Cần rà soát, đánh giá kỹ tác động của việc mở rộng đối tượng tham gia bảo hiểm xã hội bắt buộc là kiến nghị của một số đại biểu Quốc hội trong phiên làm việc của Quốc hội sáng nay, 23/11.
Đại biểu Trần Thị Thanh Hương, Đoàn Đại biểu Quốc hội tỉnh An Giang cho rằng bảo hiểm xã hội là chính sách rất nhân văn của Đảng, Nhà nước ta nhằm mục tiêu đảm bảo an sinh xã hội và quyền lợi cho người lao động. Theo đó, nữ đại biểu thống nhất với việc mở rộng đối tượng tham gia bảo hiểm xã hội bắt buộc đối với một số nhóm đối tượng như Chính phủ đã đề xuất.
Cụ thể, theo dự thảo luật sẽ có thêm các nhóm đối tượng đóng bảo hiểm xã hội bắt buộc gồm có nhóm người hoạt động không chuyên trách ở thôn, tổ dân phố, nhóm người làm việc không trọn thời gian, nhóm người quản lý, điều hành hợp tác xã... Tuy nhiên, theo bà Hương, do đối tượng mở rộng nên cần tiếp tục rà soát và đánh giá kỹ hơn các tác động của các chính sách liên quan về bảo hiểm y tế, bảo hiểm xã hội một lần, xác định rõ chủ thể sử dụng lao động và việc bảo đảm kinh phí để đóng bảo hiểm xã hội… để qua đó các chính sách thực sự khả thi và thuận tiện cho quá trình tổ chức triển khai thực hiện.
Đây cũng là vấn đề được Đại biểu Đoàn Thị Thanh Mai, Đoàn Đại biểu Quốc hội tỉnh Hưng Yên đưa ra. Theo đại biểu Thanh Mai, Dự thảo Luật Bảo hiểm xã hội (sửa đổi) đã mở rộng 5 đối tượng tham gia bảo hiểm xã hội bắt buộc nên cần đánh giá tác động đến các chi phí phát sinh.
Phân tích cụ thể hơn, Đại biểu Thanh Mai cho rằng việc bổ sung các đối tượng tham gia bảo hiểm xã hội bắt buộc thể hiện sự định hướng từng bước mở rộng diện bao phủ đối tượng tham gia bảo hiểm xã hội bắt buộc, nhưng sẽ làm phát sinh thêm chi phí của cả người lao động và người sử dụng lao động. Do đó cần nghiên cứu đánh giá kỹ tác động và làm rõ các lợi ích chi phí khi tham gia bảo hiểm xã hội bắt buộc của các nhóm đối tượng này, tránh phát sinh các phản ứng tiêu cực.
Cũng theo Đại biểu Thanh Mai, báo cáo đánh giá tác động chính sách trong sách trong dự án luật cho thấy có gần 2 triệu hộ đăng ký kinh doanh, khoảng 270.000 người hoạt động không chuyên trách ở thôn tổ dân phố, chưa kể ba nhóm đối tượng còn lại chưa có thống kê cụ thể.
“Thực tiễn vừa qua cho thấy, tình trạng trốn, nợ đóng bảo hiểm xã hội đối với các đối tượng dễ quản lý và dễ xử lý hơn vẫn chưa được giải quyết triệt để. Do đó nếu mở rộng đối tượng tham gia bảo hiểm xã hội bắt buộc như dự thảo luật cần phải có chế tài quy định kiểm soát và thực hiện nghiêm xử lý xử phạt nghiêm minh, để đảm bảo tính hiệu lực, hiệu quả của các quy định,” Đại biểu Đoàn Thị Thanh Mai nói.
Quốc hội thảo luận ở hội trường về Luật Bảo hiểm Xã hội sửa đổi
Tiếp tục chương trình Kỳ họp thứ sáu, Quốc hội khóa XV, sáng 23/11, Quốc hội thảo luận ở hội trường về dự án Luật Bảo hiểm Xã hội sửa đổi.
Cùng quan tâm đến vấn đề này, Đại biểu Tô Văn Tám, Đoàn Đại biểu Quốc hội tỉnh Kon Tum cho rằng việc mở rộng đối tượng tham gia bảo hiểm xã hội bắt buộc như dự thảo luật là khá bao trùm các đối tượng và rất rộng. Theo đó, Đại biểu Tô Văn Tám đề nghị cần có những chế tài để đảm bảo tính khả thi về quy định này vì thực tế đối tượng lao động quy định rất rộng.
“Họ làm tất cả các việc và thường xuyên di chuyển trong khi hiện nay chúng ta chưa có cơ sở dữ liệu về lao động, cho nên không thể nắm hết được đối tượng lao động này,” Đại biểu Tô Văn Tám nói.
Khẳng định mở rộng đối tượng tham gia bảo hiểm xã hội bắt buộc là điều cần thiết, Đại biểu Nguyễn Thị Việt Nga, Đoàn Đại biểu Quốc hội tỉnh Hải Dương cho rằng quy định này phù hợp với tâm tư, nguyện vọng và kiến nghị của cử tri trong nhiều năm gần đây. Bà Nga cho hay trong các cuộc tiếp xúc cử tri, cử tri thường kiến nghị nội dung tham gia bảo hiểm xã hội bắt buộc đối với đội ngũ người hoạt động không chuyên trách ở thôn, ở tổ dân phố.
“Việc mở rộng đối tượng tham gia bảo hiểm xã hội đương nhiên sẽ mở rộng mạng lưới bao phủ bảo hiểm xã hội. Đây là cái đích chúng ta đang hướng đến, tạo mạng lưới an sinh xã hội vững chắc và hiệu quả,” Đại biểu Nguyễn Thị Việt Nga chia sẻ./.