Theo số liệu của Cục Thống kê quốc gia Trung Quốc ngày 17/4, Tổng sản phẩm quốc nội (GDP) quý 1/2020 của nước này lần đầu tiên tăng trưởng âm kể từ năm 1992, khi số liệu GDP hàng quý bắt đầu được ghi nhận ở nền kinh tế lớn thứ hai thế giới.
Có chuyên gia cho rằng giai đoạn khó khăn nhất đối với kinh tế Trung Quốc đã qua, nhưng cũng có học giả nhận định bi quan rằng đây mới chỉ là “khúc dạo đầu” vì Trung Quốc còn phải đối mặt với cú sốc kinh tế thứ hai.
Ngày 15/4 vừa qua, Thường vụ Bộ Chính trị Trung ương đảng Cộng sản Trung Quốc đã nhóm họp lần thứ hai trong tháng Tư.
['Xu thế cải cách dài hạn trong nền kinh tế Trung Quốc không thay đổi']
Nội dung chủ yếu là nghe báo cáo công tác phòng chống dịch bệnh và tình hình kinh tế hiện nay, nghiên cứu công tác phòng chống dịch và công tác kinh tế. Trong đó, thành quả quan trọng nhất là trình Hội nghị Bộ Chính trị xem xét một loạt bố trí, sắp xếp liên quan tới công tác kinh tế.
Hai ngày sau, Cục Thống kê Quốc gia Trung Quốc công bố số liệu kinh tế quý 1/2020. Theo đó, kinh tế quý 1/2020 của Trung Quốc tăng trưởng -6,8% so với cùng kỳ năm ngoái, thấp hơn mức dự báo của thị trường là -6,5%.
Đây là lần đầu tiên kinh tế Trung Quốc giảm sút mạnh như vậy, ít ra là kể từ năm 1992 khi số liệu GDP hàng quý của bắt đầu được ghi nhận ở Trung Quốc.
Cũng trong ngày 17/4, Bộ Chính trị Trung ương đảng Cộng sản Trung Quốc đã nhóm họp. Nội dung bàn thảo vẫn là hai nội dung giống như tại hội nghị Thường vụ Bộ Chính trị và cốt lõi vẫn là việc bố trí công tác kinh tế trong tình hình hiện nay.
Theo thông lệ, Trung Quốc bố trí công tác kinh tế theo 3 bước: Nghiên cứu tình hình, xác định tổng phương hướng và đề ra nhiệm vụ. Lần này, khi phân tích tình hình kinh tế, nội dung quan trọng nhất là việc đề cập về vấn đề, cơ hội và thách thức.
Cụ thể, về vấn đề kinh tế hiện nay, Trung Quốc xác định tình hình quý 1/2020 rất bất bình thường, dịch COVID-19 xảy ra bất ngờ gây ra tác động chưa từng có đối với sự nghiệp phát triển kinh tế xã hội của nước này.
Đề cập tới cơ hội, Bắc Kinh cho rằng: “Nền kinh tế thể hiện sự dẻo dai to lớn, việc khôi phục sản xuất kinh doanh đang từng bước tiếp cận hoặc đạt được mức bình thường, ứng phó với dịch bệnh đã làm nảy sinh và thúc đẩy nhiều ngành nghề mới phát triển nhanh chóng.”
Bàn về thách thức, Bắc Kinh nhận định: “Sự nghiệp phát triển kinh tế hiện nay đối mặt với thách thức lớn chưa từng có, phải dự tính đầy đủ khó khăn, rủi ro và tính không xác định, thiết thực tăng cường cảm giác cấp bách, nắm chắc các mặt công tác phát triển kinh tế xã hội.”
Về phương hướng, theo tờ Economic Journal, đây cũng chính là “yêu cầu tổng thể” được nêu ra trong văn kiện hội nghị, gồm: “Kiên trì phương hướng tiến lên trong ổn định;” “bảo đảm việc làm của người dân,” “bảo đảm sinh kế cơ bản của người dân;” “bảo đảm thị trường;” “bảo đảm an ninh lương thực, an ninh năng lượng;” “bảo đảm ổn định của chuỗi ngành nghề, chuỗi cung ứng;” “bảo đảm vận hành cấp cơ sở.”
Như vậy, Trung Quốc vẫn giữ nguyên phương châm “tiến lên trong ổn định” đề ra từ Hội nghị Bộ Chính trị tháng 7/2018, nhưng đã chuyển “6 mặt công tác cần ổn định” (ổn định việc làm, ổn định tài chính, ổn định ngoại thương, ổn định đầu tư nước ngoài, ổn định đầu tư trong nước và ổn định kỳ vọng) trước đây thành “6 mặt công tác cần bảo đảm” hiện nay.
Nếu đại dịch COVID-19 không bùng phát, có thể phương châm “6 mặt công tác cần ổn định” đã được nêu ra trong báo cáo công tác chính phủ trình Đại hội Đại biểu Nhân dân toàn quốc (Quốc hội) Trung Quốc dự kiến diễn ra vào tháng 3/2020, nhưng đã bị hoãn.
Tuy nhiên, đại dịch xảy ra, tình hình có sự thay đổi lớn, trọng tâm công tác kinh tế cũng thay đổi lớn. “Sáu mặt công tác cần ổn định” vẫn có thể được sử dụng, nhưng không còn phù hợp với tình hình thực tế. Cho nên, mọi suy xét của giới quyết sách tối cao Trung Quốc đều xuất phát từ việc phải bảo đảm ổn định đại cục và bảo đảm ổn định kinh tế cũng là một giới hạn.
Trong bối cảnh tình hình còn thay đổi, nguy cơ vẫn chưa được loại trừ hoàn toàn, suy thoái kinh tế vẫn có thể xảy ra, điều quan trọng nhất, bức thiết nhất đương nhiên là trật tự kinh tế và dân sinh.
Tuy cả hai đều trong tình trạng rất khó khăn, nhưng nhất thiết phải bảo đảm và cụ thể chính là “6 mặt công tác cần bảo đảm.”
Từ “6 mặt công tác cần ổn định” tới “6 mặt công tác cần bảo đảm” chính là bước chuyển chính sách vĩ mô lớn nhất của Trung Quốc trong giai đoạn hiện nay, cho thấy kinh tế Trung Quốc đã bước vào thời kỳ mới, thời kỳ khó khăn nhất kể từ khi nước này tiến hành cải cách mở cửa vào năm 1979.
Sau khi Trung Quốc công bố số liệu kinh tế quý 1/2020 và đưa ra những điều chỉnh chính sách vĩ mô nêu trên, làn gió lạc quan đã xuất hiện ở nước này, bao gồm hàng loạt dự đoán kinh tế quý 2/2020 của Trung Quốc sẽ phục hồi mạnh mẽ, trở lại tăng trưởng dương. Tuy nhiên, cũng có chuyên gia cảnh báo cần phải đề phòng cú sốc kinh tế thứ hai, không thể lạc quan một cách mù quáng.
Quả thực, nếu coi việc phong tỏa thành phố Vũ Hán là khởi đầu làn sóng thứ nhất mang tới cú sốc kinh tế đầu tiên cho Trung Quốc thì sau đó dịch bệnh đã lan tràn khắp châu Âu và châu Mỹ là làn sóng thứ hai.
Báo cáo mới nhất cho thấy làn sóng thứ ba đang đến, đó là dịch bệnh tấn công các nền kinh tế mới nổi chủ yếu như Thổ Nhĩ Kỳ, Brazil, Nga, Ấn Độ, Mexico và Indonesia. Không loại trừ khả năng xảy ra làn sóng thứ tư lấy châu Phi làm tâm điểm.
Mỗi làn sóng bệnh dịch đều tác động lớn tới kinh tế. Ví dụ trong làn sóng thứ nhất, đối tượng bị ảnh hưởng chủ yếu là ngành chế tạo Trung Quốc, nói cách khác là tác động của dịch bệnh đối với trong nước. Cho nên, biện pháp ứng phó chủ yếu là phục hồi sản xuất kinh doanh để hóa giải khó khăn.
Tuy nhiên, làn sóng thứ hai lại đến từ thị trường quốc tế và chủ yếu là các nền kinh tế phát triển, ảnh hưởng tới đơn đặt hàng của các doanh nghiệp xuất khẩu của Trung Quốc, đặc biệt là việc sản xuất và xuất khẩu sản phẩm then chốt của các doanh nghiệp hàng đầu có ảnh hưởng quan trọng tới chuỗi ngành nghề toàn cầu. Vì thế, Trung Quốc phải phòng ngừa việc đứt gãy và tách rời trong chuỗi cung ứng quốc tế.
Hiện nay, có không ít ý kiến khác nhau về việc các nền kinh tế phát triển như Mỹ và Nhật Bản có rút vốn khỏi Trung Quốc hay không và việc này sẽ tác động như thế nào đối với vị trí và ảnh hưởng của Trung Quốc trong chuỗi cung ứng quốc tế.
Tuy nhiên, các chuyên gia cơ bản cho rằng làn sóng thứ hai vẫn chưa kết thúc và có thể kéo dài hết quý 2/2020. Trong khi đó, thế giới nói chung và Trung Quốc nói riêng lại chuẩn bị đối mặt với làn sóng thứ ba và thứ tư. Thời gian dịch bệnh càng kéo dài, cú sốc kinh tế tạo ra càng lớn./.