Đại biểu Bùi Đức Thụ: Cung tại chỗ nhỏ hơn cầu khiến Lai Châu đắt đỏ

Theo đại biểu Bùi Đức Thụ, Phó trưởng đoàn đại biểu Quốc hội Lai Châu, cung tại chỗ nhỏ hơn cầu, khiến hàng hóa phải vận chuyển từ nơi khác đến làm cho mặt bằng giá tại Lai Châu đắt đỏ.
Đại biểu Bùi Đức Thụ: Cung tại chỗ nhỏ hơn cầu khiến Lai Châu đắt đỏ ảnh 1Người dân nông thôn đang mua sắm hàng Việt Nam (Ảnh: Đức Duy/Vietnam+)

Báo cáo Chỉ số giá sinh hoạt mà Tổng cục Thống kê công bố ngày 24/3 cho thấy Lai Châu là địa phương có chỉ số giá sinh hoạt đắt đỏ nhất trong cả nước.

Bên lề kỳ họp thứ 11, quốc hội khóa 13, Báo điện tử VietnamPlus đã phỏng vấn đại biểu Bùi Đức Thụ, Phó trưởng đoàn Đại biểu Quốc hội Lai Châu để hiểu rõ hơn về vấn đề này.

- Thưa ông, báo cáo của Tổng cục Thống kê về tình hình kinh tế xã hội, trong đó có nhấn mạnh đến việc Lai Châu là thành phố đắt đỏ nhất cả nước, vậy với góc độ là đại biểu quốc hội của Lai Châu, ông nhìn nhận vấn đề trên như thế nào?

Đại biểu Bùi Đức Thụ: Qua đánh giá của Tổng cục Thống kê cũng như căn cứ vào thực tiễn mặt bằng giá trên địa bàn tỉnh cho thấy, Lai Châu là nơi đắt đỏ nhất cả nước, điều này theo tôi cũng là một thực tế vì Lai Châu là một tỉnh vùng núi Tây Bắc, núi cao, địa bàn hiểm trở, không phù hợp cho việc phát triển nông nghiệp.

Bên cạnh đó, diện tích đất để dùng cho sản xuất nông nghiệp, cũng như điều kiện chăn nuôi, phát triển hàng tiêu dùng và các vấn đề về thực phẩm, rau quả... rất khó có thể tạo ra nguồn phục vụ tại chỗ và phần lớn hàng hóa đều do miền xuôi trở lên, do vậy giá cả đắt đỏ cũng là điều đương nhiên.

- Vậy các chương trình hàng Việt được triển khai thời gian qua có tác dụng như thế nào trong việc bình ổn giá cũng như phục vụ bà con các tỉnh vùng cao, trong đó có Lai Châu, thưa ông?

Đại biểu Bùi Đức Thụ: Chủ trương vận động Người Việt Nam dùng hàng Việt Nam là chủ trương đúng, nhằm giải quyết đầu ra cho sản xuất đặc biệt là doanh nghiệp trong nước đang hết sức khó khăn và khâu tiêu thụ hàng hóa chính là yếu tố then chốt để thúc đẩy doanh nghiệp phát triển.

​Trong giai đoạn 2012-2014, xuất khẩu nhờ tăng mạnh nên đã giúp cả nước xuất siêu trong giai đoạn này. Tuy nhiên, từ 2015, kim ngạch xuất khẩu giảm hơn nhập khẩu và nhập siêu trở lại, với mức nhập siêu là 3,5 tỷ USD.

Đáng chú ý là trong khi nhập siêu cao thì doanh nghiệp 100% vốn trong nước nhập siêu tới 20 tỷ USD còn doanh nghiệp FDI vẫn xuất siêu khá lớn, điều này cho thấy việc tiêu thụ thông qua con đường xuất khẩu của các doanh nghiệp 100% vốn trong nước vẫn còn hạn chế.

Vấn đề còn lại để đảm bảo cho việc tiêu thụ hàng hóa tốt thì cần chú trọng đến thị trường trong nước và ngăn chặn tình trạng không để doanh nghiệp Việt Nam thua ngay trên sân nhà, vì vậy chủ trường vận động Người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam thực hiện thời gian qua được đánh giá là chủ trương hết sức đúng đắn.

Tuy nhiên, trên thực tế, để thực hiện chủ trương này tốt cần phải có cơ chế chính sách đặc biệt để hàng Việt Nam ở những nơi sản xuất ra như thành phố, đồng bằng có thể tiếp cận được những nơi ở vùng sâu, vùng xa và vùng núi để đáp ứng nhu cầu của người dân, đảm bảo đời sống của nhân dân đồng bào nơi đây cũng là điều hết sức bức thiết.

Thực tế thời gian qua cho thấy, việc thực hiện đưa hàng lên vùng núi, vùng sâu, vùng xa của chúng ta kết quả đạt được còn hết sức khiêm tốn bởi cơ chế hỗ trợ của chúng ta dù đã có nhưng chưa đủ mạnh, đối với doanh nghiệp kinh doanh thương mại muốn chuyển hàng hóa từ miền xuôi lên miền ngược, từ thành phố lên miền núi thì mục tiêu của họ phải đảm bảo lợi nhuận.

Hơn nữa, việc đưa hàng hóa lên miền núi chi phí vận chuyển lớn, chưa kể qui mô tiêu dùng của người dân miền núi nhỏ và thu nhập thấp nên khả năng tiêu thụ hàng hóa ở vùng đó cũng hạn hẹp dẫn đến doanh số thu được của doanh nghiệp thấp, hiệu quả không cao, trong khi việc thực hiện chủ trương Người Việt Nam ưu tiên dùng hành Việt Nam, đưa hàng hóa từ miền xuôi lên miền núi, vùng sâu vùng xa của chúng ta mới đạt được ở mức khiêm tốn, bước đầu.

Đại biểu Bùi Đức Thụ: Cung tại chỗ nhỏ hơn cầu khiến Lai Châu đắt đỏ ảnh 2Đại biểu Quốc hội Bùi Đức Thụ, đoàn Lai Châu (Ảnh: Đức Duy/Vietnam+)

- Như vậy, theo ông, với thực tế của Lai Châu thì trong thời gian tới để kéo giảm mặt bằng giá nói chung, cũng như đảm bảo chỗ đứng vững chắc cho hàng Việt ở đây thì cần có những cơ chế đặc thù gì?

Đại biểu Bùi Đức Thụ: Để giảm giá cho đồng bào vùng cao, đặc biệt là địa bàn Lai Châu theo tôi điều quan trọng nhất phải xử lý được quan hệ cung-cầu trên địa bàn tỉnh đó.

Hiện tại cung tại chỗ là nhỏ hơn cầu, do đó là phải vận chuyển hàng hóa từ các nơi khác đến và cộng với chi phí vận chuyển, cũng như các chi phí khác dẫn đến mặt bằng chi phí cao, do đó để khắc phục tình trạng này thì vấn đề gốc dễ thì nhà nước phải rà soát lại quy hoạch, kế hoạch. Hơn nữa, nhà nước cần có cơ chế chính sách để phát triển kinh tế của miền núi nói chung và địa bàn Lai Châu nói riêng.

Đặc biệt, theo tôi cần chú trọng vào việc phát triển những ngành nghề để đáp ứng nhu cầu tiêu thụ của dân ngay trên địa bàn đó, cụ thể là phải quy hoạch lại sản xuất và quy hoạch phát triển hàng tiêu dùng, lương thực, thực phẩm, rau cỏ... để đáp ứng được yêu cầu của người dân.

Tuy nhiên, phải nhấn mạnh mọi quy hoạch, kế hoạch phải phù hợp với tình hình thực tiễn, điều kiện tự nhiên của sản xuất, đồng thời phải đảm bảo phát huy được lợi thế so sánh và phù hợp với điều kiện tự nhiên, thổ nhưỡng, địa hình dốc đứng của vùng này.

Nếu như quy hoạch, kế hoạch sản xuất lại không dựa vào những lợi thế so sánh, không phù hợp với điều kiện tự nhiên xã hội của từng vùng thì điều đó tất yếu sớm hay muộn cũng dẫn đến thất bại.

Tiếp đó, nhà nước cần phải có những chính sách để điều hòa lưu thông, phân phối hàng hóa một cách hợp lý, thông suốt, muốn như vậy ngoài việc phát triển cơ sở hạ tầng để hàng hóa lưu thông thuận lợi thì cần có những chính sách hỗ trợ để chuyển hàng hóa có thể vận chuyện lên vùng sâu vùng xa tương tự như chính sách mà chúng ta đã làm đối với một số mặt hàng thuộc diện bình ổn giá, trong những thời điểm giáp Tết...

Tất cả những vấn đề nêu trên cần rà soát lại để ban hành những cơ chế chính sách nhằm đảm bảo điều hòa được hàng hóa giữa các vùng miền và đáp ứng yêu cầu của cư dân vùng sâu, vùng xa, miền núi mà trực tiếp là cư dân địa bàn tỉnh Lai Châu.

- Xin cảm ơn ông./.

(Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục