'Đại dịch COVID-19 không phải là Chiến tranh Thế giới II'

Mặc dù đại dịch viêm đường hô hấp cấp do virus corona chủng mới (COVID-19) là điều chưa từng có, nhưng đây không phải là lần đầu tiên các lực lượng ngoại lai phá vỡ cuộc sống của người dân.
'Đại dịch COVID-19 không phải là Chiến tranh Thế giới II' ảnh 1Nhân viên y tế chuyển bệnh nhân COVID-19 tới trung tâm y tế Maimonides ở Brooklyn, New York, Mỹ ngày 23/4/2020. (Ảnh: AFP/TTXVN)

Theo trang mạng project-syndicate.org, tác giả William H.Janeway trong bài viết có tựa đề "COVID-19 không phải là Chiến tranh Thế giới II" đã nhận định rằng mặc dù đại dịch viêm đường hô hấp cấp do virus corona chủng mới (COVID-19) là điều chưa từng có, nhưng đây không phải là lần đầu tiên các lực lượng ngoại lai phá vỡ cuộc sống của người dân.

Nội dung bài viết như sau:

Đại dịch này có những nét tương đồng với cuộc huy động của Mỹ cho Chiến tranh Thế giới II. Vào tháng 12/1940 - gần 1 năm trước sự kiện Trân Châu Cảng và khi Anh dường như đơn độc chống lại sự xâm lược của Đức Quốc xã - Tổng thống Mỹ Franklin D. Roosevelt khi đó đã tuyên bố rằng “chúng ta phải là kho vũ khí lớn của nền dân chủ."

Khi điều đó xảy ra, sự giải thích toàn diện đầu tiên về việc huy động ngành công nghiệp của Mỹ cho cuộc chiến nằm trong cuốn sách “Cuộc đấu tranh sinh tồn” được cha tôi - Eliot Janeway - viết vào năm 1951.

Kết quả là tôi đã lớn lên với một kiến thức nhất định và sau đó được tích lũy dần về nền kinh tế chính trị của thời kỳ đó, có sự tương tác phức tạp sâu sắc trong sản xuất hậu cần, biểu hiện cạnh tranh chính trị của các lợi ích công-tư và sự xuất hiện khó hiểu của các nhà quản lý và các kỹ thuật quản lý trên thực tế.

Bài học đầu tiên từ các tài liệu lịch sử về thời đại này là: những thách thức mà chúng ta gặp phải ngày hôm nay khác cơ bản so với những thách thức của cuộc Chiến tranh Thế giới II, chỉ có yếu tố chung duy nhất là sự đóng cửa bắt buộc của nền kinh tế dân sự. Việc chuyển đổi nền kinh tế của Mỹ sang sản xuất quân sự chỉ hoàn toàn diễn ra khi sự phục hồi khó khăn, lâu dài từ cuộc Đại suy thoái cuối cùng đã bắt đầu.

Tuy nhiên, sau năm 1940, nhu cầu về sản phẩm và dịch vụ đã bị “thay thế” hoàn toàn bởi nhu cầu về quân sự. Khi điều đó xảy ra, thách thức từ phía cung không phải là làm thế nào để tồn tại trong trường hợp không có doanh thu và dòng tiền. Thay vào đó là cách ưu tiên cho sự bùng nổ nhu cầu cạnh tranh từ quân đội; hải quân; chương trình Lend-Lease (cho vay không lấy lãi) để cung cấp cho Anh, Liên Xô và các đồng minh khác của Mỹ và nhu cầu dân sự còn lại (mà ngày càng bị hạn chế bởi khẩu phần).

Khi quy mô và phạm vi can thiệp của chính phủ tăng lên, phong cách lãnh đạo của Roosevelt chịu áp lực rất lớn. Ông ta luôn tìm cách tách sự kiểm soát hiệu quả khỏi trách nhiệm công, do đó ngăn chặn cấp dưới có khả năng giành quyền lực của ông ta. Tuy nhiên, điều này tạo ra sự thất vọng cho những cấp dưới trung thành nhất của Roosevelt. Một cơ quan mới được thành lập sau khi một cơ quan khác thất bại trong việc thiết lập các ưu tiên dựa trên sự nhất quán, đồng thuận giữa hàng loạt các hàng hóa cạnh tranh để tiếp cận với nền kinh tế phát triển nhanh chóng của nước Mỹ.

Trong cuốn sách năm 2016 có tựa đề “Sáng tạo hủy diệt: Kinh doanh Mỹ và Chiến thắng trong Chiến tranh Thế giới II," nhà sử học Mark R. Wilson đã chắt lọc giá trị công trình nghiên cứu của hai thế hệ về sự huy động của Mỹ. Như cha tôi đã nói vào thời điểm đó, ông khẳng định rằng chiến thắng trong cuộc chiến tranh là nhờ vào “động lực sản xuất," vì nguồn cung tăng vượt qua cả những mục tiêu dường như không thể của Roosevelt.

Vào Mùa Hè năm 1940, khi Đức Quốc xã tiến hành “cuộc chiến tranh chớp nhoáng” ở Tây Âu, Roosevelt đã kêu gọi sản xuất máy bay chiến đấu phải tăng lên “ít nhất 50.000 chiếc” mỗi năm.

Vào thời điểm đó, Không lực Lục quân Mỹ chưa đầy 5.000 chiếc máy bay. Từ năm 1943-1944, Mỹ đã sản xuất trung bình 90.000 chiếc máy bay mỗi năm, nhờ vào một chương trình kỷ luật để phân bổ ba “vật liệu quan trọng” - thép, đồng và nhôm - thông qua các nhà thầu trong chuỗi cung ứng.

Ngoài việc thực thi các ưu tiên sản xuất, chương trình này còn hiệu quả vì nó giúp các doanh nghiệp thoát khỏi thói quan liêu quá mức.

Sự giải thích ngắn gọn này nhấn mạnh sự khác biệt quan trọng nhất giữa lúc đó và bây giờ. Trước đó, có quá nhiều nhu cầu đối với quá nhiều hàng hóa khác nhau, trong khi vấn đề ngày nay đơn giản hơn nhiều, bởi vì số lượng hàng hóa thiết yếu là rất ít.

[Bước chuyển chính sách vĩ mô lớn nhất của Trung Quốc hậu COVID-19]

Ưu tiên trước mắt bây giờ là tăng nguồn cung thiết bị bảo vệ cá nhân, như khẩu trang N95 và quần áo y tế cũng như máy thở, sau đó triển khai hiệu quả nhiệm vụ xét nghiệm cho các trường hợp nhiễm COVID-19 hiện tại và trước đó trên phạm vi toàn quốc, rồi mới đến sản xuất vắcxin. Việc ai sẽ sản xuất các mặt hàng này và làm thế nào sẽ phải công khai. Các bộ xét nghiệm tốt hơn và vắcxin sẽ đòi hỏi nghiên cứu chuyên sâu và phát triển cũng như thời gian để tiến hành các thử nghiệm lâm sàng. Trong cả hai trường hợp, việc đặt ra các quy trình kỹ thuật và hậu cần liên quan không phải là một nhiệm vụ khó khăn.

Với sự đơn giản tương đối trước thách thức sản xuất của ngày hôm nay, thực tế là phản ứng của Mỹ đã “tái tạo” sự hỗn loạn ban đầu của chương trình huy động trong Chiến tranh Thế giới II, điều đó nói lên một mức độ quản lý kém cỏi.

Trước đây, sự cạnh tranh giữa Quân đội và Hải quân đã tạo ra cái được gọi là “lạm phát ưu tiên." Tuy nhiên ngày nay, 50 tiểu bang và các thành phần của chính phủ liên bang đang cạnh tranh với nhau để tiếp cận cùng một mặt hàng, tạo ra lạm phát giá hàng hóa “kiểu cũ." Do đó, giá của khẩu trang N95 đã tăng từ gần 1 USD lên hơn 6 USD chỉ trong vài tháng. Hơn nữa, với Đạo luật Sản xuất Quốc phòng năm 1950 (DPA), chính phủ liên bang hiện có mọi thứ cần thiết để thúc đẩy sản xuất và quản lý việc phân bổ các nguồn cung cấp quan trọng.

Sau những bài học rút ra từ năm 1940 đến 1943, DPA ủy quyền cho tổng thống yêu cầu các doanh nghiệp ưu tiên cao nhất cho các hợp đồng được ban hành theo chỉ thị của liên bang, và thiết lập các quy định và thành lập các cơ quan khi cần thiết./.

(Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục