu TEPCO bồi thường liên quan sự cố Fukushima]

Phiên xử đã xem xét liệu các quyết định của ban lãnh đạo TEPCO về các biện pháp đối phó với sóng thần có thích hợp hay không sau khi một đơn vị của TEPCO năm 2008 đã ước tính rằng một trận sóng thần cao 15,7 m có thể tấn công nhà máy Fukushima số 1 dựa trên đánh giá dài hạn của chính phủ về nguy cơ sóng thần được công bố năm 2002.

Các cổ đông cho rằng đánh giá của chính phủ là đánh giá "khoa học nhất", song ban lãnh đạo công ty đã trì hoãn thực hiện các biện pháp phòng ngừa sóng thần.

Phán quyết của tòa án khẳng định đánh giá của chính phủ đủ độ tin cậy để công ty phải có biện pháp phòng ngừa sóng thần./.

(TTXVN/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục