Thích ứng với trạng thái "bình thường mới", kịp thời phục vụ du khách dịp Tết Dương lịch và Tết Nguyên đán Nhâm Dần 2022, ngành du lịch các tỉnh, thành phố khu vực phía Nam đang nỗ lực đổi mới, đa dạng hóa các sản phẩm du lịch theo hướng đảm bảo an toàn phòng dịch và tạo cảm giác mới mẻ, thu hút du khách.
Nhiều lựa chọn
Theo đại diện một số công ty dịch vụ lữ hành, các khu du lịch, điểm đến tại các địa phương, dù chưa thể coi giai đoạn này là “sự bùng nổ” của các hoạt động du lịch song hiện nay, nhiều đơn vị đã tái khởi động và khai thác các hành trình tour khá đa dạng, phong phú, từ những chương trình trải nghiệm thuộc loại hình du lịch tại chỗ (du lịch gần nhà, ngay tại tỉnh, thành du khách đang sinh sống) với thời gian ngắn cho đến các tour có hành trình dài đến các địa phương thuộc vùng Tây Bắc, Trung Bộ hoặc về các vùng biển đảo ở phía Tây Nam đất nước như Phú Quốc, Hà Tiên (Kiên Giang)…
Đại diện Công ty Dịch vụ lữ hành Saigontourist cho biết tiếp tục thực hiện phương châm mang tới cho du khách những trải nghiệm du lịch sáng tạo, an toàn chất lượng dịch vụ tốt nhất, doanh nghiệp này có nhiều sản phẩm đáp ứng nhu cầu của nhiều đối tượng du khách thuộc các phân khúc thị trường khác nhau, từ các du khách đi du lịch theo nhóm nhỏ, gia đình, bạn bè đến các du khách của loại hình du lịch MICE (du lịch kết hợp hội nghị, sự kiện, hội thảo).
Các sản phẩm được hoàn thiện theo hướng linh hoạt, coi trọng không gian mở, đảm bảo an toàn phòng dịch. Ngay trong tháng 12/2021, hơn 1.200 lượt du khách thuộc 14 đoàn du khách đăng ký dịch vụ du lịch MICE đã đăng ký theo tour của Công ty Dịch vụ lữ hành Saigontourist khám phá các điểm đến an toàn, tham gia nhiều hoạt động, sự kiện phù hợp với các đơn vị, doanh nghiệp tại Hạ Long (Quảng Ninh), Đà Nẵng, Quy Nhơn (Bình Định), Bến Tre, Phú Quốc (Kiên Giang), Thành phố Hồ Chí Minh…
[Du lịch TP.HCM kích cầu sản phẩm, dịch vụ nội địa cuối năm]
Bên cạnh đó, với du khách là nhóm nhỏ, gia đình, bạn bè, doanh nghiệp này tập trung khai thác, đưa ra nhiều lựa chọn cho du khách đến khám phá không gian xanh mát trong lành, sông nước mang và miệt vườn cây trái; chú trọng các hoạt động trong không gian mở, thoáng mát, gắn với thiên nhiên, các nét văn hóa đặc sắc như thưởng thức nghệ thuật đờn ca tài tử, hái rau trong mùa nước nổi, chế biến một một số món ăn tiêu biểu tại các điểm du lịch sinh thái ở Bến Tre, Long An hoặc ngay tại vùng ven đô Thành phố Hồ Chí Minh.
Đề cập về việc phát triển sản phẩm an toàn, đón du khách nội địa và quốc tế trở lại, bà Nguyễn Thu Phương, Tổng Giám đốc Vinpearl cho biết với việc đón thành công đoàn du khách quốc tế gồm 200 khách Hàn Quốc đến Phú Quốc (Kiên Giang) vào cuối tháng 11, sau thời gian dài gián đoạn các hoạt động du lịch, doanh nghiệp này tự tin khai thác nhiều sản phẩm trải nghiệm dành cho du khách nội địa và du khách quốc tế gồm các chuỗi hoạt động thú vị, an toàn, hấp dẫn, được phân luồng hợp lý tại các khu vực lưu trú, nghỉ dưỡng, vui chơi giải trí trong quần thể hơn 1.000 ha với lợi thế hệ sinh thái trải dài, đa dạng.
Đặt yếu tố an toàn lên hàng đầu, doanh nghiệp cũng đã kích hoạt “lá chắn” kiểm soát phòng dịch 24/7, đảm bảo quy trình vệ sinh nâng cao, 100% nhân viên phục vụ du khách đều đã được tiêm vaccine phòng COVID-19, được tập huấn chuyên sâu về bảo hộ, phòng dịch, đáp ứng mục tiêu mở cửa du lịch bền vững.
Trước thông thông tin Việt Nam sẽ thí điểm tổ chức chuyến bay thương mại quốc tế thường lệ từ ngày 1/1/2022, đại diện nhiều doanh nghiệp lĩnh vực dịch vụ du lịch tin tưởng đây sẽ là tín hiệu tích cực, góp phần đa dạng, gia tăng nguồn khách, tạo thuận lợi cho đà phục hồi du lịch. Bên cạnh đó, các doanh nghiệp cũng xác định, đáp ứng yêu cầu phong phú của du khách, đặc biệt là trong bối cảnh bình thường mới, đòi hỏi không chỉ có các sản phẩm thu hút du khách quốc tế hay du khách đến từ các tỉnh, thành trong nước mà còn cần chú ý đến ngay cả những khách hàng đi du lịch ngay tại thành phố mình đang sinh sống.
Ông Võ Văn Phong, Giám đốc Công ty truyền thông và du lịch C2T chia sẻ hiện nay, bên cạnh việc sẵn sàng đón du khách nội địa và quốc tế trở lại, doanh nghiệp này còn khai thác một số hành trình tour ngắn đem lại trải nghiệm đặc sắc, mang đến cho du khách dù đã sinh sống ở ngay tại Bến Tre hay các địa phương thuộc vùng Tây Nam Bộ vẫn có thể cảm thấy nét mới mẻ, hấp dẫn như du lịch kể chuyện dòng sông, tìm hiểu sự tích tên gọi cây thủy liễu (cây bần chua), giới thiệu công dụng của trái bần, rễ và thân bần - một vị thuốc Nam độc đáo.
Du khách cũng được hướng dẫn hái những trái bần chín, tham gia chế biến món ăn dân giã, ngắm cảnh sông nước khi bình minh lên hay hoàng hôn xuống và thưởng thức nhiều đặc sản ẩm thực vùng quê.
Đẩy mạnh quảng bá trên môi trường số
Theo ông Hoàng Quốc Hòa, Phó Giám đốc Trung tâm thông tin du lịch (Tổng cục Du lịch), sự phát triển của công nghệ đã và đang làm thay đổi hành vi của khách du lịch, từ việc tìm kiếm thông tin, đặt dịch vụ, trải nghiệm tại điểm đến cũng như chia sẻ cảm xúc, kỷ niệm về chuyến đi hầu hết đều đã diễn ra trên môi trường số.
Tận dụng những ưu thế của công nghệ, nhanh chóng thích ứng với trạng thái bình thường mới, điểm nổi bật của các hoạt động quảng bá du lịch ở hầu hết các địa phương trong giai đoạn này là liền với chuyển đổi số, thông qua các hội chợ trực tuyến, sàn thương mại điện tử, các ứng dụng du lịch thông minh, góp phần đạt được hiệu quả kép là vừa đảm bảo an toàn phòng dịch COVID-19, vừa mang lại nhiều tiện ích cho du khách và doanh nghiệp.
Với chủ đề “Điểm đến an toàn- hành trình sống động,” tại Thành phố Hồ Chí Minh, từ ngày 4-25/12, Sở Du dịch thành phố tổ chức Ngày hội du lịch bằng hình thức trực tiếp kết hợp với các nền tảng trực tuyến.
Tại không gian ảo của Ngày hội du lịch với trên 100 gian hàng, du khách khắp mọi nơi có thể tham quan, tìm hiểu và mua tour, đặt chỗ sử dụng dịch vụ thuận lợi, nhanh chóng.
Bà Nguyễn Thị Ánh Hoa, Giám đốc Sở Du lịch Thành phố Hồ Chí Minh thông tin, Thành phố đang sở hữu trên 360 tài nguyên du lịch phong phú với nhiều điểm đến di sản thiên nhiên, di sản văn hóa, các khu, điểm du lịch hấp dẫn cùng nhiều cơ sở lưu trú, ẩm thực, mua sắm, trung tâm tổ chức sự kiện, hội nghị du lịch cao cấp hàng đầu của Việt Nam và khu vực.
Bên cạnh các sản phẩm du lịch có thế mạnh trước đây, ngành du lịch Thành phố đang phát triển, nâng cao chất lượng nhiều sản phẩm du lịch như du lịch ẩm thực, du lịch mua sắm, du lịch đường thủy, du lịch sinh thái, du lịch y tế, du lịch vòng quanh Thành phố, du lịch tham quan dã ngoại gắn với nông nghiệp và nông thôn mới vùng ven…
Vì vậy, với việc lần đầu tiên Ngày hội du lịch thành phố được tổ chức trực tuyến cùng lúc trên nhiều kênh như qua các website, sàn thương mại điện tử, đại lý du lịch trực tuyến, ngành du lịch Thành phố Hồ Chí Minh thực hiện chiến dịch quảng bá các sự kiện du lịch, điểm đến an toàn, thu hút du khách đến Thành phố trong giai đoạn bình thường mới.
Tương tự, Đồng Nai - địa phương vùng Đông Nam Bộ có thế mạnh về phát triển du lịch sinh thái với các điểm đến tiêu biểu như: Khu Dự trữ sinh quyển thế giới Đồng Nai, Khu Bảo tồn thiên nhiên-văn hóa Đồng Nai, Vườn Quốc gia Cát Tiên, hồ Trị An, các hoạt động giới thiệu tiềm năng, sản phẩm du lịch gắn với chuyển đổi số đang được ngành chức năng của địa phương tăng cường thực hiện.
Theo đại diện Trung tâm Xúc tiến Du lịch tỉnh Đồng Nai, góp phần xây dựng thương hiệu du lịch sinh thái, tỉnh chú trọng ứng dụng công nghệ số để quảng bá hình ảnh, thương hiệu và xúc tiến du lịch cho địa phương; ứng dụng công nghệ số trong quản lý khách du lịch và hoạt động du lịch, hoàn thiện hệ thống thống kê du lịch, xây dựng hệ thống cơ sở dữ liệu ngành du lịch. Đồng Nai cũng tiếp tục nâng cấp hệ thống phần mềm du lịch thông minh cho phù hợp với các công nghệ mới, cập nhật dữ liệu du lịch mới, phối hợp với một số đối tác để phát triển phần mềm du lịch thông minh trên các công cụ tìm kiếm một cách hiệu quả nhất./.