Đa ngôn ngữ - Thách thức & cơ hội cho toàn cầu

Hội nghị “Đa ngôn ngữ - Thách thức và cơ hội cho một thế giới toàn cầu” được tổ chức trong khuôn khổ Ngày các ngôn ngữ châu Âu.
Trong khuôn khổ Ngày các ngôn ngữ châu Âu, ngày 14/10 tại Hà Nội, Viện Goethe Hà Nội phối hợp với một số viện văn hóa và Đại sứ quán của nhiều nước châu Âu tại Việt Nam tổ chức hội nghị “Đa ngôn ngữ - Thách thức và cơ hội cho một thế giới toàn cầu.”

Phát biểu tại hội nghị, Viện trưởng Viện Goethe Hà Nội, bà Meyer Zollitsch nhấn mạnh đây là dịp để các nước cùng giới thiệu về ngôn ngữ của quốc gia mình và thảo luận các ưu nhược điểm của sự đa dạng ngôn ngữ ở châu Âu, vai trò của đa dạng ngôn ngữ trong bối cảnh quốc tế.

Bà Meyer Zollitsch chia sẻ ngày hội các thứ tiếng châu Âu không chỉ đưa ra sự đa dạng mà còn chỉ ra mục đích và tầm quan trọng của đa ngôn ngữ trong mối quan hệ với châu Âu ngày nay. Ngoài tiếng mẹ đẻ và tiếng Anh, người có thể nói thêm một ngôn ngữ của châu Âu sẽ có thêm nhiều lợi thế trong các mối quan hệ kinh tế và thương mại với châu Âu.

Các đại biểu tham dự hội nghị thống nhất ngôn ngữ là tài sản quý giá và là phương tiện quan trọng để biểu đạt văn hóa. Trong tổng số 6.000 tiếng nói trên thế giới, rất nhiều tiếng nói đã bị mất đi và có nguy cơ mất đi trong bối cảnh toàn cầu hóa mạnh.

Trình bày về Chương trình quy hoạch tổng thể giáo dục ngoại ngữ ở Việt Nam năm 2020, giáo sư Nguyễn Ngọc Hùng, Vụ Hợp tác quốc tế (Bộ Giáo dục và Đào tạo Việt Nam) cho biết năm 2011-2015, Việt Nam tiếp tục tập trung đào tạo lại giáo viên ngoại ngữ; đưa ra chương trình học ngoại ngữ 10 năm và đưa công nghệ thông tin vào ứng dụng trong dạy và học ngoại ngữ; phấn đấu đến năm 2020, học sinh, sinh viên của Việt Nam ở các cấp trung học cơ sở, dạy nghề, cao đẳng và đại học có thể sử dụng ngoại ngữ một cách tự tin trong công việc, tiến tới ngoại ngữ là thế mạnh của người Việt trong quá trình xây dựng công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước và trong xu hướng toàn cầu hiện nay.

Ông John Ó Rourke, đại diện Hội đồng Anh chia sẻ về vấn đề sử dụng công nghệ thông tin trong hệ thống giáo dục, sự phát triển các chỉ số liên quan đến công nghệ thông tin trong vòng 10 năm qua.

Ông John Ó Rourke nhấn mạnh Việt Nam là một trong số những quốc gia trên thế giới có tốc độ phát triển vượt bậc về công nghệ thông tin và liên tục phát triển trong các năm gần đây. Ông cho rằng, các nhà giáo dục có thể lựa chọn và ứng dụng công nghệ thông tin bởi nó đóng vai trò quan trọng đối với sự thành công trong giáo dục cũng như sự phát triển và thịnh vượng của Việt Nam.

Ngày 15/10, Ngày các ngôn ngữ châu Âu sẽ tiếp tục diễn ra với các hoạt động mang tính thực hành. Đại diện các tổ chức sẽ giới thiệu về ngôn ngữ của mình như tiếng Đức, Anh, Pháp, Tây Ban Nha, Hungary, Italy. Các nước tham gia sẽ tổ chức các buổi học ngắn khoảng 30 phút vào nhiều lần trong ngày. Ngoài ra, còn có các tài liệu trực quan sinh động như poster, tranh ảnh, phim ngắn tạo hứng thú trải nghiệm với các ngôn ngữ và văn hóa.

Người dự có nhiều cơ hội tham dự buổi học ngắn, học những từ đầu tiên của một ngôn ngữ mới và có được một ấn tượng về sự đa dạng ngôn ngữ và văn hóa của châu Âu./.

Nguyễn Hồng Điệp (TTXVN/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục